Thứ năm, 28/03/2024 18:43 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/10/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 20/10/2019 10:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/10/2019.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định về Quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, mức giá tối đa áp dụng kể từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2023 được chia ra làm 5 chủ nguồn thải, tương ứng với các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, đối với hộ gia đình từ 25.000 đồng - 50.000 đồng/hộ/tháng; đối với hộ gia đình ở nhà (phòng) trọ từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/hộ/tháng; đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ 60.000 đồng - 100.000 đồng/hộ/tháng.

Còn đối với trụ sở làm việc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từ 120.000 đồng - 200.000 đồng/đơn vị/tháng; đối với công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện, chợ, bến xe, bến tàu, cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, rau, quả, thực phẩm tươi sống từ 410.000 đồng - 460.000 đồng/tấn hoặc từ 193.000 đồng - 210.000 đồng/m3.

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức xây dựng giá thu hàng năm trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa. Tổng số tiền thu trên tổng số tiền chi cho dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo theo lộ trình tổng số tiền thu phải đạt trên 80% tổng số tiền chi (2020); trên 90% (2021); trên 95% (2022) và trên 100% vào năm 2023.

Các địa phương căn cứ giá tối đa được quy định, tổ chức xây dựng giá thu cho dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phù hợp với lộ trình thu hàng năm; xây dựng phương án thu và tổ chức thu đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Xây dựng, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện điều tiết, phân bổ nguồn kinh phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hàng năm trên cơ sở nguồn kinh phí thu được từ giá dịch vụ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Hơn 5.000 mỏ khoáng sản, hàng trăm nhà máy giấy lạc hậu đang tác động xấu đến môi trường

Các mỏ khoáng sản phát sinh lượng bụi, nước thải lớn làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước trong khi các nhà máy giấy công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, sử dụng nhiều hoá chất gây ô nhiêm có độc tính cao…

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) gửi đến các đại biểu Quốc hội phục vụ kỳ họp Quốc hội dự kiến diễn ra vào 21/10 tới đây đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo Bộ TN&MT, nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng nhu cầu, hầu hết chưa qua xử lý, xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, còn xảy ra các sự cố nước thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn lớn, hiện mới chỉ có khoảng 20% nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý, còn hiện tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ lén lút xả thải.

Khổi lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng mạnh, hầu hết rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom, xử lý chất thải của một số địa phương còn nhiều hạn chế. Trong khi lượng rác thải nhựa và túi nilong khó phân hủy và độ nhựa sử dụng một lần vẫn tiếp tục tăng.

Ô nhiễm không khí tại đô thị lớn được Bộ TN&MT chỉ ra là diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năn, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn.

Trên phạm vi cả nước còn nhiều dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh lượng chất thải lớn, có tính độc hại cao đối với môi trường như khai thác khoáng sản, sản xuất giấy, dệt nhuộm, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật...

Báo cáo chỉ ra Việt Nam hiện có 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản làm phát sinh lượng bụi, nước thải lớn, gây tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do phải trải qua nhiều quá trình như tẩy mực, băm nhuyễn, làm trắng… sử dụng nhiều loại hoá chất và bản thân các phế phẩm từ giấy cũng chứa nhiều chất gây ô nhiễm có độc tính cao;

Bên cạnh đó, có 25 nhà máy nhiệt điện than, 65 nhà máy sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên... nếu không được quản lý, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra rằng, nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Trong khi ở Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm trên 1% GDP, các nước phát triển thường chiếm 3-4% GDP.

Mưa lớn gây ngập cục bộ ở Bình Định

Từ ngày 15/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục có mưa vừa đến mưa to gây ngập cục bộ nhiều khu dân cư nằm cuối sông Côn thuộc địa bàn các huyện Phù Cát, Tuy Phước và Thị xã An Nhơn.

Tràn ở xã Cát Tiến bị ngập.

Hiện, 165 hồ chứa trong tỉnh tích nước đạt gần 14% dung tích thiết kế, tăng hơn 18 triệu mét khối nước so với tuần trước. Tại xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, nước sông Đại An vượt tràn Phú Giáo về gây ngập cục bộ ở khu dân cư Long Hậu, Chánh Định, nước lũ cũng gây chia cắt tỉnh lộ 640 qua địa bàn xã khiến việc đi lại khó khăn.

Ông Hồ Đắc Chương, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức kiểm tra để thông thoáng dòng chảy trên các sông, các đập dâng. Chúng tôi đều nhắc nhở thông thoáng dòng chảy. Khi nước qua tràn, từng xã, từng huyện, nhất là các tràn trên đường đều phải có lực lượng xung kích nhắc nhở, hỗ trợ người dân qua khi nước còn thấp. Còn nước cao thì nghiêm cấm người dân không cho qua vì nguy hiểm đến tính mạng".

Vỡ đập ở Nga, đã có 13 người chết

Số người chết trong vụ vỡ đập trên sông Seyba ở quận Kuraginsky thuộc vùng lãnh thổ Krasnoyark của Nga đã là 13 người. Hiện vẫn còn 10 người mất tích và 80 người khác vẫn đang còn bị mắc kẹt bên trong các cơ sở bị ngập lụt, đại diện các dịch vụ khẩn cấp địa phương nói với đài Sputnik.

Nga  đang điều tra hình sự vụ vỡ đập làm chết 15 người. Ảnh: SPUTNIK

Vụ việc xảy ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 19-10 (giờ địa phương). Đập hồ nước dự trữ thuộc về một công ty khai thác vàng đã bị sập gần khu dân cư Shchetinkino, khiến hai khu nhà ở tạm của nhân viên gần đó bị ngập.

Tất cả các nhân viên cứu hộ khẩn cấp từ thị trấn Artyomovsk đã được cử tới hiện trường. Tổng cộng 41 người và 12 trang thiết bị đang tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Theo Sputnik, một đơn vị di động trên không gồm 200 thành viên cùng 5 trực thăng M-8 và Mi-26 của trung tâm cứu hộ Siberia thuộc Bộ Khẩn cấp Nga đã được điều động tới khu vực.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.