Thứ năm, 25/04/2024 23:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/9/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 20/09/2019 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/9/2019.

Nhật sẽ phun tuyết để chống nóng cho Olympic mùa hè Tokyo 2020

Thời điểm tổ chức Thế vận hội Tokyo năm 2020 rơi vào tháng 7 và tháng 8, khoảng thời gian Nhật Bản bị cái nóng ngột ngạt bao trùm; cộng thêm tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, nóng lên toàn cầu có xu hướng gia tăng cao, khiến quá nhiệt có thể trở thành nguy cơ lớn với sức khỏe.

Trong đợt nắng nóng tháng 7-8.2019, đã có hàng chục người thiệt mạng tại Nhật Bản vì nắng nóng, trong đó một công nhân xây dựng làm việc tại công trình phục vụ thế vận hội cũng thiệt mạng nghi do sốc nhiệt.

Trong lúc công tác chuẩn bị cho Thế vận hội 2020 tại Nhật Bản đang vào giai đoạn nước rút, ban tổ chức đã nỗ lực nghĩ ra nhiều biện pháp chống nóng, trong đó có thử nghiệm phun tuyết nhân tạo. Và trong hôm 13.9, ban tổ chức đã thử phun tuyết lên một nhóm khán giả để đánh giá tác dụng chống lại nhiệt độ và độ ẩm cao hay không.

Ngoài ra, các biện pháp đối phó nhiệt độ cao khác bao gồm máy phun hơi nước và khu nghỉ có máy lạnh cũng được đưa ra nhằm giúp khán giả và vận động viên cảm thấy thoải mái, mát mẻ trong suốt thời gian tổ chức thế vận hội.

Tình nguyện viên trồng cây phủ xanh rừng ngập mặn Sóc Trăng

Ngày 18/9, FPT Software cùng Hạnh phúc xanh - dự án thuộc Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững, tổ chức trồng 2.000 cây bần tại Sóc Trăng. Đây là hoạt động hưởng ứng Dự án trồng 10 nghìn cây bần để giữ đất, giữ bờ cho diện tích gần 4ha khu vực cửa biển Định An, Sóc Trăng.

Khu vực trồng nằm ở cửa biển thuộc sông Hậu, là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề của triều cường. Triều cường không chỉ làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt mà còn khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị nhiễm mặn, ảnh hưởng tới môi trường sống.

Việc trồng bần sẽ tăng diện tích rừng ngập mặn phòng hộ, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chống xói lở và cố định các bãi bồi ven biển. Đồng thời, với việc thu hoạch trái bần, nuôi trồng thủy sản sẽ giúp tăng cơ hội phát triển sinh kế từ rừng ngập mặn cho người dân địa phương.

Hoạt động trồng 2.000 cây bần cũng là sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động trồng 20.000 cây xanh trên toàn cầu của chiến dịch Run For Green - Giải chạy marathon vì môi trường xanh nhằm lan tỏa tinh thần sống khỏe, sống xanh trong cộng đồng.

Chiến dịch đã thu hút đông đảo người tham gia chạy và thực hiện được quãng đường dài hơn 620 nghìn km, được quy đổi theo tỷ lệ 20km/một cây xanh được trồng.

Thái Nguyên: Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 19.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 17.600 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 465 tỷ đồng và giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 400 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 5,01%. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt giai đoạn này tăng bình quân 4,62%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì đạt trên 50%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%.

Đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Thái Nguyên có 88 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn này, ngành Nông nghiệp đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng nông thôn mới. Một số cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: Chè, lúa, cây lâm nghiệp, lợn, gà đã có tỷ lệ giống mới chất lượng tốt; một phần diện tích được ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, như: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế và các công trình văn hoa; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trong công tác quy hoạch rừng; quản lý giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong sản xuất; quản lý thương hiệu sản phẩm.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chưa có nhiều doanh nhiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Rau, cây ăn quả tuy diện tích khá lớn, song quy mô các vùng sản xuất tập trung còn thấp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, hữu cơ phát triển chậm…

Hơn 10 năm khói bụi than đeo bám hàng trăm hộ dân ở Bến Tre

Gần 10 năm nay, căn nhà ông Nguyễn Văn Phong (xã Thạnh Phú Đông) quanh năm bị khói ám đen kịt. Các vật dụng sinh hoạt bị nhuộm một màu đen của khói. Những chiếc lu giờ đây không chỉ là để chứa nước. Trước đây, người dân dùng nước mưa để uống. Tuy nhiên, hiện nay khói bụi lò than bám dày đặc, cặn cũng xuất hiện rất nhiều. Mặc dù biết ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng do không còn nguồn nước nào khác nên bà con đành phải sử dụng.

Sức nóng, mùi hôi khét từ khói khiến cuộc sống của người dân thêm ngột ngạt. Bà Đặng Thị Giáp (xã Lương Hòa) bị bệnh viêm phổi và ho trong nhiều năm qua. Do phải sống lâu ngày trong môi trường ô nhiễm nên sức khỏe của bà ngày càng suy giảm trầm trọng hơn.

Khói đóng dày đặc vào thân, lá các vườn cây ăn trái, khiến cây sinh trưởng, phát triển kém. Nhiều diện tích vườn cách lò than khoảng 500m liên tục bị mất mùa.

Gần 2 triệu học sinh Indonesia và Malaysia không thể đến trường vì khói bụi

Gần 2 triệu học sinh Indonesia và Malaysia không thể đến trường vì hàng nghìn trường học ở hai nước đã phải đóng cửa do khói mù phát tán từ các đám cháy rừng.

Tại Malaysia, gần 2.500 trường học được lệnh đóng cửa trong bối cảnh khói mù dày đặc bốc lên từ các đám cháy ngoài tầm kiểm soát tại hai đảo Sumatra và Borneo của nước láng giềng Indonesia. Với gần 300 trường học tại thủ đô Kuala Lumpur phải đóng cửa, đây là đợt đóng cửa quy mô lớn đầu tiên tại thủ đô của Malaysia.

Tại Indonesia, hàng trăm trường học ở tỉnh Riau trên đảo Sumatra đã phải đóng cửa. 1.300 trường khác tại tỉnh miền Trung Kalimantan trên đảo Borneo cũng nhận được chỉ thị đóng cửa.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.