Thứ bảy, 20/04/2024 10:51 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/9/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 21/09/2019 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/9/2019.

Bãi biển Mũi Né ô nhiễm nghiêm trọng

Từ bên hông resort Hòn Ngọc, con đường đất đỏ thơ mộng dài chừng hơn trăm mét dẫn ra bãi Sau ngày nào nay đã bị nhuốm màu đen kịt bởi đủ loại chất thải.

Tại bãi Sau, mức độ ô nhiễm thực sự rất đáng lo ngại. Dọc bãi biển dài chừng 500m là những cảnh tượng hỗn độn bởi hàng loạt chòi lá tự phát mọc lên để người dân trao đổi, sơ chế hải sản.

Nước thải màu đen kịt, bốc mùi thối từ các chòi lá này thải ra, dẫn thẳng xuống biển. Tại nhiều điểm trên bãi biển, rác thải là các túi ni lông dùng để đựng hải sản chất thành từng đống, trải dài phủ kín cả một vùng bờ biển.

Không chỉ vậy, nhiều người còn vô tư đổ các loại vỏ sò, mảnh nhuyễn thể ra ngay bãi biển mà không hề gặp phải sự can thiệp nào từ phía chính quyền.

Cả một vùng bờ biển bãi Sau, Mũi Né bị phủ kín bởi rác thải

Anh Nguyễn Toàn Thắng (du khách ở TPHCM) ngao ngán: “Đây không phải là bãi biển mà phải gọi là bãi rác mới đúng. Nhìn xem, dọc cả một bãi biển ngập ngụa túi ni lông, vỏ sò, nước thải. Nếu chính quyền không có biện pháp thì nơi đây chắc sẽ không ai dám bén mảng tới”.

Còn ông Igor (du khách Nga) bức xúc: “Năm nào tôi cũng đến Mũi Né để nghỉ dưỡng, nhưng mỗi lần quay trở lại là mỗi lần thêm thất vọng. Khu vực bãi Sau trước đây rất đẹp, tập trung nhiều resort nghỉ dưỡng nhưng giờ trông nó thật đáng sợ”.

Trước sự việc này, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né, thì ông Vũ cho rằng khu vực này đã xử lý rồi. Hiện giờ có ô nhiễm hay không thì chưa biết, vì chưa có ai báo cáo! Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ phía chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vũ hứa sẽ cho người kiểm tra.

Đà Nẵng: Tăng cường quản lý kênh, hồ trên địa bàn

UBND TP. Đà Nẵng ban hành văn bản số 6225/UBND-STNMT về tăng cường công tác quản lý kênh, hồ trên địa bàn. Theo đó, Sở Xây dựng phối hợp Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, UBND các quận huyện... và các đơn vị liên quan khảo sát tổng thể các kênh, hồ trên địa bàn, xây dựng phương án thu gom, xử lý nước thải tại các hồ chưa được đầu tư hệ thống thu gom.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát chất lượng môi trường các hồ, tổng hợp báo cáo quản lý, bảo vệ môi trường về hồ, ao của các địa phương, đề xuất UBND thành phố về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm các hồ. Chủ trì phối hợp với UBND các quận huyện lập Đề án cải thiện chất lượng môi trường các hồ, ao trên địa bàn để từng bước phân kỳ đầu tư sau khi tách hoàn toàn nước mưa và nước thải, trình UBND thành phố trong năm 2019.

Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải khi phát hiện tình trạng cá chết, nước đổi màu, nước có mùi hôi.. ngoài việc triển khai các biện pháp xử lý khẩn cấp, kiểm soát, phát hiện các nguồn nước thải vào các hồ, kênh mương thì phải báo cáo cho UBND quận, huyện chủ động kiểm tra, xử lý.

UBND các quận huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thoát nước xử lý các vấn đề phát sinh tại hồ. Trường hợp vượt quá thẩm quyền và tùy thuộc vào phân cấp quản lý của từng ngành, đề nghị UBND quận huyện phản hồi đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để kịp thời xử lý.

Cần Thơ: Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019

Căn cứ Công văn số 4566 ngày 13/9/2019 của Bộ TN&MT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019, Sở TN&MT TP. Cần Thơ vừa có Văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành, quận, huyện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch này.

Theo đó, để hưởng ứng Chiến dịch, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đề nghị các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ quan, đơn vị theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa; Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Học sinh TP. Cần Thơ cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường

Đồng thời, đề xuất, giới thiệu các mô hình tiêu biểu về thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn, mô hình hạn chế rác thải nhựa hiệu quả về Sở TN&MT để phối hợp thực hiện hoặc trình UBND TP. Cần Thơ xem xét, nhân rộng mô hình; tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, phối hợp các cơ quan báo, đài xây dựng chuyên trang, thực hiện phóng sự tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng đồ nhựa dùng một lần, những hậu quả đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tại nơi công cộng và trụ sở cơ quan để tuyên truyền trực quan, nhắc nhở người dân cùng có trách nhiệm tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.

Tùy vào điều kiện từng địa phương, đơn vị thì tổ chức các buổi lễ phát động, lễ ra quân làm vệ sinh môi trường và các hoạt động thiết thực khác nhằm giải quyết các điểm nóng về môi trường, các điểm tồn động về ô nhiễm môi trường gây bức xúc; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, phối hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà phân phối, bán lẻ hạn chế sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy; vận động thu gom bao bì nhựa đến cơ sở tái chế, xử lý đúng quy định; tuyệt đối không vứt rác thải, đặc biệt là bao bì nhựa xuống sông, kênh rạch, cống rãnh; mọi hành vi vi phạm phải được nhắc nhở, cảnh cáo hoặc xử lý theo quy định pháp luật.

Malaysia phát 2 triệu khẩu trang vì khói từ cháy rừng

Phó Thủ tướng Malaysia, bà Wan Azizah Wan Ismail phát biểu với Bernama rằng khói bụi từ các đám cháy ở Kalimantan thuộc Indonesia chính là tác nhân hàng đầu gây ra sự suy giảm nghiêm trọng chất lượng không khí.

"Chúng tôi không thể kiểm soát được nguồn (gây ô nhiễm). Đó là lý do vì sao chính phủ của chúng tôi đang chuẩn bị nhiều biện pháp để đối phó với tình trạng này" - bà Ismail nói thêm.

Học sinh ở Sarawak phải sử dụng khẩu trang khi thi chuyển cấp vì khói mù. Ảnh: BERNAMA

Chất lượng không khí ở tỉnh Sarawak, Đông Malaysia đã đạt đỉnh ô nhiễm, đạt 273 microgram phân tử bụi mịn trên mỗi mét khối không khí và là "cực kỳ gây hại sức khỏe" - theo thông tin từ trang Chỉ số ô nhiễm không khí Malaysia (APIMS).

Cao điểm nhất, vào lúc 10 giờ sáng, tại Trạm quan trắc Sri Aman thuộc tỉnh Sarawak, chỉ số ô nhiễm không khí API đã đạt đến 420, tương đương với mức "gây nguy hiểm đến sức khỏe".

Trước đó, ngày 10/9, Bộ Giáo dục Malaysia đã phải đóng cửa 409 trường tiểu học và cấp 2 ở khu vực Sarawak ảnh hưởng tới hơn 150.000 học sinh. Bộ trưởng Giáo dục Malaysia Maszlee Malik cho biết qua Twitter rằng các trường học trong khu vực sẽ phải đóng cửa ngay lập tức nếu chỉ số API đạt trên 200.

Các đám cháy ở vùng Kalimantan cùng và Sumatra (Indonesia) đã thiêu rụi ít nhất 800.000 hecta đất, Ban Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia cho biết. Malaysia cho biết họ sẵn sàng giúp đỡ Indonesia nhằm đối phó với nạn cháy rừng.

Cháy rừng ở Indonesia diễn ra hằng năm, khi các nông dân nước này đốt nương rẫy cọ dầu để làm sạch đất, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Các đám cháy có thể kéo dài hàng tuần trong điều kiện khô nóng, gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực lân cận và cả hai nước láng giềng Malaysia và Singapore.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ