Thứ năm, 25/04/2024 18:31 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/8/2019

MTĐT -  Thứ năm, 22/08/2019 10:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/8/2019.

Hạn hán ở Quảng Trị đang trong tình trạng báo động đỏ

Ngày 21/8, ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, tình trạng hạn hán ở địa phương này đang trong tình trạng báo động đỏ.

Hiện hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh đều đã cạn kiệt nước, chỉ còn từ 2-3% so với dung tích thiết kế. Nhiều con sông cạn trơ đáy hoặc bị xâm nhập mặn, khiến cho việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và nước tưới phục vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Công ty cung cấp nước sạch Quảng Trị đã phải huy động nhân lực nạo vét sông, gom nước từ các khúc sông còn sót lại, song chỉ đủ cung cấp luân phiên cho người dân địa bàn thành phố và vùng lân cận, đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng hàng ngày của bà con.

Về phát triển sản xuất nông nghiệp, hiện toàn tỉnh Quảng Trị có trên 7.600 ha lúa Hè Thu 2019 bị thiếu nước do hạn hán kéo dài. Trong đó có khoảng 1.300 ha lúa chưa trổ bông, chậm hơn từ 10-15 ngày so với lịch gieo trồng, dẫn đến nguy cơ mất trắng lớn khi tình trạng hạn hán này tiếp tục kéo dài do không có mưa.

Xu hướng 'sống xanh' lan tới đỉnh núi cao nhất thế giới

Hòa chung xu hướng "sống xanh" lan rộng trên thế giới, từ tháng 1/2020, chính quyền Nepal sẽ cấm các loại đồ nhựa dùng một lần tại khu vực núi Everest nhằm giảm thiểu lượng lớn rác thải do khách du lịch và những người leo núi để lại.

Ngày 21/8, nhà chức trách Nepal cho biết lệnh cấm mới được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm nhựa có độ dày dưới 30 micron cũng như các loại nước uống đóng bằng chai nhựa, tại khu vực Khumbu Pasang Lhamu, nơi tọa lạc núi Everest và nhiều ngọn núi quanh năm tuyết phủ khác.

Một cơ quan địa phương sẽ làm việc với các công ty lữ hành, các hãng hàng không và Hiệp hội Leo núi Nepal để thực thi lệnh cấm này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Phát biểu với báo giới, một quan chức địa phương cho rằng việc bắt đầu cấm đồ nhựa dùng một lần ngay bây giờ sẽ giúp bảo vệ môi trường tại khu vực Khumbu Pasang Lhamu, núi Everest và các ngọn núi khác về lâu dài.

Lệnh cấm trên được đưa ra trong bối cảnh những năm gần đây, khu vực núi Everest thuộc Nepal đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng khách du lịch và các nhà leo núi, với hơn 50.000 khách du lịch mỗi năm.

Tuy nhiên, lượng du khách gia tăng cũng kéo theo nhiều rắc rối, trong đó rác thải là vấn đề khiến chính quyền Nepal hết sức lo ngại.

Các siêu thị tại Anh thí điểm không dùng đồ nhựa

Mới đây, các siêu thị lớn ở Anh đã tham gia vào làn sóng hạn chế dùng đồ nhựa với việc thí điểm không dùng nhựa.

Bạn có mang theo túi đựng đồ khi đi siêu thị không? Đó là chính là cách mà các khách hàng của chuỗi siêu thị Waitrose tại Oxford, Anh đang làm trong một chiến dịch thử nghiệm không dùng bao bì nhựa. Nếu quên túi, khách hàng có thể đặt cọc để mượn túi. Đây là giải pháp nhằm cắt giảm khoảng 800.000 tấn nhựa dùng 1 lần tại các siêu thị Anh mỗi năm.

Các siêu thị lớn mới vào cuộc nhưng một số cửa hàng nhỏ hơn đã áp dụng việc hoàn toàn không dùng đồ nhựa được 1 thời gian, ví dụ như chuỗi cửa hàng tạp hoá Budgens, đã loại bỏ bao bì nhựa trên hơn 2.000 sản phẩm từ cuối năm ngoái. Thay vào đó, giấy được sử dụng nhiều hơn, những loại thực phẩm như cá, pho mát được bọc trong màng phân huỷ sinh học làm từ mía.

Hiện mới chỉ có một nửa trong số top 10 chuỗi siêu thị hàng đầu tại Anh tuyên bố cắt giảm bao bì nhựa, tuy nhiên các nhà hoạt động môi trường tại Anh tin tưởng rằng chiến dịch nói không với bao bì nhựa sẽ lan toả mạnh mẽ hơn nữa tại đây trong thời gian tới.

Phát hiện “ổ” hạt vi nhựa ở Bắc Đại Tây Dương

Những tảng tảo biển trôi nổi là môi trường sống của các loài sinh vật như rùa, cá, tôm, nhưng cũng chính nó là nguyên nhân khiến những hạt vi nhựa kẹt lại, làm ô nhiễm rác thải nhựa trên biển càng thêm trầm trọng.

Nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình xanh cho thấy mật độ tập trung của hạt vi nhựa ở vùng biển Sargasso cao hơn những vùng biển khác. Nguyên nhân là do Sargasso là vùng biển duy nhất trên Trái đất không có đường bờ biển, mà được bao quanh bởi các dòng chảy đại dương. Chính vì vậy, nó vô tình trở thành bãi rác biển, tiếp nhận nhựa trôi dạt từ nhiều nơi trên thế giới.

Do liên tục bị các dòng chảy mạnh đánh vỡ, rác thải nhựa trở thành hạt vi nhựa, dễ dàng xâm nhập hơn vào cơ thể sinh vật biển, từ đó đi vào cơ thể con người qua chuỗi thức ăn.

Ước tính, có 8 triệu mét tấn rác thải nhựa bị thải ra biển mỗi năm, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe chở đầy rác nhựa bị đổ xuống biển.

Các nhà khoa học cảnh báo, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì không chỉ Sargasso mà nhiều vùng biển khác trên thế giới sẽ bị ô nhiễm nhựa đến mức khó có thể cứu vãn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.