Thứ sáu, 29/03/2024 22:33 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/10/2019

MTĐT -  Thứ năm, 24/10/2019 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/10/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/10/2019.

Dân bức xúc, tố cáo nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất san ủi, xâm hại mồ mả

Hàng trăm người dân thôn Đông Lỗ (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thời gian qua vô cùng bức xúc khi dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất (thuộc Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư tiến hành thi công.

Ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho hay dự án này có khoảng 115 hecta nằm trên địa bàn thôn Đông Lỗ. Đây là phần diện tích dự án mở rộng mới được phê duyệt. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý, đền bù, giải tỏa nhưng đã tiến hành thi công khiến người dân bức xúc.

"Họ đã tổ chức kiểm kê và tiến hành bồi thường một phần diện tích đất nông nghiệp nhưng đã cho san ủi thi công. Trong đó, người dân rất bức xúc khi việc san ủi thực hiện ở khu vực có nhiều mồ mả chưa được di dời", ông Vương cho hay.

Theo Trí thức trẻ, ông Nguyễn Sẵn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Khu kinh tế Dung Quất, khẳng định chủ đầu tư thực hiện sai trong việc tổ chức thi công.

"Đất chưa đền bù mà Hòa Phát tiến hành thi công là hành vi sai trái", ông Sẵn nói ngắn gọn.

Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cho biết đang yêu cầu Hòa Phát phải hoàn trả mặt bằng đã tiến hành san ủi mà chưa đền bù. Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì phải mời người dân trong vùng bị thiệt hại thống nhất để đền bù. Ngoài ra, đường dân sinh hư hỏng khi thi công phải thực hiện việc hoàn trả trong tháng 11 và phải thực hiện tái định cư cho dân.

Chính phủ Đức phê chuẩn lộ trình tăng giá khí thải CO2

Kể từ năm 2021, mỗi tấn khí thải CO2 sẽ được Đức định giá là 10 euro/tấn (khoảng 11,12 USD) và đến năm 2025, giá khí thải CO2 dự kiến sẽ tăng lên mức 35 euro/tấn.

Ngày 23/10, Chính phủ Đức đã quyết định phê chuẩn dự luật về hệ thống định giá khí thải carbon dioxide (CO2) cũng như một lệnh cấm lắp đặt hệ thống sưởi ấm bằng dầu mới sau năm 2026.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, kể từ năm 2021, mỗi tấn khí thải CO2 sẽ được định giá là 10 euro/tấn (khoảng 11,12 USD) và đến năm 2025, giá khí thải CO2 dự kiến sẽ tăng lên mức 35 euro/tấn.

 Ngoài ra, dự luật mới cũng quy định từ năm 2026 trở đi, mức giá khí thải CO2 sẽ do một thị trường ngoại hối về chứng chỉ carbon quy định và được giới hạn ở mức 60 euro/tấn.

Tuy nhiên, mức giá này đã bị các nhà hoạt động bảo vệ môi trường phàn nàn là quá thấp, cho rằng mức phí khởi điểm nên tối thiểu là 40 euro/tấn, đồng thời viện dẫn mức phí 90 euro cho mỗi tấn khí CO2 thải ra từ hoạt động sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch tại Thụy Sĩ.

Cùng ngày, Chính phủ Đức cũng ban hành lệnh cấm lắp đặt hệ thống sưởi ấm mới chạy bằng dầu sau năm 2026, ngoại trừ tại những ngôi nhà không thể lắp đặt được hệ thống sưởi bằng khí đốt cũng như được sưởi ấm bằng năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, những hộ gia đình đã chủ động thay hệ thống sưởi cũ chạy bằng dầu trong ngôi nhà của mình bằng một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường hơn sẽ được nhận được một phần thưởng "hấp dẫn."

Hồi tuần trước, Chính phủ Đức đã trình bày dự thảo luật đầu tiên về các biện pháp bảo vệ khí hậu, cắt giảm lượng khí thải CO2, trong đó có việc giảm thuế đối với du lịch đường sắt và tăng thuế đối với các chuyến bay. Với kế hoạch hành động bảo vệ khí hậu này, Đức hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra vào năm 2030.

Mỹ kiên quyết rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Ngày 23/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khi chỉ còn 2 tuần nữa là Washington sẽ bắt đầu tiến trình này.

Ngày 23/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa chính quyền của ông sẽ chính thức bắt đầu tiến trình này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu tại một hội nghị năng lượng tại Pittsburgh, Tổng thống Trump cho rằng: "Hiệp định Paris sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm.” Ông cũng nhấn mạnh rằng thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” chính là không gây tổn hại cho người dân Mỹ và không giúp những quốc gia gây ô nhiễm làm giàu.

Theo các điều khoản của hiệp định, vào ngày 4/11 tới, Tổng thống Trump có thể trình lên Liên hợp quốc (LHQ) một bức thư thông báo nước Mỹ chính thức rút khỏi các cam kết trong hiệp định. Tuy nhiên, quá trình này sẽ phải mất một năm để thực hiện và điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của hiệp định này vào ngày 4/11/2020-một ngày sau ngày bầu cử tổng thống vào năm sau.

Nghệ An: Lợn chết vứt bát nháo đầu nguồn sông Lam

Mấy ngày qua, người dân vô cùng bức xúc khi phát hiện gần 10 bao tải chứa khoảng 10 con lợn chết vứt xuống dưới cống rú Nguộc chảy ra sông Lam, đoạn qua xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Những xác lợn này đang phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chính quyền địa phương sau đó đã cử lực lượng đến thu gom xác lợn chết đưa đi tiêu hủy.

Trước đó, ngày 22/10, người dân phát hiện xác một con lợn lớn vứt trên đường giao thông nội đồng qua xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương.

Đầu tháng 10/2019, nhiều con lợn chết cũng bị vứt xuống sông Đào, đoạn qua huyện Nam Đàn và huyện Hưng Nguyên (vùng tâm dịch).

Hiện trên địa bàn Nghệ An, tất cả các huyện, xã, thành, thị đều đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Thái Lan cảnh báo nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Văn phòng Quản lý nguồn nước sinh hoạt quốc gia của Thái Lan khuyến cáo, người dân một số địa phương chuẩn bị đối phó với tình trạng thiếu nước có thể kéo dài tới 8 tháng.

Khuyến cáo trên được đưa ra khi Thái Lan chuẩn bị bước vào mùa khô, bắt đầu từ ngày 1/11 tới. Mực nước dự trữ đã giảm ở nhiều hồ chứa nước tại nước này.

Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan đã áp dụng một số biện pháp như: nạo vét các dòng chảy để tăng lưu lượng nước chảy vào các hồ chứa, khoan thêm giếng nước ngầm, mở rộng hồ dự trữ nước và mua nước sinh hoạt phục vụ người dân. Đồng thời, Thái Lan yêu cầu người dân sinh sống tại những khu vực có nguy cơ thiếu nước phải tiết kiệm nước trong vài tháng tới.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới