Thứ bảy, 20/04/2024 03:36 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/8/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 24/08/2019 15:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/8/2019.

Động đất 2,8 độ richter khiến nhiều nhà dân ở Điện Biên rung lắc

Vào lúc 5h13 ngày 24/8, một trận động đất với cường độ 2,8 độ richter xảy ra tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 22.135 độ vĩ Bắc, 102.405 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 6.6 km.

Động đất được xác định xảy ra tại khu vực xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 100km.

Tuy trận động đất có cường độ không lớn nhưng do độ sâu chấn tiêu khá gần mặt đất nên người dân ở khu vực Mường Nhé đều cảm nhận được rất rõ sự rung lắc do dư chấn trận động đất gây nên.

Được biết, đây là trận động đất thứ 5 xảy ra tại tỉnh Điện Biên trong năm nay.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Người dân vẫn vô tư xả rác xuống hồ Ao Dài

Mặc dù được chọn là nơi thí điểm mô hình cộng đồng tham gia giám sát ô nhiễm và bảo vệ môi trường (năm 2016), thế nhưng tại khu vực hồ Ao Dài (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm), những hành vi xả rác vẫn diễn ra và trở thành thói quen xấu của người dân, trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn. 

Được biết, nhiều năm trước, Ao Dài bị ô nhiễm nặng, trở thành “điểm đen”, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong vùng.

Để nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng quan tâm, ngăn ngừa các hành động làm ô nhiễm nguồn nước, quận Nam Từ Liêm đã áp dụng mô hình giám sát ô nhiễm nước mặt, bảo vệ môi trường với mục tiêu giúp người dân xung quanh hồ hình thành thói quen bảo vệ môi trường xung quanh.

Với những việc làm thiết thực đó, chỉ sau một thời gian ngắn, Ao Dài vốn là ao tù nước đọng, chứa nhiều rác, nước bẩn hôi tanh nồng nặc đã được làm sạch, trả lại vẻ đẹp trong lành trong khu dân cư đông đúc. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng xả rác vô tư xuống hồ lại tiếp tục tái diễn.

Công ty Giấy Sài Gòn được phép nhập khẩu phế liệu

Theo Bộ TN-MT, bãi lưu giữ phế liệu; Kho lưu giữ phế liệu; Công trình, thiết bị xử lí chất thải trong quá trình sản xuất, tái chế, tái sử dụng phế liệu…. của Nhà máy giấy Sài Gòn (Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn, trụ sở tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đạt đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Do đó, công ty được phép nhập khẩu giấy loại hoặc bìa loại thu hồi trong thời gian hiệu lực của Giấy xác nhận, cụ thể: Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng; Giấy hoặc bìa khác được làm chủ yếu từ quá trình hóa học hoặc đã tẩy trắng, chưa nhuộm màu toàn bộ; Loại khác, kể cả phế liệu và vụn thừa chưa phân loại. Theo đó, công ty được phép nhập khẩu trong thời hạn của Giấy xác nhận là 166.892 tấn.

Bộ TN-MT cũng yêu cầu, Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn chỉ được phép nhập khẩu khối lượng phế liệu đảm bảo sức chứa các kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu của nhà máy; Nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhạp khẩu quy định trong Giấy xác nhận; Chỉ được sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của nhà máy.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu.

Thái Lan phát triển robot thu gom rác thải nhựa

Tin tức trên TTXVN cho biết, mẫu robot đầu tiên đã được công bố trong một cuộc họp hôm 22/8 với hàng trăm đối tác địa phương đang hợp tác bảo vệ các nguồn tài nguyên biển tại 22 tỉnh duyên hải của Thái Lan.

Ông Cholanat Yanaranop, Chủ tịch Công ty SCG Chemicals, cho biết robot gom rác thông minh SCG Smart Litter Trap 4.0 là sản phẩm của SCG phối hợp với DMCR trong dự án thu gom rác thải nhựa nhằm ngăn rác thải trôi ra biển.

SCG Smart Litter Trap 4.0 có chiều dài 1,5m và chiều cao 1,2m với khả năng thu gom khoảng 5kg nhựa mỗi chuyến hành trình. Robot được cấp điện bằng một tấm pin Mặt trời và thực hiện nhiệm vụ thông qua thiết bị kết nối Internet. Ông Cholanat cho biết robot này được lập trình để chỉ thu gom chất thải nhựa khi rà soát trên sông dưới sự điều khiển của tín hiệu điện thoại di động.

Sau khi gom rác đầy khoang, robot tự động liên lạc với người điều khiển thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động để đưa rác thải nhựa về kho chứa. Đây là một giải pháp thực tiễn và kết nối tốt với những người sử dụng. Ông Cholanat nói thêm rằng khả năng làm việc của robot có thể được tăng lên trên 100kg rác thải nhựa và công nghệ này có thể được sử dụng tại những nước đang phát triển đang phải đối mặt với vấn đề rác thải đại dương.

SCG Smart Litter Trap 4.0 là phiên bản thông minh được phát triển từ một loại bẫy rác hình vợt bắt cá có tên gọi SCG-DMCR Litter Trap, được sử dụng để thu gom rác tại các cửa tràn nhờ tận dụng thủy triều. Bẫy rác này có chiều dài 5m và cao 1,8m với khả năng thu gom được 700kg rác. Tuy nhiên, bẫy rác kiểu này được đặt cố định và thu gom đủ loại rác nên rác thải nhựa phải được phân loại thủ công.

Công ty SCG Chemicals hôm 22/8 đã trao 20 robot SCG Smart Litter Trap 4.0 cho DMCR để sử dụng thí điểm tại 20 địa điểm ở 13 tỉnh của Thái Lan. Theo kế hoạch, những robot tiếp theo sẽ được đưa vào sử dụng từ cuối năm nay.

Tập huấn phân loại rác tại nguồn cho dân đảo Lý Sơn

Sáng 23/8, Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn cho người dân xã An Hải, huyện Lý Sơn.

120 người dân xã An Hải đã được thực hành phân loại rác thải tạo nguồn, cách nhận biết rác hữu cơ, rác vô cơ, rác dễ phân hủy, rác có thể tái chế. Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng cũng kêu gọi người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Người dân tham gia buổi tập huấn sẽ hiểu được lợi ích và sự cần thiết phân loại rác thải tại nguồn, từ đó có ý thức thực hành phân loại rác tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên đảo.

Dịp này, Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng đã tài trợ cho người dân 1.300 giỏ nhựa đi chợ.

Bộ Công an vào cuộc vụ Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau

Ngày 23/8, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ Công an đề nghị tỉnh này cung cấp báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành về Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Tuy nhiên, do nội dung báo cáo này có liên quan đến vụ án đang được điều tra, nên ông Nguyễn Đức Thánh cho hay không thể cung cấp cụ thể.

Trước đó, tập thể Thường trực UBND tỉnh Cà Mau có ý kiến về việc liên quan đến Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau, và giao Sở Xây dựng thành lập tổ công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà máy xử lý rác thải này.

Theo đó, giao tổ công tác chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức buổi làm việc với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau) để nắm chi tiết, công tác duy tu, sửa chữa thời gian qua; sự phù hợp của dây chuyền công nghệ và các thiết bị thay thế; tác động môi trường và các vấn đề khác có liên quan... Tổ công tác do Giám đốc Sở Xây dựng làm tổ trưởng.

Theo hồ sơ, Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau ra đời (năm 2010 và đi vào hoạt động năm 2012) trong bối cảnh Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực xử lý môi trường. Cụ thể, được nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư (khoảng hơn 160 tỉ đồng), ưu đãi vay vốn ngân hàng (tổng cộng 215 tỉ đồng)... trong khi tổng vốn đầu tư nhà máy này chỉ 329 tỉ đồng, đó là chưa kể những ưu đãi khác về đất đai, thuế... Và từ khi đi vào hoạt động tháng 5.2102 đến tháng 4.2019, nhà nước hỗ trợ tiền xử lý rác thải trên 107 tỉ đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...