Thứ năm, 28/03/2024 20:44 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/8/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 25/08/2019 10:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/8/2019.

Indonesia huy động máy bay trực thăng đối phó với cháy rừng

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 24/8, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý của Indonesia (BMKG) ở tỉnh Riau xác nhận hiện có tới 584 điểm nóng được phát hiện trên đảo Sumatra. Hơn 50% số điểm nóng nói trên đang bùng phát lửa hoặc có nguy cơ cao xảy ra cháy, nhiều gấp hai lần so với 1 ngày trước đó.

Do ảnh hưởng của các đám cháy lan rộng và hướng gió thổi mạnh từ Đông Nam sang Tây Nam, khói mù đã phủ kín Pekanbaru, thủ phủ của tỉnh Riau, vào sáng 24/8. Chất lượng không khí ở Pekanbaru bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tầm nhìn giảm xuống chỉ còn 1,5 km. Người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Lực lượng đặc nhiệm chữa cháy rừng Riau đã huy động 4 máy bay trực thăng để nỗ lực dập tắt đám cháy đang lan rộng khắp các khu vực, nhất là phía Nam của tỉnh trên đảo Sumatra. Các máy bay trực thăng ưu tiên thực hiện các vụ thả bom nước trên các quận Palalawan, Indragiri Hulu và Indragiri Hilir, điểm nóng tập trung một số vụ cháy rừng đang diễn ra và gây ra khói mù bao trùm thành phố Pekanbaru.

Máy bay trực thăng thả bom nước dập lửa trong vụ cháy rừng tại Ogan Ilir, Nam Sumatra, Indonesia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tình trạng nguồn nước bị cạn kiệt do hạn hán khiến mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng trong mùa khô khắc nghiệt năm nay cộng với gió mạnh là các yếu tố gây bùng phát các đám cháy cũng là những trở ngại lớn cản trở các nỗ lực chữa cháy. Dữ liệu từ Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia chỉ ra rằng hơn 30.000 ha rừng của nước này đã bị tàn phá bởi hỏa hoạn kể từ đầu năm nay.

Bộ trưởng điều phối Các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Wiranto trước đó thừa nhận luật pháp chống lại hành vi gây cháy rừng và đất vẫn chưa nghiêm. Các biện pháp trừng phạt cá nhân và tập thể gây ra hỏa hoạn không hiệu quả. Chính phủ Indonesia sẽ áp dụng một cách tiếp cận khác để ngăn chặn các hoạt động canh tác truyền thống sử dụng lửa. Bộ trưởng Wiranto xác nhận giới chức Indonesia đã cảnh cáo nghiêm khắc 37 tập đoàn về hành vi phát rừng đốt thực bì gây ra các vụ cháy rừng và đất, trong khi xúc tiến các thủ tục tố tụng pháp lý đối với 5 công ty khác.

Hàng năm, tại Indonesia thường xảy ra nạn cháy rừng và đất trong mùa khô do tập quán canh tác đốt rừng lập đồn điền. Năm 2015, nạn cháy đã lan rộng ngoài khả năng kiểm soát của nước này và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số quốc gia lân cận do khói mù lan rộng.

Động đất ở Điện Biên

Ngày 24/8, tại khu vực địa bàn xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã xảy ra một trận động đất có cường độ 2,8 độ richter.

Tuy trận động đất cường độ không lớn nhưng người dân ở xã Nậm Kè và các xã lân cận đều cảm nhận được rung lắc mặt đất, nhà cửa. Rất may không xảy ra thiệt hại, các công trình xây dựng tại địa phương vẫn đảm bảo an toàn. Đây là trận động đất thứ 5 xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong năm 2019.

Theo Trạm Quan sát động đất thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), thuộc Viện Vật lý địa cầu, năm 2018, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra 6 trận động đất và 3 trận động đất khác xảy ra ở khu vực biên giới. Trong đó, trận động đất có cường độ nhỏ nhất là 2,5 độ richter, trận có cường độ lớn nhất là 4,3 độ richter.

Các địa phương ven biển chủ động ứng phó bão Bailu

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13 giờ ngày 24-/, vị trí tâm bão Bailu ở vào khoảng 22,3 độ vĩ bắc; 120,5 độ kinh đông, ngay trên khu vực phía nam Ðài Loan (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 đến 100 km/giờ), giật cấp 12.

Cây mía trồng ở vùng gò đồi, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bị khô héo do nắng hạn kéo dài.

Dự báo bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Ðông (Trung Quốc). Ðến 13 giờ ngày hôm nay (25-8), vị trí tâm bão ở khoảng 24,8 độ vĩ bắc; 115,2 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Ðông, Giang Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75 km/giờ), giật cấp 10. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km, đi sâu vào đất liền Trung Quốc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

* Ngày 24-8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai ban hành Thông báo số 401/T.Ư PCTT - VP gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Ðịnh. Theo đó, để chủ động ứng phó trong tình huống bão có thể thay đổi hướng và ảnh hưởng tới vùng biển nước ta trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương nêu trên thường xuyên theo dõi diễn biến của bão để kịp thời thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển chủ động các biện pháp phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra…

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 24/8, một số nơi thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to. Lượng mưa đo được từ 9 đến 12 giờ cùng ngày tại Hương Trạch (Hà Tĩnh) là 15 mm; Troóc, Ba Ðồn, Phúc Trạch, Sơn Trạch (Quảng Bình) từ 18 đến 99 mm…

Chiều 24/8, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60mm, có nơi hơn 80mm. Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại một số nơi thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, nhất là tại các huyện Hương Khê, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch (Quảng Bình). Từ hôm nay (25-8) đến ngày 27-8, khu vực Bắc Bộ có mưa dông vài nơi, ngày trời nắng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 32 đến 35oC, có nơi hơn 35oC, riêng từ đêm 26-8 đến đêm 27-8 nhiệt độ giảm, phổ biến 31 đến 33 oC do mưa dông, kèm gió giật mạnh. Vùng núi có nguy cơ sạt lở đất do đã mưa nhiều ngày. Khu vực Trung Bộ có mưa rào và dông, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có mưa to, có nơi mưa rất to. Từ ngày 26 đến 30-8, mưa dông xuất hiện chủ yếu vào chiều tối. Nhiệt độ phổ biến 32 đến 35oC. Các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa tiếp tục tình trạng thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn, nhất là từ Quảng Nam đến Phú Yên.

Rác tràn ngập từ đồng bằng lên miền núi tại Quảng Nam

Hàng trăm tấn rác thải đang tồn đọng tại các khu dân cư ở tỉnh Quảng Nam. Lượng rác tăng lên hàng ngày khi mà khu chôn lấp rác thải tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc đã đầy; khu chứa và xử lý rác thải tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành thì bị người dân ngăn cản không cho xe chở rác vào.

Các khu vực thị trấn ngập rác.

Việc triển khai xây dựng khu xử lý rác mới đang bị người dân địa phương phản đối. Chính quyền, ngành chức năng và đơn vị thu gom, xử lý rác ở tỉnh Quảng Nam đang “tiến thoái lưỡng nan” chưa biết xử lý bằng cách nào.

Chợ mới Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nằm cạnh Quốc lộ 1A mấy hôm nay ngập ngụa rác thải. Thi thoảng chỗ này ùn lên đống rác, chỗ kia lượng rác ứ đọng cả tuần không thu gom, ruồi nhặng bu đầy.

Ngoài lượng lớn rác thải tuồn ra từ chợ, người dân các địa phương lân cận cũng chở rác đến đây đổ. Người dân sống xung quanh chợ ngán ngẩm gọi đây là “khu phố rác”.

Bà Nguyễn Thị Dục ở thị trấn Nam Phước cho biết, mấy hôm nay trời nắng nóng, đi ngang qua khu vực chợ, mùi rác thải hôi thối bốc lên rất khó chịu: “Mình không thể tính được bao nhiêu tấn nhưng rất là nhiều, rác từ các hộ dân xung quanh đây hôi thối quá nên họ đem ra chợ đổ. Ruồi bọ, dòi, xác chết súc vật cũng đem đến đây đổ, ghê lắm. Không biết kêu ở đâu. Nghe nói các nơi người dân không cho đổ rác nên chưa có biện pháp xử lý”.

Dọc tuyến Quốc lộ 14E, đoạn qua địa bàn xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, các thùng đựng rác không còn chỗ chứa, người dân vứt lăn lóc các túi ni lông đựng rác ra môi trường.

Bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Cẩm Tú, xã Quế Thọ cho biết, trước đây, Công ty môi trường thu gom mỗi tuần 2 lần, nhưng gần đây không thấy gom rác nữa nên lượng rác ùn ứ càng nhiều.

“Trước đây thứ 4 và thứ 7 họ chở mà chừ không thấy chở. Biết hỏi ai chừ? Ngay trước Ủy ban xã mà hôi lắm, ruồi nhiều. Đó là chưa gặp mùa mưa chớ đến mùa mưa mà như ri thì chịu không nổi”, bà Vân bức xúc.

Trong khi đó, tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc và xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, người dân vẫn tiếp tục phản đối việc thi công dự án lò đốt rác.

Các vị trí này được địa phương lựa chọn, phân vùng hợp lý thay cho hai khu chôn lấp rác thải đã đầy, giải quyết thu gom xử lý rác phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Thế nhưng, khi triển khai xây dựng thì gặp phải sự phản đối của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho biết, trước sự phản đối của người dân, chính quyền cho tạm dừng việc thi công để đối thoại với người dân địa phương. Qua đối thoại, bà con yêu cầu chính quyền, ngành chức năng, Công ty Môi trường Đô thị Quảng Nam cam kết xây dựng lò đốt rác không ảnh hưởng đến môi trường.

“UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan họp rất nhiều lần, khảo sát thực tế, điều chỉnh nhiều lần vị trí xây lò đốt rác, đồng thời tổ chức họp nhân dân, đi thực tế tại các lò đốt rác. Nhân dân đồng tình, sau đó ngày khởi công cũng rất tốt đẹp…”, ông Thanh cho hay.

Ông Chung Thành Đông, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị tỉnh Quảng Nam cho biết, lượng rác ùn ứ mỗi ngày khoảng 1.000 tấn. Mới đây, người dân xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành ngăn cản không cho xe đổ rác vào bãi tập kết khiến cho việc xử lý rác càng thêm khó khăn:

“Bây giờ bế tắc, chở lên khu chôn lấp Đại Hiệp thì đã quá tải. Bây giờ chỉ gom được một ít quanh khu vực thị trấn Vĩnh Điện thôi. Chớ còn Duy Xuyên mà chở lên thì không được nữa. Tắc nghẽn luôn. Bây giờ mới làm việc với huyện Núi Thành để thông được chỗ Tam Xuân 2 mới đổ được ít. Riêng huyện Thăng Bình thì họ tập kết tạm lại 1 điểm…”, ông Đông nói.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.