Thứ năm, 18/04/2024 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/9/2019

MTĐT -  Thứ năm, 26/09/2019 11:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/9/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/9/2019.

Khói bụi cháy rừng đe dọa sức khỏe của hơn 10 triệu trẻ em Indonesia

Theo số liệu thống kê của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), trong số 10 triệu trẻ em đang bị đe doạ sức khỏe tại Indonesia, có 2,4 triệu trẻ em ở độ tuổi mới biết đi đang sinh sống ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn cháy rừng.

Đại diện UNICEF tại Indonesia, bà Debora Comini cho biết, mỗi năm "hàng triệu trẻ em tại Indonesia hít phải không khí độc hại, đe doạ sức khỏe, gây tổn thương về thể chất và nhận thức suốt đời".

Cháy rừng và đất đã xảy ra ở nhiều tỉnh của Indonesia suốt 6 tháng vừa qua. Hơn 46 ngàn trường học và 7,8 triệu học sinh bị ảnh hưởng bởi khói mù. Các hoạt động giảng dạy và học tập đã phải tạm dừng ở các vùng ảnh hưởng.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo, ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ tiếp xúc với khu vực ô nhiễm không khí cao khi mang thai, gặp phải rất nhiều vấn đề về phát triển, cân nặng thấp hơn và dễ bị sinh non. Quỹ UNICEF khuyến cáo chính phủ Indonesia cần hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để ngăn chặn khói mù và sơ tán các bà mẹ, trẻ em tới những nơi an toàn.

Theo Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu, năm nay cháy rừng và đất ở Indonesia đã thải ra lượng carbon dioxit khoảng 360 megaton khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trước đó năm 2015, cháy rừng và đất tại Indonesia lên tới đỉnh điểm khi thải ra 400 megaton khí thải. Cơ quan quản lý thiên tai Indonesia công bố chỉ số ô nhiễm không khí ở tỉnh Jambi năm nay còn tồi tệ hơn năm 2015. Khói bụi ở tỉnh Jambi dày đặc bởi nơi đây có tới hơn 5.000 hecta là vùng đất than bùn sâu và lớp bùn nằm dưới độ sâu 5m cũng đang có những ngọn lửa. Tỉnh này đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì cháy rừng. 

Trục xuất 1.600 container phế liệu, chuyển điều tra nhiều doanh nghiệp

Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 vừa xử lý và trục xuất hơn 1.600 container phế liệu không người nhận có nguy cơ đe dọa môi trường, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý một số doanh nghiệp liên quan.

Đây chỉ là một lượng nhỏ trong số phế liệu đang tồng đọng gây ùn ứ tại các cảng biển ở phía Nam. Riêng tại cảng Cát Lái hiện vẫn còn khoảng 2.400 container tồn đọng từ năm 2018 đến nay, gây nhiều thiệt hại và rắc rối cho cảng…

Qua điều tra, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã lợi dụng việc không nhận hàng để trốn tránh trách nhiệm, buộc cơ quan hải quan phải chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, không chỉ Cảng Cát Lái đang tồn hàng ngàn container phế liệu mà cả nước vẫn tồn đọng hơn 23.000 container phế liệu có chủ nhưng doanh nghiệp không chịu nhận hàng. Trong đó, số lượng container lưu giữ trên 90 ngày đã hơn 9.000 thùng. Phần lớn số phế liệu này được doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam rồi bỏ lại tại các cảng trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM và Hải Phòng.

Nhiều địa phương loay hoay lựa chọn các khu xử lý rác thải

Theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, khu đất 28 ha tại thôn Trung Màu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên là 1 trong 4 khu vực trên toàn tỉnh được phê duyệt để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ tiêu chuẩn châu Âu. Vậy nhưng, chủ trương vừa mới được thông qua đã vấp phải phản ứng của người dân địa phương. Nhiều người lo ngại, việc xây dựng nhà máy xử lý rác sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Tuy nhiên, đại diện huyện Bình Xuyên và Sở Tài nguyên môi trường khẳng định, nhà máy này sẽ được xây dựng với công nghệ hiện đại, nước thải của nhà máy sẽ không chảy ra môi trường. Ngay cả hướng gió và khoảng cách an toàn từ nhà máy tới khu dân cư hiện cũng được tính đến là hơn 1.000m.

Rác thải không thể không xử lý dù chỉ 1 vài ngày. Việc xây dựng các khu xử lý rác là nhu cầu cấp thiết ở các địa phương. Câu chuyện tại Vĩnh Phúc cũng là thực trang ở nhiều địa phương, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần giám sát các chủ đầu tư tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai dự án, đồng thời tuyên truyền để nhận được sự đồng lòng từ cộng đồng dân cư.

Lùi thời gian hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước

Ngày 24/9, Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông TPHCM cho biết, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2 và giao UBND TP tiếp thu ý kiến của các bộ trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Dự án trên đang triển khai với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, góp phần giảm ngập cho lưu vực kênh này với tổng diện tích 2.150ha và tổng mức đầu tư 11.282 tỷ đồng, gồm vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách TP.

Cụ thể, dự án có 5 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu tư vấn kỹ thuật. Trong đó, gói thầu J mở rộng, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng hiện hữu từ 141.000m³/ngày đêm (giai đoạn 1) lên 469.000m³/ngày đêm, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Gói thầu K cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng, xây dựng các tuyến cống thoát nước cấp 2 và trạm bơm thuộc lưu vực rạch Hàng Bàng để giải quyết tình trạng ngập úng khu vực. Gói thầu G xây dựng hệ thống cống bao (hơn 33,7km) thu gom nước thải. Gói thầu I mở rộng trạm bơm trung chuyển và xây dựng tuyến cống chuyển tải; trong đó mở rộng, nâng công suất trạm bơm chuyển tiếp nước thải Đồng Diều hiện hữu từ 192.000m³/ngày lên 640.000m³/ngày; lắp đặt bổ sung 3 máy bơm, 1 máy biến áp và 1 máy phát điện dự phòng; xây dựng bổ sung 2 ngăn lắng cát và 1 cống hộp đôi dài 3,6km…

Gói thầu F cải tạo kênh và hệ thống bơm thoát nước tại kênh Tàu Hủ - Bến Nghé với chiều dài bờ kè hơn 9,1km, chiều dài nạo vét kênh hơn 5,7km; cải tạo hệ thống thoát nước mưa bằng việc nâng công suất trạm bơm Mễ Cốc 1, phường 15, quận 8, từ 0,7m³/giây lên 1,5m³/giây.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.