Thứ năm, 28/03/2024 23:01 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/5/2019

MTĐT -  Thứ ba, 14/05/2019 09:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/5/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/5/2019.

Ấn Độ cảnh báo bất thường do ô nhiễm không khí tại New Delhi

Ngày 13/5, chính quyền thành phố New Delhi của Ấn Độ đã ra cảnh báo bất thường do ô nhiễm không khí vào mùa Hè trong bối cảnh các trận bão bụi và nắng nóng khắp khu vực phía Bắc nước này đẩy mức khói bụi lên tới cấp nguy hiểm.

Bầu không khí của New Delhi thường ô nhiễm nghiêm trọng do khói bụi độc hại từ khí thải của ô tô, chất thải công và nông nghiệp chủ yếu vào mùa Đông, song ít ô nhiễm vào mùa Hè. Mặc dù vậy, Chính phủ Ấn Độ cho biết chỉ số chất lượng không khí tại thành phố này ngày 13/5 rất kém. Lượng hạt bụi siêu vi PM2,5, loại bụi nguy hiểm nhất, đo được ở mức 154 microgram/m3, cao gấp 5 lần so với mức an toàn.

Ông V.K Soni, quan chức thuộc Cơ quan Khí tượng Ấn Độ, cho biết hiện nước này đang vào mùa mưa bão, do đó gió to cuốn theo nhiều bụi gây ô nhiễm. Tuy nhiên, quan chức trên cho rằng tình hình này chỉ tạm thời và sẽ thay đổi trong một hoặc 2 ngày tới khi có mưa.

Trước đó ngày 9/5, Bộ trưởng Giao thông và nguồn nước Ấn Độ Nitin Gadkari cam kết chính phủ sẽ làm sạch bầu không khí ô nhiễm tại New Delhi trong vòng 3 năm tới. Ông nói: "Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện công việc này với mục tiêu 100% không có tham nhũng, minh bạch, kịp thời và đạt kết quả và chất lượng. Đó là lý do thủ đô New Delhi sẽ không còn ô nhiễm không khí và nước trong vòng 3 năm tới. Đây là cam kết của tôi".

Theo ông Gadkari, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch chi hơn 7 tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng quanh thủ đô, nhằm làm giảm hơn 30% tình trạng ô nhiễm không khí trong thành phố. Ông Gadkari đưa ra cam kết này trong cuộc vận động tranh cử trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử đang diễn ra tại nước này, song phần lớn các đảng chính trị lại né tránh vấn đề ô nhiễm không khí.

TP.HCM: Bất lực di dời các hộ nuôi heo gây ô nhiễm, xả thải vô tư

Ngay từ năm 2016, UBND TP đã chỉ đạo Sở NNPTNT, Sở TN-MT kiểm tra, hướng dẫn UBND huyện Bình Chánh gấp rút di dời các hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm về vùng chăn nuôi tập trung, nhất là tại 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Thế nhưng đến nay, việc di dời gần như dậm chân tại chỗ.

Theo Dân Việt, hiện vùng chăn nuôi heo tại 2 xã này không những không giảm các hộ chăn nuôi heo xen kẽ trong khu dân cư mà còn gia tăng.

Theo Trạm Chăn nuôi - Thú y Bình Chánh - Bình Tân, hiện huyện Bình Chánh có 574 hộ chăn nuôi với hơn 48.360 con heo. Trong đó, có 159 hộ chăn nuôi ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B với hơn 14.200 con heo.

Điều kiện chăn nuôi của những hộ chăn heo ở đây không đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều hộ chăn nuôi xả chất thải ra trực tiếp môi trường.

Ngoài ra, do đa số những hộ chăn nuôi heo đều sử dụng cơm thừa trong các cửa hàng ăn uống, nhà hàng… nên đàn heo có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi.

Thông tin từ UBND huyện Bình Chánh cho thấy, từ năm 2016, huyện đã lập đoàn kiểm tra, làm việc với các hộ dân nuôi heo gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.

Trong quá trình chăn nuôi, các hộ dân ở đây đã gây ô nhiễm về môi trường đất, nước, khí thải cho khu vực này. Các hộ này trước đó đã nhiều lần bị nhắc nhở, xử lý do chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thực tế cho thấy, năm 2016, UBND TPHCM yêu cầu UBND huyện Bình Chánh phải xử lý, di dời dứt điểm các trại nuôi heo gây ô nhiễm trên địa bàn. Thời gian đầu, huyện cắt cử cán bộ môi trường phối hợp với các xã vận động chủ trại nuôi heo di dời, xử lý vi phạm, thậm chí cưỡng chế di dời như vụ mạnh tay giải tỏa, di dời 37 hộ dân nuôi heo gây ô nhiễm môi trường tại xã Vĩnh Lộc A.

Quảng Ngãi: Cấp bách xử lý ô nhiễm môi trường tại kho thuốc bảo vệ thực vật Dốc Trạm

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt dự toán kinh phí 13,3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ xử lý ô nhiễm môi trường tại kho thuốc bảo vệ thực vật Dốc Trạm, tại thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.

Theo đó, việc xử lý kho thuốc bảo vệ thực vật Dốc Trạm sẽ được thực hiện trong năm 2019 bằng phương pháp hóa sinh qua nhiều bước:rào chắn công trường, xử lý, phá dỡ nhà kho và thực hiện việc xử lý đất ô nhiễm. Đây là kho thuốc tồn lưu có mức độ ô nhiễm cao nhưng nằm gần khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân từ nhiều năm nay. Do đó, việc xử lý ô nhiễm môi trường kho thuốc bảo vệ thực vật Dốc Trạm là hết sức cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu và thực hiện các thủ tục liên quan để triển khai nhiệm vụ xử lý theo đúng quy định.

Ông Cao Văn Cảnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 6 kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trong các khu dân cư chứa nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật thành phần chủng loại đa dạng, như 666; BHC; DDT; 2,4D; 2,4D 75EC; Bassa 50ND; Methylfarathion 50ND... Theo thời gian, các nhà kho hầu như đã hư hỏng, khiến lượng nước mưa vào được bên trong ngấm xuống đất. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật bị nước mưa phát tán ra diện rộng, làm ô nhiễm lớp đất dưới nền và xung quanh nhà kho. Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ngãi đã xử lý ô nhiễm môi trường tại nhiều kho thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh như kho thuốc Phổ Minh (Đức Phổ), kho thuốc Núi Voi, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa)…

“Đến nay, tỉnh đã cơ bản xử lý 5/6 kho thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và kho thuốc Dốc Trạm là kho cuối cùng cần tiến hành xử lý.  Qua đó, sẽ xóa đi các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh”- ông Cao Văn Cảnh cho biết.

Trồng cây tạo hành lang xanh tại các khu xử lý rác

Đây là một trong những nội dung tại thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp về phương án cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan không gian xanh một số tuyến đường, khu vực trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án trồng cây xanh (thành rừng) tại khu vực hành lang cách ly các khu xử lý rác, tạo hành lang xanh. Trong đó, xác định diện tích đất dành cho xây dựng vườn ươm, tạo nguồn cây giống và nguồn cây dự trữ cho thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, lập phương án thiết kế tổng thể, cải tạo, chỉnh trang đồng bộ với quy hoạch cảnh quan kiến trúc, không gian xanh tạo điểm nhấn và nét đặc trưng riêng cho 9 cửa ô của thành phố, trên các trục đường: Võ Nguyên Giáp, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Đại lộ Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, quốc lộ 1A (đoạn cầu Phù Đổng - cầu Thanh Trì - nút giao Pháp Vân), các quốc lộ: 1, 5, 6, 32...

Việc cải tạo, chỉnh trang nhằm góp phần cải thiện môi trường không khí, giảm tiếng ồn, tiết kiệm chi phí duy trì, giữ ẩm, tạo cảnh quan đẹp, hiện đại cho thành phố.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.