Thứ sáu, 29/03/2024 12:01 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/3/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 15/03/2019 11:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/3/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/3/2019.

Na Uy tái chế được tới 97% lượng chai nhựa trên toàn quốc

Na Uy hiện là quốc gia đi đầu thế giới trong phong trào tái chế chất thải nhựa. Bằng chứng từ Infinitum, một tổ chức tái chế nhựa ở Na Uy, cho biết nước này đã tái chế được tới 97% chai nhựa.

Với Infinitum, Na-Uy đa tạo ra một hệ thống cực kỳ thân thiện và hiệu quả để tái chế các chai nhựa. Theo The Guardian đưa tin, hệ thống này đã giúp Na-Uy đạt tỷ lệ tái chế chai nhựa lên tới 97%. Số còn lại, chỉ có 1% lọt ra môi trường thôi.

92% các chai nhựa sản xuất tại Na-Uy được làm từ vật liệu chất lượng cao, nên có thể tiếp tục được dùng để sản xuất chai uống nước. Cùng một khối lượng nguyên liệu, người Na-Uy có thể tái sử dụng đến hơn 50 lần.

Đây là một con số cực kỳ ấn tượng nếu như bạn biết rằng 91% rác nhựa trên thế giới không được tái chế, và có đến 8 triệu tấn rác nhựa lọt ra ngoài đại dương mỗi năm. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ loanh quanh 30%. Tại Anh Quốc, con số rơi vào khoảng 20% – 45%.

Tại sao người Na-Uy làm được điều mà cả thế giới phải đau đầu nghĩ cách? Thực ra, quốc gia này đơn giản chỉ mang lại cho việc tái chế một thứ giá trị mà nó chưa từng nhận được.

Có một thực tế rất “đắng”, đó là hiện tại việc sản xuất ra vật dụng nhựa mới thường rẻ hơn phải đi tái chế chúng. Khi không có lợi ích gì về kinh tế, quả thực rất khó để doanh nghiệp và người tiêu dùng để tâm vào vấn đề bảo vệ môi trường.

Na Uy tái chế được tới 97% lượng chai nhựa trên toàn quốc.

Sau chỉ đạo hỏa tốc của UBND tỉnh, 1 doanh nghiệp bị xử phạt 325 triệu đồng

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có quyết định xử phạt đối với chủ doanh nghiệp Tuấn Thanh (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) số tiền 325 triệu đồng về hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Doanh nghiệp Tuấn Thanh hoạt động sản xuất với công suất 480 tấn sản phẩm/năm, bao gồm bột cá và surmi, thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng doanh nghiệp này không có ĐTM mà vẫn đi vào hoạt động.

Doanh nghiệp này cũng đã có hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần đến 5 lần.

Nước thải bốc mùi hôi thối, thải trực tiếp ra biển.

Trước đó, báo Người Lao động có phản ánh việc người dân xã Lộc An bức xúc về tình trạng mùi hôi thối phát ra từ khu vực rạch Ông Hem, nối thẳng ra biển Lộc An do hành vi xả thải chưa qua xử lý của một số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế biến hải sản tập trung xã Lộc An, trong đó có doanh nghiệp Tuấn Thanh.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các lực lượng chức năng dừng ngay hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của doanh nghiệp Tuấn Thanh theo đúng quy định.

ĐBSCL đang sụt lún 2,5cm/năm

Khu vực MêKông đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa giảm nghiêm trọng, sạt lở diễn ra nghiêm trọng cùng với đó là nước biển dâng 3mm/năm.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đưa ra cảnh báo và báo động, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây.

Gần đây nhất tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức “Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2018” và “Hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp”.

Sạt lở đê biển đang diễn biến phức tạp ở ĐBSCL.

ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, ĐBSCL hiện đang đối diện với 3 thách thức chính về BĐKH, những vấn đề phát triển thiếu bền vững ở ĐBSCL, và tác động của thủy điện Mekong. Trong đó tác động đáng lo ngại và cấp bách nhất hiện nay là sạt lở và sự sụt lún đất của đồng bằng đang bị chìm rất nhanh, đến 10 lần so với nước biển dâng. Vấn đề sụt lún, nguyên nhân số 1 của sụt lún ở ĐBSCL là do khai thác nước ngầm quá mức. Như vậy, để giải quyết vấn đề sụt lún sẽ không có biện pháp công trình nào có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Để giảm sụt lún cho ĐBSCL, cách duy nhất là phải giảm sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì lời giải nằm ở nước mặt, tức là phải giảm ô nhiễm, phục hồi sông rạch lại, không để sông rạch tiếp tục gánh quá nhiều ô nhiễm như hiện nay. Muốn phục hồi sông rạch thì cần xử lý ô nhiễm trước khi thải ra sông. Về công nghiệp ở ĐBSCL cần phải tránh những ngành công nghiệp gây ô nhiễm và những công nghệ lạc hậu. Công nghiệp ở ĐBSCL chỉ nên là những công nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ chế biến hỗ trợ cho nông nghiệp.

Sạt lở đê biển ngày càng nghiêm trọng

Trong những năm gần đây, sự xâm thực của biển tại tỉnh Kiên Giang có xu hướng ngày càng mạnh thêm, mức độ sạt, lở rất nghiêm trọng, do ảnh hưởng trực tiếp từ thủy triều, các dòng chảy từ các cửa sông trong mùa mưa lũ, các tác động do BĐKH và gió mùa Tây Nam thổi mạnh gây nên sóng lớn phá vỡ cấu trúc rừng phòng hộ, bóc dỡ các gốc cây lâu năm, làm xói lở đê biển và lấn sâu vào đất liền.

Sạt lở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu lấy đi nhà cửa, đất nông nghiệp là một trong những thiên tai vùng ĐBSCL đang đối mặt.

Theo Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 69,8km chiều dài đê biển đang bị sạt lở, trong đó có khoảng 30,7 km bị sạt lở rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Có 4 huyện ven biển có tuyến đê biển bị sạt lở, nhiều nhất là huyện Hòn Đất (25,9km), tiếp đến là An Biên (25km), An Minh (16,9km) và Kiên Lương (2 km). Sạt lở đê biển xảy ra càng nhanh khi rừng phòng hộ phía ngoài không còn. Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, diện tích bãi bồi ven biển của tỉnh Kiên Giang bị sóng đánh gây sạt lở khoảng 500 ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 60 - 300m.

Sạt lở đất ở Bắc Kạn, nhà bị vùi lấp, hai cháu bé tử vong

Vào khoảng 20h ngày 14/3, một khối lượng đất đá lớn từ taluy dương phía sau nhà ông Hoàng Văn Việt tại thôn Nà Giảo, xã Yến Dương (Ba Bể) đã bất ngờ đổ ập xuống vùi lấp một phần căn nhà của gia đình.

Đất sạt lở đúng vị trí của hai cháu bé đang ngủ nên đã bị đất đá vùi lấp. Mặc dù đã được người dân và lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm thấy và đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể nhưng cả hai cháu đều tử vong sau đó.

Được biết, hai cháu bé là chị em ruột, cháu lớn là Ma Hoàng Diễm, sinh năm 2009; cháu thứ hai là Ma Hoàng An Nguyên, sinh năm 2015. Ngôi nhà nơi hai cháu bị nạn là nhà ông ngoại, do bố mẹ hai cháu có việc không ở nhà nên hai cháu sang nhà ông ngoại ngủ và xảy ra tai nạn thương tâm.

Theo quan sát, tại khu vực phía sau nhà có taluy dương cao đã sạt xuống toàn bộ phía sau ngôi nhà.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng tại thôn Nà Giảo, xã Yến Dương, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp xuống kiểm tra và có những chỉ đạo đối với chính quyền, đồng thời chia sẻ mất mát với gia đình các nạn nhân.

Sát cạnh vị trí sạt lở đất đá là khu vực đang được một số hộ dân san gạt, múc đất làm nền nhà.

P.V (Tổng hợp)

MTDT

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/3/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới