Thứ sáu, 19/04/2024 04:18 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/12/2018

MTĐT -  Thứ ba, 18/12/2018 11:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/12/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/12/2018.

Hà Nội tập trung triển khai các dự án xử lý chất thải rắn và phân loại tại nguồn

Hiện nay, rác thải vẫn là một vấn đề nhức nhối và bài toán khó giải đáp đối với Hà Nội. Theo các con số thống kê, lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn. Lượng rác thải tại Hà Nội tập trung đủ loại từ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng...

Mặc dù, Thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, nhưng ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải, một số dòng sông, khu vực làng nghề, nông thôn) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân là do Hà Nội còn thiếu các vị trí để xây dựng các trạm trung chuyển, điểm chuyển tải thu gom rác; thiếu các khu xử lý rác theo quy hoạch tại các địa phương để giảm tải xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung của Thành phố.

Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý rác trên địa bàn còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ do khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa, thiếu sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn. Mặt khác, một số chủ đầu tư và công ty môi trường chưa đáp ứng yêu cầu về công nghệ và máy móc quét hút, thu gom, vận chuyển chất thải rắn bằng cơ giới, dẫn đến còn tồn đọng rác;

Hiện tượng đổ trộm phế thải xây dựng tại các tuyến đường; việc các xe trọng tải lớn chở vật liệu rơi vãi, quá trình thi công các công trình gây bụi, đất bùn rơi vãi…cũng góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường.

EU nhất trí cắt giảm 37% lượng khí thải ô tô vào năm 2030

Theo TTXVN,  thông báo được đưa ra hai ngày sau khi kết thúc Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) vừa diễn ra tại Katowice (Ba Lan), trong đó các quốc gia giàu có gây thất vọng do không đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải trong tuyên bố cuối cùng.

Ủy viên EU phụ trách hành động vì khí hậu và năng lượng Miguel Arias Canete đánh giá, với luật mới này, EU đang đặt ra mục tiêu và các hướng dẫn cần thiết để giải quyết khí thải từ ngành giao thông. Điều này sẽ giúp ngành công nghiệp quan trọng của châu Âu nắm bắt sự đổi mới theo hướng giao thông không phát thải và tăng cường hơn nữa vị trí lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực phương tiện giao thông sạch.

Thỏa thuận này là một sự thỏa hiệp giữa yêu cầu của các quốc gia như Đức, vốn chỉ muốn cắt giảm 30%, và EP muốn giảm 40%.

TP.HCM: Loay hoay chuyện phân loại và xử lý rác thải

Từ cuối tháng 11/2018 vừa qua, TP HCM đã chính thức áp dụng quy định xử phạt đến 20 triệu đồng đối với những hộ gia đình không tiến hành phân loại, lưu giữ rác thải sinh hoạt. Theo quy định này, chính quyền thành phố yêu cầu người dân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Để thực hiện quy định này, thành phố cũng yêu cầu đơn vị thu gom sẽ lấy rác theo ngày, xe chuyên chở sẽ phải ghi rõ thu gom chất thải hữu cơ hoặc thu gom chất thải còn lại. Các hộ gia đình, chủ nguồn thải không tự giác thực hiện phân loại rác và đổ rác theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Những trường hợp tái phạm nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt.

Quy định rõ ràng như vậy, nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn chưa hề hay biết đến việc xử phạt này hoặc cũng không biết phải phân loại rác thải như thế nào, bỏ rác ở đâu… cho đến nay, quy định xử phạt đến 20 triệu đồng đối với những hộ gia đình không tiến hành phân loại, lưu giữ rác thải sinh hoạt vẫn chưa được địa phương tuyên truyền hay hướng dẫn gì về cách phân loại, lưu trữ rác cũng như ngày giờ bỏ từng loại rác.

Đẩy mạnh giám sát đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà

Là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, Vịnh Hạ Long thể hiện ở sự đa dạng về các hệ sinh thái, đa dạng về nguồn gen quí hiếm và đa dạng về thành phần giống loài. Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, đến nay đã xác định được 21 loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 17 loài đặc hữu được các nhà khoa học ghi nhận chỉ phân bố trong khu vực vịnh Hạ Long mà chưa được công bố ở nơi nào khác. Trong đó, có bằng chứng chụp ảnh cho 16 loài trong khi không có ảnh hay mẫu vật nào có sẵn cho một loài.

Bà Vũ Hồng Vân (Vườn quốc gia Cát Bà) cho rằng, IUCN và các chuyên gia tư vấn đã nỗ lực xây dựng năng lực nhân viên và thiết kế một phương pháp phù hợp với điều kiện của đơn vị. Hy vọng cùng với IUCN, có thể kêu gọi sự chú ý nhiều hơn từ các nhà lãnh đạo thành phố về tầm quan trọng của giám sát đa dạng sinh học cũng như huy động tài trợ để thực hiện.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Huyền Anh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chia sẻ ý định tích hợp giám sát đa dạng sinh học vào kế hoạch quản lý của BQL và đưa ra kế hoạch làm việc hàng năm để phân bổ các nguồn lực cần thiết.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/12/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.