Thứ ba, 23/04/2024 19:41 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/4/2019

MTĐT -  Thứ năm, 18/04/2019 09:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/4/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/4/2019.

Dân Lai Châu lập chốt ngăn đường xe chở rác vào bãi

Người dân cho rằng, bãi rác Pha Lìn đã gây ô nhiễm trầm trọng tới nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Từ đêm qua đến nay (17/4), hơn 100 người dân bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường (Lai Châu) căng lều bạt lập chốt trên đường vào bãi rác Phan Lìn để ngăn cản các xe chở rác vào bãi đổ.

Theo người dân bản Nà Bỏ, xã Bản Giang cho biết, cha ông họ lập bản sinh sống tại đây từ nhiều đời nay. Nguồn nước mó đầu bản là nguồn nước chính phục vụ cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của hơn 120 hộ dân trong bản. Kể từ khi tỉnh Lai Châu quy hoạch bãi rác bên kia sườn núi phía đầu nguồn, cách bản khoảng 800 mét thì nguồn nước của bản đã bị ô nhiễm.

Hôm qua, bộ phận tiếp dân của tỉnh Lai Châu, chính quyền và các lực lượng chức năng huyện Tam Đường đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân và vận động người dân rời khỏi hiện trường. Đồng thời, địa phương cũng tổ chức một đoàn khảo sát tìm nguồn nước mới để cấp cho hơn 400 nhân khẩu nơi đây trong thời gian tới.

Theo đó, địa phương đã tìm được một nguồn nước khác cách bản khoảng 1,7km. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Tam Đường để đưa được nguồn nước này về cho bà con sử dụng là không thể ngày một, ngày hai có được. Trong khi chờ nguồn nước mới để cung cấp cho người dân bản Nà Bỏ sinh hoạt và sản xuất, thì hơn 100 hộ dân nơi đây vẫn phải bỏ tiền ra mua nước và "nhắm mắt" sử dụng nguồn nước đã ô nhiễm...

Bão lớn càn quét làm ít nhất 35 người bị thiệt mạng tại Ấn Độ

Giới chức Ấn Độ ngày 17/4 cho biết, ít nhất 35 người đã thiệt mạng khi bão lớn càn quét khắp khu vực miền Tây nước này và gây thiệt hại trên diện rộng.

Gió mạnh đã tràn vào khắp các bang Rajasthan, Gujarat và Madhya Pradesh làm nhiều bức tường và cây đổ, các đường dây điện bị hư hỏng. Tại bang Rajasthan, 10 người, trong đó có 4 trẻ em đã thiệt mạng do bị sét đánh. Trong khi đó, bang Gujarat cũng ghi nhận 10 người tử vong vì các tai nạn liên quan đến mưa bão và bão cát. Các huyện của bang Gujarat như Ahmedabad, Rajkot, Banaskantha , Patan, Mehsana, Sabarkantha và Anand đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mùa màng tại những khu vực này đã bị hủy hoại nặng nề.

Ước tính ít nhất 15 người đã thiệt mạng do bị các tai nạn liên quan đến sét đánh ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ. Mưa gió hiện cũng đã tràn vào thủ đô New Delhi, khiến nhiệt độ giảm tới 10 độ C. Bão đã khiến một số cuộc tuần hành chính trị phải hủy trong bối cảnh bầu cử Ấn Độ đang tới gần.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời chia buồn trước những thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh chính phủ đang theo dõi tình hình chặt chẽ, nỗ lực hết sức để cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho các khu vực bị ảnh hưởng. Quỹ Trợ cấp Quốc gia của Thủ tướng đã thông qua khoản hỗ trợ trị giá 200.000 Rupee (tương đương 2.879 USD) cho thân nhân của những người thiệt mạng do bão. Trong khi đó, những người bị thương sẽ nhận được khoản tiền là 50.000 Rupee (720 USD).

Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo mưa lớn sẽ xảy ra tại một số khu vực của Gujarat trong ngày 17/4. Cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo bão đối với bang Himachal Pradeshvới tốc độ di chuyển của bão là 50km/h.

Nghệ An: Thiếu hơn 16 nghìn bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt & BVTV cho biết, tại 10 huyện trồng lúa chủ yếu của Nghệ An, hiện chỉ có 8.354 bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi số bể cần có theo quy định là 24.577 cái.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Hàng năm, Nghệ An gieo trồng khoảng 370 nghìn ha cây trồng các loại, sử dụng từ 500 - 700 tấn thuốc BVTV, từ đó thải ra đồng ruộng từ 50 - 70 tấn bao bì vỏ chai thuốc BVTV các loại.

Theo quy định của ngành Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường, tối thiểu phải có 1 bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc BVTV trên diện tích 3 ha đất trồng cây hàng năm, hoặc 10 ha đất trồng cây lâu năm có sử dụng thuốc BVTV.

Tuy nhiên, với tổng diện tích đất sản xuất lúa là 73.750 ha tại 10 huyện trồng lúa chủ yếu của Nghệ An là Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu và Nghi Lộc, hiện số lượng bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng mới chỉ có 8.354 bể. Như vậy, số bể còn thiếu tại 10 địa phương nói trên là 16.223 bể.

Xây đảo nhân tạo bằng chai nhựa ở ngoài khơi Mexico

Anh Richart Sowa đến từ Anh đã xây dựng một hòn đảo nhân tạo rộng 2.438m2 bằng rác thải nhựa cách bờ biển Cancun của Mexico gần 30m.

Với ý tưởng rác nhựa sẽ không còn đáng lo ngại nếu con người biết tái chế thành những đồ vật hữu dụng, anh Richard đã đặt 150.000 chai nhựa vào trong một chiếc túi lớn để tạo độ nổi, sau đó phủ đất lên trên để trồng rau và hoàn thành hòn đảo nhựa sau 7 năm. Trên đảo còn có nhà ở với các thiết bị hoạt động bằng năng lượng mặt trời.

Hòn đảo nổi này cũng có thể di chuyển đến bất kỳ địa điểm nào nhờ các cánh buồm.

Núi lửa Aso Nhật Bản phun trào

Tại Nhật Bản, núi lửa Aso ở tỉnh Kumamoto đã phun trào chiều 16/4.

Đây là lần phun trào đầu tiên kể từ tháng 10/2016 với cột khói cao tới 200m. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã duy trì cảnh báo núi lửa ở cấp độ 2 trong thang cảnh báo gồm 5 cấp kể từ ngày 14/4. Qua đó, hạn chế việc tiếp cận quanh miệng núi lửa trong phạm vi 1km.

Núi lửa Aso là một trong những núi lửa lớn nhất trên thế giới còn hoạt động.

Lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Tổng cục Môi trường vừa phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Hợp tác Phát triển của CHLB Đức (GIZ) tổ chức hội nghị tham vấn về các nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng đây là việc làm cấp thiết bởi các quy hoạch ở nước ta hiện nay chưa thống nhất về nội dung, quy trình, cách tổ chức thực hiện…

Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) quốc gia sẽ là căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường.

Báo cáo tham luận tại hội nghị, TS. Hoàng Hồng Hạnh (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Đến nay, đã có 2/3 các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế áp dụng “Quy hoạch môi trường quốc gia” hoặc “Chiến lược môi trường quốc gia”. Mỗi quốc gia lại có cách tiếp cận khác nhau nhằm kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế - xã hội, ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Các công cụ được sử dụng như quy hoạch không gian, phân vùng chức năng sinh thái, … được coi như những công cụ đắc lực cho việc định hướng phát triển lãnh thổ. Công tác quy hoạch hiện nay cũng đã khắc phục được nhược điểm của quy hoạch truyền thống là bỏ qua khả năng chịu tải của môi trường, giúp việc thực hiện quy hoạch không gian được khoa học, hợp lý hơn.

Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về cơ sở lý luận và phương pháp luận về quy hoạch môi trường/ quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) khẳng định vai trò của phân vùng môi trường. Ở quy mô tỉnh, nước ta đã có khoảng 20 địa phương nghiên cứu, xây dựng quy hoạch môi trường/ quy hoạch bảo vệ môi trường. Ở quy mô vùng, chúng ta đã có quy hoạch môi trường lưu vực hệ thống sông Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, quy hoạch môi trường đồng bằng sông Hồng. Các quy hoạch này hầu hết đã áp dụng cách tiếp cận tổng hợp, hệ thống và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các loại hình quy hoạch phát triển hiện nay cũng chưa có sự gắn kết giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với các yêu cầu về quản lý, bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử; thiếu các cơ chế, công cụ quản lý, bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đối với từng vùng, từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể; thiếu sự phân vùng, định hướng bảo vệ môi trường. Có rất nhiều quy hoạch phát triển trên cùng một vùng lãnh thổ có sự mâu thuẫn, chồng chéo về phạm vi, định hướng và giải pháp thực hiện dẫn đến thiếu khả thi khi triển khai thực tế và thường phải điều chỉnh phương án quy hoạch do không đáp ứng các tiêu chí phát triển được đề xuất khi lập quy hoạch. Dẫn đến sự phá vỡ cân bằng giữa bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa …

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới