Thứ ba, 23/04/2024 16:05 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/5/2019

MTĐT -  Thứ năm, 23/05/2019 09:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/5/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/5/2019.

Hơn 10.000 tấn cá hồi ở Na Uy bị chết do loại tảo Chrysochromulina

Hàng triệu con cá hồi nuôi đã chết hàng loạt tại các trang trại ở phía Bắc Na Uy trong tuần qua do một loại tảo bất thường.

Ngày 22/5, Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cho biết trong tuần trước, đã có hơn 10.000 tấn cá hồi chết trong các trại nuôi ở các vịnh hẹp ở hạt Nordland và hạt Troms, miền Bắc nước này.

Cơ quan trên cho biết thiệt hại do cá hồi chết lên tới 70 triệu USD.

Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cho hay nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự xuất hiện của loài tảo  Chrysochromulina ở bờ biển phía Bắc nước này.

Đây là một loại phù du thường thấy ở vùng nước Na Uy, song loài tảo này có thể phát triển rầm rộ do một số nguyên nhân như thời tiết ấm, rồi mắc vào mang cá, khiến cá nuôi trong lồng bị chết.

Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cảnh báo hiện tượng tảo Chrysochromulina sẽ tiếp tục lan rộng và lượng cá hồi chết có thể tăng cao.

Chuyên gia Paul Aandahl thuộc Ủy ban Hải sản Na Uy cho hay còn quá sớm để xác định mức thiệt hại của các nhà sản xuất, song nhiều khả năng khoảng 8 triệu con cá hồi, tương đương với thị trường sẽ thiếu hụt 40.000 tấn cá.

Tình trạng cá hồi nuôi chết do tảo đã khiến giá bán của loại hải sản này tăng tới 5,7% trong tuần trước và nếu kéo dài, doanh thu của ngành này có nguy cơ giảm 50% trong năm 2019.

Lớp khói dày nguy hại bao phủ, toàn TP Sydney bị ô nhiễm nghiêm trọng

Thành phố Sydney của Australia ngày 22/5 bị bao phủ bởi một lớp khói dày nguy hại cho sức khỏe người dân và giới chức y tế khuyến cáo những người có bệnh hô hấp nên ở trong nhà.

Lớp khói này là kết quả của hoạt động đốt rừng có kiểm soát được thực hiện trong tuần này nhằm giảm tác động của các đám cháy rừng. Dự kiến tình trạng khói bao trùm thành phố có thể tiếp diễn trong vài ngày.

Giới chức y tế bang New South Wales (NSW) cảnh báo lớp khói này có thể kích thích hệ hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh trạng ở những người mắc các bệnh về tim và phổi. Trong đó, những người mắc các bệnh như hen, khí thũng và viêm họng dễ bị tác động của khói hơn cả.  

Hiện lực lượng cứu hỏa đã tạm dừng hoạt động đốt rừng có kiểm soát ở khu vực này để chờ khói tan.

Bức xúc các cơ sở tái chế rác thải bao bì gây ô nhiễm môi trường

Theo TTXVN, các hộ dân ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị rất bức xúc trước tình trạng xả thải không qua hệ thống xử lý của các cơ sở tái chế rác thải bao bì ra môi trường trên địa bàn.

Theo ông Trần Kim Vinh, Trưởng thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, hiện, trên địa bàn thôn có tất cả 4 cơ sở tái chế rác thải bao bì của các ông: Đỗ Xuân Phúc, Đỗ Duy Thơ, Đỗ Duy Quân và Bùi Đình Toan. Các cơ sở này bắt đầu xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, tập trung chủ yếu vào tái chế bao bì xi măng để lấy nhựa và bột giấy.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, các cơ sở này đều không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường như: Công nhân làm việc trong các cơ sở không được trang bị đồ bảo hộ lao động, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người làm việc. Toàn bộ khối lượng nước dùng để rửa, giặt bao bì được các cơ sở xả thải trực tiếp ra môi trường, không qua hệ thống xử lý nước thải.

Các chất thải rắn như giây bao bì, cát, bột… xả thải vương vãi ra xung quanh gây ô nhiễm về môi trường và cảnh quan khu dân cư. Điều đáng nói, tất cả các cơ sở tái chế rác thải bao bì gây ô nhiễm này đang hoạt động trong khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như đời sống sản xuất của người dân nơi đây.

Do lượng nước thải không qua xử lý, xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài có màu đen xì, nổi bọt nên hầu như tất cả các giếng khơi, giếng khoan của các hộ dân trong thôn nước đều bị bốc mùi khó chịu, không thể sử dụng để ăn uống, tắm giặt.

Malaysia trả rác nhựa cho các nước phát triển

Ngày 21/5, Malaysia - nước bị biến thành bãi rác nhựa của thế giới - tuyên bố sẽ chuyển rác thải nhựa không thể tái chế về lại các quốc gia phát triển.

Malaysia trong năm ngoái trở thành điểm đến hàng đầu cho nhựa phế liệu sau khi Trung Quốc cấm nhập loại rác thải này. Hàng chục cơ sở tái chế chẳng có giấy phép mọc lên tại quốc gia Đông Nam Á, khiến người dân liên tục phàn nàn về tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hầu hết nhựa phế liệu đưa sang Malaysia đều độc hại và chất lượng thấp, thuộc loại không thể tái chế thải ra từ các nước phát triển. Bộ trưởng Môi trường Yeo Bee Yin cáo buộc một số rác nhập vào nước này vi phạm Công ước Basel của Liên Hợp Quốc về buôn bán - xử lý nhựa phế liệu.

Do đó, Malaysia nay bắt đầu gửi lại rác thải về nơi bắt nguồn. Giới chức Kuala Lumpur đã chuyển 5 container rác nhựa nhập lậu trở lại Tây Ban Nha (đang điều tra xác định đối tượng nhập lậu). Nhiều rác nhựa nữa sắp bị gửi trả.

Theo Bộ trưởng Yeo: “Các nước phát triển phải có trách nhiệm với thứ họ gửi đi”.

Từ tháng 1 đến tháng 7.2018, lượng rác nhựa nhập vào Malaysia từ 10 quốc gia lên đến 456.000 tấn - cao hơn 316.000 tấn của toàn năm 2017. Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc là một trong những quốc gia xuất rác nhựa sang Malaysia nhiều nhất.

Nhựa không thể tái chế khi đốt sẽ giải phóng nhiều chất độc hại ra khí quyển, nếu chôn lấp cũng có khả năng gây ô nhiễm đất và nước.

Khói đốt rơm rạ ‘bủa vây’ Quốc lộ 32

Theo báo LĐTĐ, chiều 22/5, có mặt tại Quốc lộ 32, đoạn qua địa phận huyện Phúc Thọ, thuộc Km36 phóng viên đã chứng kiến nhiều nông dân ở các thửa ruộng kế bên đường tiến hành đốt rơm rạ, gây nên tình trạng khói, bụi ô nhiễm cho cả khu vực.

Khói bị gió thổi về hướng Quốc lộ 32 làm khuất tầm nhìn tài xế điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Theo quan sát, quanh khu vực Km36 tập trung mật độ dân cư cao, nhiều nhà xưởng, khu công nghiệp và bệnh viện… khói từ hoạt động đốt rơm rạ ‘bủa vây’ khiến không ít người nôn nao, khó chịu.

Khách quan nhìn nhận, đốt rơm rạ là thói quen cũ sau khi thu hoạch lúa của người nông dân khu vực ngoại thành. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân, hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới