Thứ bảy, 20/04/2024 14:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/5/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 04/05/2019 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/5/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/5/2019.

Người dân kêu cứu vì nước sông ô nhiễm nặng

Theo CAND, những ngày qua, người dân sinh sống ven sông cái Nước Đục, sông Cái Lớn và một số tuyến nội đồng thuộc địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) bức xúc trước tình trạng nước sông bị ô nhiễm kéo dài, bốc mùi hôi thối, không có nước sạch để sinh hoạt…

Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm và hướng xử lí cụ thể.

Sông cái Nước Đục và sông Đục đen bất thường, bốc mùi hôi khó chịu gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nghiêm trọng hơn, nguồn nước sông Nước Đục bị ô nhiễm những ngày qua khiến cho nhiều hộ dân nuôi cá lồng trên sông thuộc địa bàn xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ) và phường Thuận An (thị xã Long Mỹ) rất lo lắng, vì đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt.

Đáng quan ngại hơn do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng đến khu vực lấy nước thô nên Chi nhánh Cấp nước - Công trình đô thị thị xã Long Mỹ phải dừng lấy nước và tiến hành cúp nước, chuyển sang cấp nước cục bộ. Theo lý giải của Chi nhánh Cấp thoát nước - Công trình đô thị xã Long Mỹ do nước dưới sông Cái Lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng nên không thể cung cấp nước sinh hoạt.

Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, cho biết nguồn nước hiện tại ô nhiễm nghiêm trọng không thể lấy để cung cấp nước cho các hộ dân. Do đó, giải pháp tạm thời là chi nhánh lên phương án sử dụng giếng dự phòng sự cố xâm nhập mặn với công suất 60m3/giờ.

Tuy nhiên, với công suất này chỉ có thể ưu tiên cung cấp cho các đơn vị trọng yếu như khu hành chính, bệnh viện và khu vực trung tâm. Ngoài ra, huy động lực lượng kiểm tra lại các giếng khoan thăm dò để tiến hành đấu nối về chi nhánh. Nếu quá trình thực hiện được thuận lợi thì khả năng sẽ đáp ứng được 60-70% nhu cầu.

Nhiều người dân cho biết đây không phải lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này. Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết, qua thông tin từ người dân, UBND xã đã phối hợp cùng các ngành có liên quan xuống xác minh.

Công ty chế biến vỏ hạt điều xả thải chưa xử lý ra môi trường

Ngày 3/5, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra hành chính Công ty trách nhiệm hữu hạn Riksa Global Business (chuyên chế biến vỏ hạt điều) có địa chỉ tại ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành về công tác xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại công ty này.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận phân xưởng sản xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn Riksa Global Business có nhiều chất thải để tràn lan, không có kho chứa chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất,  gồm các tạp chất, dầu điều, vỏ lụa hạt điều, phát sinh mùi hôi khó chịu.

Đặc biệt, tại khu đất trống phía ngoài Công ty trách nhiệm hữu hạn Riksa Global Business, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều bao tải chứa phế phẩm từ vỏ hạt điều được bỏ ngoài trời không có mái hiên che đậy, bảo quản trên diện tích đất gần 3.000m2.

Mỗi khi có mưa, nước trực tiếp thấm vào các bao tải đựng phế thải từ vỏ hạt điều chảy tràn ra môi trường, phát sinh mùi hôi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Ngoài ra, tại khu sản xuất, nước dầu điều phát sinh trong công đoạn ép dầu không được thu gom triệt để, chảy tràn khắp nền ximăng, len lỏi theo khe hở, thẩm thấu ra môi trường.

Đoàn tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, lấy mẫu nước thải, mẫu đất tại các vị trí phát sinh chất thải bị thẩm thấu để kiểm nghiệm mức độ ô nhiễm xử lý theo quy định của pháp luật.

Mưa đá, lốc xoáy tàn phá hoa màu tại Bình Phước

Mưa to kèm theo mưa đá, lốc xoáy vào chiều 2/5 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản đối với người dân xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Ghi nhận của phóng viên tại địa phương ngày 3/5 cho thấy, người dân Lộc Phú đang khẩn trương khắc phục thiệt hại từ thiên tai.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Phú, ông Nguyễn Văn Vũ cho biết: Vào khoảng 4 giờ chiều 2/5, trên địa bàn xã đã có trận mưa lớn kèm mưa đá, lốc xoáy gây thiệt hại hoa màu, cây cối người dân. Theo thống kê ban đầu hiện nay có gần 1.000 trụ trồng tiêu bị gãy đổ hoàn toàn. Còn lại nhiều vườn tiêu bị nghiêng trụ thiệt hại không đáng kể. Ngoài ra, trận mưa còn khiến một số nhà, chòi rẫy bị tốc mái, trong đó có hộ gia đình Bùi Thanh Vân ở ấp Thắng Lợi bị thiệt hại nặng đã được chính quyền xã thăm hỏi, hỗ trợ và gia cố lại nhà để ổn định lại cuộc sống sinh hoạt.

Hơn 9.000 con cá bớp nuôi lồng bè ở Lý Sơn chết bất thường

Ngày 3/5, ông Nguyễn Đình Trung - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, Trung tâm vừa phối hợp UBND xã An Hải tổ chức kiểm tra thực tế cá bớp nuôi lồng bè của các hộ nuôi tại vũng neo đậu tàu thuyền xã An Hải. Qua kiểm tra, xác định số lượng cá bớp chết là 9.570 con của 3 hộ nuôi, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Theo kinh nghiệm của ngư dân và cán bộ kỹ thuật, nguyên nhân cá bớp chết xác định có thể do luồng nước nóng, hiện tượng này đã từng xảy ra đối với vùng biển Lý Sơn như năm 2017.

Trong số cá bớp chết, có khoảng 400 con có trọng lượng mỗi con từ 3 - 6kg đã được ngư dân vận chuyển vào đất liền bán lại cho thương lái với giá trị thấp, số cá còn lại được xử lý không để ô nhiễm môi trường.

Hải Dương: Cải thiện môi trường làng nghề

Theo số liệu từ Sở Công Thương Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 làng nghề, thuộc các lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, vật liệu xây dựng, gốm… Khu vực làng nghề đang có nhiều đóng góp vào sức phát triển của ngành công nghiệp nông thôn Hải Dương, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất hạn chế, công nghệ sản xuất lạc hậu, lao động thủ công vẫn chiếm hầu hết các công đoạn. Do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm của làng nghề không cao, độ đồng đều thấp. Hơn nữa, các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; nước thải xả trực tiếp, khiến môi trường làng nghề trên địa bàn không những bị ô nhiễm không khí, nước mà còn ô nhiễm tiếng ồn.

Việc bảo đảm môi trường làng nghề do nhiều đơn vị chức năng của tỉnh thực hiện. Những năm qua, thông qua Chương trình khuyến công, Sở Công Thương Hải Dương đã thực hiện nhiều hoạt động góp sức cải thiện môi trường làng nghề. Trong đó, các đề án chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị mới được tích cực triển khai.

Chỉ riêng năm 2018, khuyến công Hải Dương đã triển khai 12 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và 1 đề án hỗ trợ trình diễn khoa học - kỹ thuật quy trình chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Các đề án hoàn thành đã giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, giảm lãng phí nguyên liệu, hạn chế lượng chất thải ra môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ