Thứ tư, 24/04/2024 08:11 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/6/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 08/06/2019 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/6/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/6/2019.

Ít nhất 16 người chết do bão cát và sấm sét tại miền Bắc Ấn Độ

Ít nhất 16 người chết trong ngày 6/6 do bão cát, mưa to và sấm sét tại bang Uttar Pradesh, miền Bắc nước này. Chính quyền các địa phương đã hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 5.700 USD.

Truyền thông địa phương của Ấn Độ đưa tin đã có ít nhất 16 người chết trong ngày 6/6 do bão cát, mưa to và sấm sét tại bang Uttar Pradesh, miền Bắc nước này.

Theo nguồn tin trên, 6 trong số những nạn nhân này được phát hiện tại huyện Mainpuri, 3 người chết tại huyện Kasganj và 3 người chết tại huyện Eta, trong khi tại 4 huyện khác là Agra, Rampur, Badaun và Pilibhit, mỗi huyện có 1 người chết.

Một số người trong số trên thiệt mạng do bị sét đánh, những người còn lại chết do bị cây hoặc tường đổ đè vào người.

Chính quyền các địa phương nêu trên đã thông báo việc hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 400.000 rupee (5.700 USD).

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Cơ quan Khí tượng nước này (JMA) cho biết tại một số khu vực ở miền Tây đã có mưa to, khiến cho hơn 800 người phải rời bỏ nhà cửa và làm gián đoạn hoạt động đường sắt trong khu vực.

Theo JMA, tại tỉnh Hiroshima, kể từ 10 giờ sáng 7/6, 775 người đã phải đi sơ tán, trong khi tại 2 tỉnh Yamaguchi và Ehime có thêm hàng chục người khác trong tình cảnh tương tự. Tuy nhiên không có ai bị thương trong đợt mưa này.

Gia Lai: Nhiều địa phương hưởng ứng làm xanh, sạch môi trường sống

Tuần qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các cấp chính quyền, đoàn thể cùng tổ chức phát động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tháng hành động vì môi trường...

Theo đó, tại huyện Đức Cơ, các tổ chức đoàn thể đã diễu hành hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Ngày Đại dương thế giới 8/6. Nhiều đoàn viên, thanh niên đến từ các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện cùng tham dự.

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa được huyện Đức Cơ tổ chức nhằm hưởng ứng “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”, “Tháng hành động vì môi trường”. Trong thời gian này, huyện Đức Cơ sẽ phát động các phong trào ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, tổ chức các chiến dịch trồng và chăm sóc cây xanh, bảo vệ động vật hoang dã, động thực vật quý hiếm...

Trong khuôn khổ hoạt động, các đoàn viên tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, cuộc sống.

Cùng hoạt động trên, tại huyện Ia Grai triển khai trồng hơn 100 cây xanh tại công viên thị trấn và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng 100 ha rừng và 60 ngàn cây phân tán trên địa bàn trong năm 2019. Riêng tại thị trấn Ia Kha, Đội quản lý Trật tự - Môi trường tiến hành trồng cây xanh trên toàn bộ công viên, hoa viên và các tuyến đường nội thị nhằm tạo cảnh quan xanh mát, thân thiện với môi trường.

An Giang sẽ đóng cửa 33 bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường

Đến năm 2025, An Giang sẽ đóng cửa 33 bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường. Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Võ Hùng Dũng  đưa ra tại cuộc họp ngày 6/6 về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh An Giang trung bình khoảng 1.128 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị khoảng 505 tấn/ngày (chiếm 44,8%) và khu vực nông thôn 623 tấn/ngày (chiếm 55,2%). Đến nay, tỉnh đã mở rộng thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại 153/156 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh thu gom chất thải rắn sinh hoạt được khoảng 718 tấn/ngày (đạt 64,3%), trong đó Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang thu gom 690 tấn/ngày, các tổ tự quản thu gom của xã thu gom khoảng 28 tấn/ngày. Lượng rác còn khoảng 410 tấn/ngày chủ yếu ở vùng sâu, cù lao... được người dân tự xử lý tại gia đình như chôn, đốt... hoặc thải ra môi trường.

Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn tỉnh xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 cụm xử lý tập trung của tỉnh và chôn lấp không hợp vệ sinh tại các bãi rác tập trung của huyện, các bãi rác phân tán. Bên cạnh đó, chất thải rắn chưa được thu gom khoảng 410 tấn/ngày và được người dân thu gom và xử lý bằng cách chôn lấp tại vườn, đốt thủ công hoặc bỏ trực tiếp ra sông, ao, khu trống gần nhà.

Ông Võ Hùng Dũng cũng cho biết: Hiện toàn tỉnh có 3 bãi rác được thiết kế chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý rác tập trung ở các huyện Châu Thành, Châu Đốc và huyện Phú Tân. 33 bãi rác còn lại là những bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường và cần phải đóng cửa để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Theo ông Dũng, dự kiến, đến năm 2025, tỉnh sẽ đóng cửa 33 bãi rác này, tuy nhiên kinh phí để đóng cửa xử lý triệt để các bãi rác này quá lớn trên 200 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh còn rất hạn chế.

Để giải quyết lượng rác thải tồn đọng ngoài môi trường khi 33 bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường đóng cửa, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đề nghị Sở Xây dựng tỉnh đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 nhà máy xử lý rác tại 3 cụm: Long Xuyên, Châu Đốc và Phú Tân; đảm bảo trong năm 2020 đưa 3 nhà máy xử lý rác thải tập trung đi vào hoạt động.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đề nghị Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang đẩy nhanh, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để đưa 2 lò đốt rác thải tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn và xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn vào hoạt động; hoàn chỉnh các thủ tục về môi trường và đưa vào sử dụng hố chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại khu xử lý xã Bình Hòa, huyện Châu Thành.

Anh xem xét lại mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải nhà kính

Chính phủ nước này ước tính chi phí hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2050 có thể cao hơn 40% so với dự đoán trước đó của giới chuyên gia.

Tờ Financial Times ngày 6/6 dẫn một bức thư của Bộ Tài chính Anh cho biết chính phủ nước này ước tính chi phí hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2050 có thể cao hơn 40% so với dự đoán trước đó của giới chuyên gia.

Tháng trước, Ủy ban biến đổi khí hậu của Anh (CCC) cho biết nước này sẽ hướng đến loại bỏ hoàn toàn khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2050 để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu trong trương lai, thay vì mục tiêu giảm 80% đề ra trước đây.

CCC cho biết để thực hiện được mục tiêu này, nước Anh sẽ phải mất chi phí khoảng 50 tỷ bảng Anh (64 tỷ USD) mỗi năm, tương đương 1-2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nhưng theo bức thư của Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond gửi Thủ tướng Theresa May, ước tính mới của Bộ Chiến lược Công nghiệp, Kinh doanh và Năng lượng Anh (BEIS) lại cho thấy chi phí lên tới 70 tỷ bảng Anh/năm, cao hơn 40% so với dự đoán của CCC.

Tuy nhiên, ông Hammond cho rằng cả hai ước tính trên đều không tính đến tác động đối với các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Ông cho hay nhiều ngành chủ chốt như ngành thép có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh hoặc phải cần đến trợ cấp lâu dài của chính phủ, trong khi hàng triệu hộ gia đình có thể phải đối mặt với sự gián đoạn trong sinh hoạt và phải chịu chi phí thay thế các thiết bị chạy bằng khí tự nhiên.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới