Thứ sáu, 29/03/2024 18:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/7/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 10/07/2020 06:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/7/2020.

Cần Thơ: Sạt lở bờ sông Cái Tắc gần mộ cụ Phan Văn Trị

Ngày 9/7, bờ sông Cái Tắc qua địa bàn ấp Nhơn Lộc 1A, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, bất ngờ bị sạt lở, kéo theo phần nửa con đường nhựa bị sụp xuống sông; rất may không có thiệt hại về nhà cửa.

Đoạn sạt lở dài trên 32m, ăn sâu vào bờ gần 4m. Quan sát tại hiện trường, phần bị sạt lún sâu xuống hơn 1,5m so với mặt đường còn lại.

Bờ kè bêtông do người dân xây dựng cùng nhiều cây cối cũng bị chìm xuống sông.

Bà Nguyễn Thị Nga, một trong ba hộ dân sống gần khu vực nói trên cho biết, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 5 giờ 20 phút ngày 9/7.

Mấy ngày trước, bà Nga phát hiện những vết nứt lớn trên con đường trước nhà nên đã thông báo cho chính quyền địa phương.

“Đoạn đường này hàng ngày có nhiều xe tải chở vật liệu, trái cây qua lại. Khi thấy đường bị nứt, tôi liền báo cho trưởng ấp, đề nghị cảnh báo, hạn chế bớt xe tải lại, nhưng nó đã sụp luôn,” bà Nga nói.

Ông Trương Văn Đầy, Bí thư kiêm Trưởng ấp Nhơn Lộc 1A cho biết, tuyến đường bị sạt lở là đường liên ấp được tráng nhựa dài khoảng 1,7km, từ khu di tích mộ nhà thơ Phan Văn Trị đến vàm Ba Cui.

Vị trí xảy ra sạt lở cách mộ cụ Phan Văn Trị khoảng 200m. Trên đoạn đường này trước đó cũng xuất hiện một điểm có nguy cơ sạt lở dài trên 40m, đã được căng dây cảnh báo nguy hiểm.

Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cùng chính quyền địa phương đã xuống hiện trường kiểm tra, nắm tình hình.

EU công bố kế hoạch kép cho hệ thống năng lượng tương lai

Chiến lược mới này không chỉ tăng cường cam kết của EU trở thành khu vực không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 mà còn đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thực hiện Thỏa thuận khí hậu Paris.

Hợp nhất hệ thống năng lượng và một chiến lược hydro mới sẵn sàng làm mũi nhọn dẫn đầu nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt mục tiêu không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 là nội dung chiến lược kép được Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 8/7.

Thông báo của EC cho biết: "Các chiến lược của EU về hợp nhất hệ thống năng lượng và hydro được thông qua hôm nay, sẽ mở đường tiến tới một lĩnh vực năng lượng kết nối với nhau và hiệu quả hơn, thúc đẩy bởi các mục tiêu kép về một hành tinh sạch hơn và một nền kinh tế mạnh hơn."

Trong kế hoạch hợp nhất hệ thống năng lượng, EC nỗ lực từ bỏ mô hình tiêu thụ năng lượng không kế hoạch hiện nay và thay thế bằng một hệ thống năng lượng hợp nhất và có kế hoạch hơn, gồm việc sử dụng quay vòng hiệu quả hơn năng lượng trong các tòa nhà hoặc các cộng đồng, điện hóa nhiều hơn với việc xây dựng thêm nhiều trạm sạc điện và thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch.

Trong phần 2 của kế hoạch hành động này, chiến lược hydro mới của EC sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn từ 2020-2050 và giám sát việc loại bỏ dần khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong tất cả các lĩnh vực trên toàn EU, đồng thời hoạt động như chất xúc tác để phát triển hơn nữa hydro tái sử dụng, sản xuất sử dụng chủ yếu năng lượng gió và Mặt trời.

Kadri Simson, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng nhấn mạnh: "Hệ thống năng lượng của EU phải trở nên kết nối tốt hơn, linh hoạt hơn và có khả năng cung cấp các giải pháp tiết kiệm nhất và sạch nhất. Hydro sẽ đóng vai trò then chốt trong hệ thống này do giá năng lượng tái tạo đang giảm và liên tục đổi mới sáng tạo sẽ giúp thực hiện được giải pháp về một nền kinh tế không gây hại cho khí hậu."

Quảng Trị: Lúa chết khô vì thiếu nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị, vụ hè thu 2020, toàn tỉnh gieo cấy trên 22.000 ha lúa. Tuy nhiên, từ đầu vụ hè thu đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao đã khiến gần 4.300 héc ta lúa trên địa bàn tỉnh này có nguy cơ thiếu nước.

Ông Nguyễn Văn Hải (trú tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) cho biết, nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng qua khiến nhiều diện tích lúa của gia đình ông đang bị chết cháy do thiếu nước tưới.

“Thời tiết khắc nghiệt khiến hơn 2 sào lúa của gia đình đã bị cháy vàng do thiếu nước suốt nhiều ngày qua. Nếu trong thời gian tới vẫn không có nước tưới cho cây lúa thì vụ hè thu năm nay coi như trắng tay”, ông Hải buồn bã nói.

Trong khi đó, tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tình trạng nước các sông, suối bị cạn kiệt, dẫn đến nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ngày càng gia tăng cả diện tích lẫn mức độ, nhiều diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn không thể gieo cấy khiến người trồng lúa rơi vào tình cảnh điêu đứng.

Cần giám sát nguồn nước xả thải trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch

Theo bản tin giám sát, dự báo chất lượng nước hồ Tả Trạch và khu vực hạ du, phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp cho khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho thấy, các mẫu quan trắc chất lượng nước tại khu vực Tả Trạch gồm 16 điểm quan trắc và 13 chỉ tiêu phân tích đầu tháng 7 thì chất lượng nước tốt hơn các đợt trước, chỉ riêng vị trí cống Thầy Niệm (VT5) và trạm bơm Thủy Thanh 2 (VT16) chất lượng nước kém hơn so với đợt quan trắc trước, tuy nhiên tại các vị trí đều đảm bảo yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, theo kết quả quan trắc chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng (TSS) tại 16 vị trí trạm bơm (từ VT1 đến VT16) cho thấy, tại cống Thầy Niệm có chỉ tiêu COD và BOD vượt giới hạn cho phép từ 1,33 và 1,38 lần. Tại 3 trạm bơm Thủy An, Thủy Châu 1 và Thủy Lương 2 có chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng vượt quá giới hạn cho phép từ 1,21 đến 1,52 lần, các chỉ tiêu còn lại đảm bảo giới hạn cho phép.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trong tháng 7  tỉnh Thừa Thiên Huế thời tiết có nhiều ngày nắng nóng, nền nhiệt độ giữa tháng 7 cao hơn TBNN, lượng mưa thấp hơn TBNN. Về tình hình thủy văn, dòng chảy trên các sông biến đổi chậm, mực nước trung bình hầu hết các sông ở mức thấp hơn tháng trước.

49.000 người chết vì ô nhiễm ở Bắc Kinh, Thượng Hải

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), cùng hai tổ chức Hòa bình xanh Đông Nam Á và IQAir AirVisual vừa khởi động một công cụ trực tuyến để "đo không khí sạch".

Công cụ này đo lượng khí thải ô nhiễm tại 28 thành phố lớn trên toàn thế giới, sau đó áp dụng các mô hình của chương trình nghiên cứu "Global Burden of Disease" (Tạm dịch: Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu) để ước tính tác động ô nhiễm lên sức khỏe người dân, theo South China Morning Post.

Theo ước tính trên công cụ đo, Thượng Hải kể từ ngày 1/1/2020 đến tháng 7 có thể đã có 27.000 trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Con số ước tính tại Bắc Kinh là 22.000 trường hợp.

Thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí ở hai thành phố rơi vào khoảng 23 tỷ USD. Ước tính về tác động kinh tế dựa trên các yếu tố như lượng lao động mất đi và bệnh tật.

Theo Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm phân tích của CREA, những con số nêu trên còn thể hiện "thực tế rằng ô nhiễm ở Thượng Hải hiện gần tệ như ở Bắc Kinh, còn riêng Bắc Kinh đã cải thiện rất nhanh".

Theo số liệu do Trung Quốc công bố chính thức, chỉ số ô nhiễm bụi mịn độc hại PM2.5 trong nửa đầu năm 2020 ở Bắc Kinh cao hơn Thượng Hải. Tuy nhiên, thành phố Thượng Hải lại có mức ô nhiễm SO2 và NO2 cao hơn thủ đô Trung Quốc.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới