Thứ sáu, 19/04/2024 18:06 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/5/2020

MTĐT -  Thứ hai, 11/05/2020 06:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/5/2020.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11-20/5 tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết từ ngày 11-20/5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần vào đầu tuần, sau tăng nhẹ vào cuối tuần.

Độ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức tương đương và thấp hơn thời kỳ từ ngày 1-10/5.

Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90-130km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 55-70km; Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 65-80km; Sông Hậu, Cổ Chiên có phạm vi xâm nhập mặn 45-50km; Sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 52-58km.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 80-120km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 50-55km; Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 60-75km; Sông Cổ Chiên, sông Hậu có phạm vi xâm nhập mặn 35-42km; Sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 45-52km.

Đồng Tháp: Hàng nghìn hộ dân lo lắng trước diễn biến sạt lở phức tạp

Sau đợt sạt lở bờ sông Tiền đoạn qua xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp vào chiều ngày 14/1, 5 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp, 14 hộ khác có nguy cơ bị ảnh hưởng. Hiện đang vào mùa khô nhưng tình trạng sạt lở ở tỉnh Đồng Tháp diễn biến rất phức tạp. Người dân địa phương rất lo lắng sạt lở sẽ diễn ra dữ dội hơn trong mùa lũ.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 85 điểm sạt lở nằm dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu, trong đó sạt lở ở khu vực qua huyện Thanh Bình là nghiêm trọng nhất. Nhiều điểm chỉ cách Quốc lộ 30 chưa đầy 15m. Người dân ở đây vô cùng lo lắng vì nhà cửa sẽ bị cuốn trôi nếu năm nay có lũ lớn.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có hàng nghìn hộ dân đang nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm. Chỉ riêng tại huyện Thanh Bình đã có hơn 1.255 hộ cần phải di dời để bà con ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, địa phương lại không còn nền tái định cư. Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành đầu tư thêm 6 cụm tuyến dân cư từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2019. Với những cụm tuyến dân cư này, hàng nghìn hộ dân sẽ được an toàn trước nguy cơ sạt lở.

Cháy bãi rác gây ô nhiễm khói dày đặc, thiêu rụi nhiều diện tích cây ăn quả

Bên cạnh nắng nóng, người dân ở gần bãi rác Dốc Đỏ, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa còn phải chịu đựng tình trạng khói lửa từ bãi rác trong gần một tuần qua.

Theo VTV, đi từ Quốc lộ 1A hay đi dọc các tuyến đường liên xã cách bãi rác này hàng chục km, người dân có thể nhìn thấy cột khói bốc cao. Người dân ở đây đã phải chịu đựng tình trạng khó thở do khói từ đám cháy bãi rác này trong cả tuần nay. Trời càng về trưa, nắng càng gắt, khói bốc lên dày đặc. Gió đổi chiều theo từng thời điểm trong ngày, cột khói lan theo chiều gió, gây ô nhiễm không khí cho khu dân cư của cả ba xã trong vùng.

Theo người dân địa phương, đây không phải lần đầu tiên xảy ra cháy tại bãi rác này, nhưng đợt cháy này là nguy nhiểm nhất. Không chỉ ô nhiễm khói dày đặc, thời tiết nắng gắt trong hai ngày nay khiến ngọn lửa mạnh lên và lan ra các khu rẫy của người dân. Không ít diện tích cây ăn quả đã bị cháy rụi.

Trước tình trạng này, trong ngày 9 và 10/5, lực lượng cứu hỏa đã đến hiện trường. Tuy nhiên, một xe cứu hỏa gần như không làm gì được trước bãi cháy rộng cả ha với hàng chục tấn rác thải ở phía dưới. Trong khi lực lượng cứu hỏa chưa thể dập tắt đám cháy, ngọn lửa với sự "trợ lực" của gió mạnh và nắng gắt đang đe dọa trực tiếp đến nương rẫy, trại chăn nuôi và các khu dân cư lân cận. Các hộ dân ở đây phải đóng cửa, đưa người già và trẻ em đi ở nhờ nơi khác. Người lớn tuổi phân công nhau túc trực canh đám cháy và bơm nước, mong bảo vệ được phần nào tài sản và vườn cây.

Ngăn chặn nạn đổ lén, chôn lấp rác thải

Thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, trong năm 2019, các sở ngành, chính quyền cơ sở triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp, kết quả là tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt từ sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng đổ rác thải ra đường, kênh rạch, chôn lén chất thải tái diễn phức tạp tại nhiều quận huyện, khiến môi trường sống bị ô nhiễm nặng.

Mới đây, khi lưu thông trên đường Rạch Cầu Suối (đoạn qua xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), người dân tăng ga chạy nhanh để né mùi hôi thối bốc lên từ rác thải đủ loại: bao bì, thùng giấy, thực phẩm, có cả xác động vật chết chứa trong bao tải do những người thiếu ý thức đem vứt, đổ khắp bờ kênh hai bên đường Rạch Cầu Suối. Lòng kênh nhiều đoạn bị tắc nghẽn dòng chảy do rác thải tràn xuống.

Theo báo SGGP, tại quận Bình Tân, các tuyến đường Nguyễn Cửu Phú (đoạn trước chùa Bình An, phường Tân Tạo A), đường Bình Long (bên hông nghĩa trang Bình Hưng Hòa), kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa)… cũng trong tình trạng tương tự, tràn lan rác thải, rất mất mỹ quan. Cùng với nạn đổ lén rác thải, tình trạng san lấp, chôn lén chất thải rắn, rác thải công nghiệp cũng diễn ra phổ biến tại nhiều nơi trên địa bàn TPHCM.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...