Thứ ba, 19/03/2024 11:55 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/8/2020

MTĐT -  Thứ ba, 11/08/2020 06:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/8/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/8/2020.

Hà Nội công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ một số tuyến sông

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành 3 Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ tả sông Đáy trên địa bàn xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai; sự cố sạt lở bờ hữu sông Đà trên địa bàn các xã: Sơn Đà, Minh Quang, huyện Ba Vì; sự cố sạt lở bờ hữu sông Hồng trên địa bàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì.

Cụ thể, theo Quyết định số 3466/QĐ-UBND, sự cố sạt lở bờ tả sông Đáy thuộc địa bàn thôn Thanh Giang, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai có chiều dài khoảng 600m tương ứng từ K29+600 đến K30+200 đê tả Đáy. Trên tuyến bờ sông xuất hiện 6 vị trí sạt lở, các cung sạt có chiều dài từ 5 đến 10m, chiều cao từ 3 đến 3,5m, trong đó, có 01 cung sạt xói sâu vào lòng đường từ 2 đến 3m tạo hàm ếch.

Các cung sạt có xu hướng phát triển thêm và diễn biến phức tạp, uy hiếp đến ổn định bờ sông, nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người và tài sản của nhân dân trong khu vực.

Tại Quyết định số 3467/QĐ-UBND nêu rõ tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Đà trên địa bàn các xã: Sơn Đà, Minh Quang, huyện Ba Vì, tại kè Khê Thượng tương ứng từ K4+100 đến K4+700 đê hữu Đà, thuộc địa bàn xã Sơn Đà, với chiều dài khoảng 600m.

Phần chân kè bị sạt lở mạnh, vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhất bị sụt toàn bộ phần chân kè và sát chân đê, khu vực này mái kè là mái đê, vì vậy, đã uy hiếp trực tiếp đến an toàn của tuyến đê hữu Đà. Diễn biến sạt lở đang phức tạp, dòng chủ lưu áp sát chân kè, uy hiếp đến an toàn của tuyến kè Khê Thượng, cũng như tuyến đê hữu Đà, nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của tuyến đê hữu Đà và ổn định của kè Khê Thượng.

Sự cố sạt lở bờ hữu sông Đà tại vị trí khu vực trạm bơm Đồng Tiến trong phạm vi kè Minh Quang, chiều dài khoảng 500m, chân kè bị sạt lở mạnh, khu vực sạt lở mạnh nhất khoảng 30m, cung sạt sát vào chân đê do mái kè là mái đê, sát trạm bơm Đồng Tiến ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của tuyến đê Khánh Minh, an toàn của trạm bơm Đồng Tiến.

Vị trí sự cố sạt lở đoạn từ cuối thôn Liên Bu, chiều dài khoảng 450m về phía cầu Đồng Quang (kè Minh Quang) chân kè sạt lở mạnh, khu vực sạt lở mạnh nhất khoảng 30m gần sát chân đê Khánh Minh, khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tuyến đê Khánh Minh.

Diễn biến sạt lở đang phức tạp, dòng chủ lưu áp sát chân kè, uy hiếp đến an toàn của tuyến kè Minh Quang, gây mất ổn định bờ hữu sông Đà nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tuyến đê Khánh Minh, tuyến kè Minh Quang.

Hoàn Kiếm, Hà Nội: Tập trung nâng cao năng lực về quản lý chất lượng không khí

Ngày 10/8, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Đức – GIZ tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý chất lượng không khí cho cán bộ thuộc các phòng ban đơn vị của quận, lãnh đạo và nhân dân các phường trên địa bàn.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Một trong những vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất trên Thế giới và Việt Nam đó là ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội.

Để tích cực cải thiện mức độ ô nhiễm, ngày 25/12/2019, UBND TP. Hà Nội ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố. Triển khai Chỉ thị này, ngày 31/12/2019, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành văn bản số 2238/UBND-TNMT giao nhiệm vụ cho các Phòng ban đơn vị và UBND các phường về việc thực hiện biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn quận.

Sau thời gian tích cực triển khai các hoạt động cụ thể, tính đến 1/7/2020 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã cơ bản hoàn thành việc xoá được các bếp than tổ ong. Phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố phụ cận đã góp phần hạn chế một lượng khí thải từ các loại ô tô, xe máy. Song song với đó UBND quận còn phối hợp với nhiều đơn vị trong nước và quốc tế mở nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý chất lượng không khí…

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID cho biết: Trung tâm đang tập trung vào việc cập nhật về các chính sách hiện hành và những nỗ lực xây dựng chính sách mới của Chính phủ, cũng như UBND TP. Hà Nội trong việc cải thiện chất lượng không khí. Tổ chức thảo luận về thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay, những nguồn gây ra ô nhiễm không khí và mối liên hệ tình hình covid - 19 hiện nay. Đặc biệt là nội dung tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ, môi trường, với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Qua thảo luận để các địa phương nhận diện trên địa bàn mình hiện nay ô nhiễm đang diễn ra như thế nào. Từ đó các nhóm xác định những giải pháp gì cần phải thực hiện.

Núi lửa Nevado del Ruiz ở Colombia gia tăng hoạt động địa chấn

Tháng 11/1985, núi lửa Nevado del Ruiz đã phun trào và gây ra thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất trong lịch sử Colombia, khiến 25.000 người thiệt mạng và xóa sổ thị trấn Armero, bang Tolima.

Ngày 9/8, Cơ quan Địa chất Colombia (SGC) thông báo đã ghi nhận sự “gia tăng đáng kể” hoạt động địa chấn của núi lửa Nevado del Ruiz, ngọn núi nằm tại biên giới giữa các bang Tolima và Caldas, cách thủ đô Bogota 220km.

SGC, cơ quan giám sát các hoạt động của núi lửa Nevado del Ruiz, cho hay đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể hoạt động địa chấn kiến tạo núi lửa vào ngày 8/8, dẫn tới sự rạn nứt của đá xung quanh ngọn núi.

Báo cáo của SGC nêu rõ hoạt động địa chấn của núi lửa Nevado del Ruiz diễn ra tại khu vực Tây-Tây Nam, cách miệng núi lửa trung bình 6km.

SGC cho hay hiện núi lửa Nevado del Ruiz vẫn nằm trong tình trạng báo động vàng, đồng thời không loại trừ khả năng có sự tăng tốc trong quá trình hoạt động, gây ra bất ổn lớn hơn và sự thay đổi trong mức độ hoạt động.

Cơ quan địa chất Colombia cũng cảnh báo giới chức hai bang Caldas và Tolima không nên chủ quan với sự bất ổn kéo dài 9 năm qua của núi lửa Nevado del Ruiz và cần sẵn sàng thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro cũng như xử lý thiên tai trong trường hợp núi lửa “thức giấc."

Yên Bái: Sự cố vỡ đập chắn liên tiếp tại Mỏ khai thác quặng núi 300

Sáng 4/8, hai đập chắn chân hố lắng tại khu vực khai thác của Mỏ khai thác quặng sắt núi 300, ở thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh và thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã bị vỡ.

Sự cố hai lần liên tiếp xảy ra vỡ đập chắn chân hố lắng tại Mỏ khai thác quặng sắt núi 300 của Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức đóng trên địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vào ngày 4/8 vừa qua đã một lần nữa báo động về nguy cơ mất an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, sáng 4/8, hai đập chắn chân hố lắng tại khu vực khai thác của Mỏ khai thác quặng sắt núi 300, ở thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh và thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã bị vỡ.

Tại đập chắn chân hố lắng bảo vệ môi trường của Mỏ khai thác quặng sắt núi 300 tại thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, ngay sau khi phát hiện bị sạt lở, Công ty Cổ phần Khai khoáng Minh Đức đã tiến hành khắc phục bằng cách cho đào một đoạn rãnh phía bên phải thân đập để cho nước thoát xuống phía dưới.

Chính quyền địa phương đã xác định sự cố và đánh giá mức độ tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại đối với người dân.

Sự cố xảy ra tại đập chắn hố lắng thuộc địa phận thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh gây thiệt hại nặng nề hơn, gần 5.000m3 nước thải và bùn đất đã tràn xuống vùi lấp 1 ha đất hoa màu canh tác của 25 hộ dân ở thôn 2 Núi Vì và 300m đường giao thông nông thôn. Trong đó, hai hộ dân sống sát chân mỏ bị nước, bùn đất tràn vào nhà làm hư hỏng nhiều đồ đạc…

Bà Lương Thị Hằng ở thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh cho biết, hôm xảy ra sự cố, trời mưa to, bà nghe thấy tiếng động mạnh, rồi bùn đất ở phía trên mỏ ầm ầm tràn xuống phía dưới.

Nước cứ thế dâng lên và tràn vào gầm nhà sàn. Từ trên nhà nhìn xuống, bà thấy nước dâng ngập hết các vật dụng của gia đình để ở dưới gầm nhà như máy nổ, xe máy, hòm thóc lúa…

Nhìn ra ngoài sân, nước chảy cuồn cuộn kéo theo những đống củi to lù khiến đàn gà, vịt chạy tán loạn. Giàn mướp và hoa quả, cây cối ngoài vườn bị dòng nước cuốn phăng đi mất. Đống tài sản của gia đình bà cứ thế ngập dần và trôi theo dòng nước. Dù rất xót nhưng bà Hằng không dám xuống dưới để cứu vớt vì sợ đường điện có thể hở giật chết người.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới