Thứ bảy, 20/04/2024 21:33 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/3/2020

MTĐT -  Thứ năm, 12/03/2020 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/3/2020.

Hà Nội: Quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc nước mặt

Cùng với hệ thống quan trắc không khí, quan trắc nước mặt cũng được TP Hà Nội quan tâm đầu tư với 6 trạm quan trắc nước mặt từ năm 2017 ở sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm…

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đầu tư thêm 5 trạm quan trắc nước mặt, 1 trạm quan trắc lưu động". Cụ thể, Hà Nội sẽ có cụm công trình 6 trạm quan trắc nước dưới đất và có một hệ thống quan trắc nước đồng bộ.

Đến nay, tất cả dữ liệu từ các trạm quan trắc nước đã cung cấp thông tin xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, cảnh báo giải pháp, cách khắc phục phù hợp. Chẳng hạn như ở Hồ Hoàn Kiếm, nhờ có thông số, dữ liệu từ quan trắc nước mặt đã thực hiện nạo vét, phổ cập nước mà chất lượng nước hồ hiện nay đang rất tốt.

Ở Hồ Tây, TP cũng đang lập dự án nạo vét tổng thể, thu gom nước thải, không xả thải ra nữa để cải thiện môi trường nước, ổn định hệ sinh thái, đảm bảo tất cả cá thể sinh vật được phát triển trong môi trường trên 500ha.

Ba trận động đất liên tiếp làm rung chuyển Indonesia

Sáng 11/3, một trận động đất mạnh 5,3 độ đã làm rung chuyển Quận Tây Aceh, tỉnh Aceh. Theo Cơ quan khí hậu, khí tượng và địa vật lý Indonesia (BMKG), trận động đất có tâm chấn ở độ sâu 114 km về phía Đông Nam của quận và không có khả năng gây nên sóng thần.

Trước đó, ngày hôm qua (10/3), trận động đất mạnh 4,9 độ tại tỉnh Sukabumi, miền Tây Java đã làm 3 người bị thương và gần 200 người dân tại thành phố này phải đi sơ tán.

Chỉ diễn ra trong 5 giây, trận động đất có tâm chấn ở 23 km về phía Đông bắc thành phố cảng Ratu và ở độ sâu 10 km này đã làm gần 200 ngôi nhà hư hại. Đội phản ứng nhanh của Cơ quan quản lý thảm hoạ Sukabumi đã dựng các trại tị nạn cho người dân. Trận động đất còn gây thiệt hại về nhà cửa ở 5 tỉnh xung quanh.

Cùng ngày, một trận động đất mạnh 5,8 độ đã xảy ra ở tỉnh Bengkulu, miền Tây Sumatera. Trận động đất cũng không có khả năng gây ra sóng thần. Hiện tại chưa có báo cáo về thiệt hại do trận động đất gây ra.

Liên minh châu Âu sắp công bố các mục tiêu cắt giảm rác thải mới

Ngày 11/3, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ công bố các mục tiêu cắt giảm rác thải mới cùng các đạo luật thúc đẩy sản xuất các sản phẩm bền vững nhằm đảm bảo hàng hóa được bày bán tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) có thể tái chế và được thiết kế mang tính lâu bền hơn.

Trao đổi với báo giới tại Brussels (Bỉ), Ủy viên Môi trường của EU Virginijus Sinkevicius nêu rõ: "Mục tiêu cuối cùng là tách biệt việc khai thác nguồn tài nguyên với tăng trưởng kinh tế của chúng ta."

Theo kế hoạch mới về cắt giảm rác thải từ nay tới năm 2030, EC sẽ công bố đạo luật mới cấm tiêu hủy các hàng lâu bền tồn kho, hạn chế sản xuất các sản phẩm dùng một lần hoặc ăn theo xu hướng và sớm trở nên lỗi thời, đặc biệt là các thiết bị điện tử.

Ủy viên Sinkevicius cho biết EU đang xem xét giới thiệu bộ sạc điện thoại di động phổ biến và khuyến khích người tiêu dùng sửa chữa chúng khi hỏng. Ngoài ra, kế hoạch giảm rác thải của EC cũng bao gồm lĩnh vực dệt may, khi chỉ 1% hàng dệt may toàn cầu hiện đang được tái chế.

EC cũng sẽ đề xuất một khung pháp lý mới đối với các sản phẩm pin và từng bước loại bỏ các loại pin không sạc được, cũng như hạn chế rác thải bao bì.

Tuy nhiên, kế hoạch trên vẫn cần nhận được sự chấp thuận từ các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu.

Trước đó một ngày, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch cùng chính phủ của 16 quốc gia thành viên EU và 66 tổ chức (doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ) đã phát động “một thỏa thuận châu Âu về nhựa” nhằm kiểm soát sử dụng nhựa thông qua một nền kinh tế tuần hoàn, bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa và sử dụng nhựa trong sản xuất, cũng như tái chế và tái sử dụng nhiều hơn vật liệu này.

Hạn, mặn khiến hàng trăm ha dứa ở Hậu Giang bị bệnh

Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có gần 350 hecta khóm (dứa) ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ bị nhiễm bệnh. Trong đó, phần lớn diện tích bị bệnh héo đỏ lá do virus, một phần nhỏ còn lại là bệnh rệp sáp và thối nọn.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân gây ra bệnh héo đỏ lá là vì đang vào thời điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt, trong khi nhiều diện tích khóm chỉ được người dân tưới nước hạn chế làm cho bệnh ngày càng phát sinh nhiều. Nếu không được quản lý và phòng trị kịp thời thì bệnh có thể gây hại từ 25-30% diện tích và có khi cao hơn.

Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tranh thủ trữ nước ngọt nhiều trong các mương khóm để phục vụ tưới cho cây dứa trong mùa khô nhằm hạn chế dịch bệnh tấn công. Về lâu dài, nông dân cần chuẩn bị kỹ ngay ở khâu trồng ban đầu. Cụ thể, bà con cần xử lý đất, bón vôi cải tạo đất, vệ sinh khu vực trồng để hạn chế mầm bệnh.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt để bảo vệ môi trường

Công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung và chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở nước ta được đánh giá còn rất hạn chế. Đây là thách thức lớn đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung giải quyết.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), lượng chất CTRSH ở nước ta phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó CTRSH đô thị khoảng 37.000 tấn/ngày. CTRSH ở nông thôn khoảng 24.000 tấn/ngày. Địa phương có khối lượng phát sinh lớn nhất là TP HCM với 9.100 tấn/ngày, Thanh Hóa 2.246 tấn/ngày…

Trong khi đó, các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải thường xuyên ở xa khu vực dân cư nên làm tăng chi phí vận chuyển,  nhiều phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm mùi trong quá trình vận chuyển. Về hiện trạng xử lý, CTRSH chủ yếu là chôn lấp với 71%, 16% bằng phương pháp phân compost; 13% bằng phương pháp đốt…

Đề cập về nguyên nhân xử lý CTR chưa hiệu quả, TS Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lý giải, theo quy định hiện hành, công tác quản lý nhà nước về chất CTR không được giao thống nhất cho một cơ quan mà được phân công cho nhiều Bộ, ngành cùng tham gia, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý CTR. Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật hiện hành vẫn đang còn thiếu các hướng dẫn lựa chọn công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp về thu gom, lưu giữ, xử lý CTRSH. Hoạt động tái chế còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất