Thứ sáu, 19/04/2024 20:17 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/11/2019

MTĐT -  Thứ tư, 13/11/2019 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/11/2019.

Báo động tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Từ ngày 5 - 13/11, chất lượng không khí Hà Nội diễn biến theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, hôm qua 12/11 ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại), ngưỡng toàn bộ dân số có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, cần cảnh báo khẩn cấp.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trước khi ảnh hưởng tới miền Bắc trong chiều và tối 13/11, không khí lạnh đang nén rãnh áp thấp khiến mây mù dày nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp, tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 (một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn, có khả năng bay lơ lửng trong không khí) ở Hà Nội vẫn đang xấu, các chỉ số chất lượng không khí tăng lên theo từng giờ, người dân vẫn nên hạn chế tập thể dục ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.

Lúc 7 giờ ngày 13/11, ghi nhận ở điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ chỉ số chất lượng không khí AQI vẫn ở mức kém (117), không tốt cho nhóm nhạy cảm, hạn chế thời gian ở ngoài trời. Đến 11 giờ, chỉ số AQI lên mức 239, là mức xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài. Những người khác nên hạn chế thời gian ở ngoài trời.

Cập nhật lúc 11 giờ ngày 13/11, hệ thống quan trắc không khí PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở hầu hết các khu vực trong Hà Nội đã tăng lên.

Lúc 7 giờ, chỉ có Sóc Sơn ở ngưỡng tím đã tăng lên 20 điểm quan trắc ngưỡng tím từ 206 -264, mức nguy hại cho sức khỏe. Trong đó, các điểm Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) là 255, Hàng Quạt (Hoàn Kiếm) là 256, Đức Thắng (Bắc Từ Liêm) là 264.

British Airways bị chỉ trích vì xả thải ra môi trường

Kênh truyền hình BBC cho biết, British Airways thường bơm đầy nhiên liệu cho máy bay trước khi khởi hành nhằm tiết kiệm chi phí, máy bay không phải bơm thêm nhiên liệu và chịu phí cao hơn ở các thành phố điểm đến, nơi có giá nhiên liệu cao hơn.

Nhiều chặng bay dù ngắn nhưng vẫn được bơm đầy nhiên liệu cho cả bình dự phòng. Điều này khiến máy bay trở nên nặng hơn, dẫn đến việc sản sinh thêm lượng phát thải khí nhà kính.

BBC phát hiện cách bơm nhiên liệu này đã khiến các máy bay của hãng tăng lượng phát thải khí CO2 lên 18.000 tấn mỗi năm. Con số tương đương với lượng phát thải của một thị trấn 100.000 dân.

Điều đáng nói, số tiền có thể tiết kiệm cho mỗi chuyến bay khi sử dụng cách đổ đầy nhiên liệu này chỉ từ 10 đến vài trăm Bảng Anh, khoảng 300.000 đến vài triệu đồng.

Phản hồi thông tin trên thì British Airways thừa nhận, có thể họ đã tính toán sai trong cách thức vận hành và cam kết sẽ xem xét lại quy trình.

Thêm 50 ngôi nhà bị phá huỷ do cháy rừng ở Australia

Sáng 13/11, nhà chức trách bang New South Wales (NSW), Australia, cho biết ít nhất 50 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc bị phá hủy trong các vụ cháy rừng lớn nhất ở bang xảy ra vào ngày trước đó, đưa tổng số ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng ở bang trong tuần qua lên hơn 200.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, nhà chức trách đang tiến hành điều tra hai vụ cháy "đáng ngờ" tại Turramurra và Loftus, cách khu trung tâm thành phố Sydney khoảng 15 km về phía Nam, đặc biệt là ở Loftus nơi xảy ra nhiều điểm phát lửa trong Công viên Quốc gia Hoàng gia. Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian tuyên bố những cá nhân cố tình đốt lửa trong ngày 12/11 sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật và có thể phải chịu mức phạt tù trên 10 năm tù.

Ông Shane Fitzsimmons, Giám đốc Sở Cứu hỏa Nông thôn (RFS) bang NSW, cho biết rất may là không có ai bị thiệt mạng trong các vụ cháy rừng, song có ít nhất 21 người bị thương, trong đó có 13 lính cứu hỏa. Theo quan chức này, lực lượng cứu hỏa đã phải đã phải nỗ lực ngăn chặn 300 đám cháy mới trong điều kiện thời tiết nóng và gió mạnh trên toàn bang.

Hiện khoảng 950 lính cứu hỏa vẫn đang tiếp tục vật lộn với 83 đám cháy, trong đó có 50 đám cháy chưa được khống chế. Theo Bộ Giáo dục bang NSW, 152 trường học sẽ tiếp tục phải đóng cửa so với hơn 600 trường vào ngày hôm qua do nguy cơ cháy rừng.

Nhà chức trách tiếp tục cảnh báo về nguy cơ bùng phát các vụ cháy ở cấp độ khẩn cấp vào bất cứ thời điểm nào trong những ngày tới trong bối thời tiết duy trì tình trạng nắng nóng và khô hạn.

Tập kết rác gây cản trở giao thông, ô nhiễm

Theo Sở GTVT TP.HCM qua công tác kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông và thông qua phản ánh thì tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn, sinh hoạt trên địa bàn TP không đảm bảo an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh; nhiều điểm tập kết nằm dưới lòng đường, trên các tuyến đường trục chính, các tuyến đường có mật độ giao thông cao gây cản trở giao thông và có nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Trước thực trạng này, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Sở TN&MT, UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện:

Kiểm tra, tập kết tất cả rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý, bố trí thời gian tập kết, thu gom phù hợp, yêu cầu không thực hiện vào giờ cao điểm, đảm bảo vệ sinh môi trường; bố trí đầy đủ cảnh báo, phản quang, bảo hộ lao động đối với các phương tiện, công nhân thực hiện công tác vệ sinh dưới lòng đường.

Bố trí thời gian vận chuyển, tập kết rác thải tại các điểm hợp lý, hạn chế bố trí dưới lòng đường, trên vỉa hè tuyến đường trục chính, các tuyến đường có mật độ giao thông cao. Sau khi thu gom, vận chuyển phải quét dọn, xịt rửa và vệ sinh sạch sẽ bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Hội An sẽ không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong mọi hoạt động

Ngày 12/11, ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, Thành ủy Hội An vừa ban hành chỉ thị số 15-CT-TU về tăng cường kiểm soát, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, tiếp tục thực hiện chủ trương phân loại rác thải tại nguồn để bảo vệ môi trường thành phố Hội An.

Theo đó, đến cuối năm 2019, 100% cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hội An không sử dụng chai nhựa, ống hút nhựa, cốc nhựa trong mọi hoạt động, hội nghị, sự kiện, lễ hội, tiếp khách và thay thế bằng các sản phẩm phù hợp, thân thiện môi trường; hạn chế tối đa việc sử dụng các vật từ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy…; phấn đấu mỗi năm giảm từ 13-15% việc sử dụng sản phẩm nhựa ở các cửa hàng, chợ, mini mark; thực hiện đạt yêu cầu việc phân loại rác tại nguồn.

Theo ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An, 10 năm qua, Hội An đã thực thi nhiều chương trình, kế hoạch nhằm triển khai phân loại rác thải sinh hoạt trong thành phố Hội An như phát sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn đến hộ gia đình, điều tra thành phần rác thải, tiếp thu năng lực giám sát tình trạng phân loại rác...

“Là thành phố di sản, việc đảm bảo môi trường trong lành cho Hội An không chỉ bảo vệ di sản,mà còn giúp giữ gìn hình ảnh thành phố Hội An đẹp hơn trong mắt du khách”, ông Ánh nói. 

            P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...