Thứ bảy, 20/04/2024 09:21 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/3/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 01/03/2020 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/3/2020.

TP Hồ Chí Minh: Thay đổi phương thức phân loại và xử lý rác thải

Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh vừa thông qua và chuẩn bị trình Ban thường thường vụ Thành ủy, HĐND TP xem xét phương án phân loại rác theo hai cách là rác tái chế và rác thải còn lại, quyết định cho triển khai trong thời gian tới (dự kiến ngay trong quý I/2020).

Theo đó, việc thay đổi cách phân loại rác nhằm phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện mà TP đang triển khai, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Đồng thời, việc này cũng được cho là khả thi hơn so với phương án phân rác thành 3 loại (hữu cơ, vô cơ và tái chế) mà TP đang triển khai.

Liên quan việc thay đổi phương thức phân loại rác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP – ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, TP xác định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải gắn từ khâu đầu tiên là phân loại tại hộ gia đình đến khâu cuối cùng là khâu xử lý. Trước đây, khâu xử lý TP lựa chọn nhiều công nghệ như chôn lấp, làm phân compost, đốt phát điện… Vừa rồi, TP định hướng rất rõ là tập trung vào công nghệ tái chế và công nghệ đốt. Như vậy, người dân chỉ cần phân làm hai loại. Đó là tất cả những rác, trừ những loại nào tái chế được thì người dân để lại trong nhà mình và các đơn vị thu gom sẽ thu mua của người dân như lon bia, chai nhựa…

Việc phân loại rác ở TP sẽ được chia thành 2 nhóm, gồm nhóm có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại

Còn lại tất cả các loại rác khác người dân bỏ ra thì đơn vị thu gom sẽ chuyển lên sử dụng công nghệ đốt để đốt. Như vậy, việc phân loại rác gắn với công nghệ xử lý rác cho phù hợp, tránh trường hợp người dân phân loại ra và đơn vị thu gom lại bỏ vào một chỗ gây ra bất cập và ảnh hưởng đến khâu xử lý công nghệ.

“Việc thay đổi phương thức phân loại rác sinh hoạt, Sở đã hoàn thiện nội dung và trình TP, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến và trình UBND TP ký sửa quy định về phân loại rác. Chậm nhất quý I năm 2020, sẽ tiến hành thay đổi phương thức phân loại cho phù hợp với công nghệ xử lý hiện nay”, ông Thắng nhấn mạnh.

Hiện trung bình mỗi ngày đêm TP thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm còn tăng thêm 10%. Trong khi đó, diện tích đất để thực hiện chôn lấp rác dần thu hẹp và việc chôn lấp dẫn tới rất nhiều hệ lụy về môi trường (ô nhiễm không khí, nguồn nước...). Do đó, TP xác định phải giảm lượng rác thải chôn lấp.
Theo định hướng, TP đặt ra lộ trình sẽ giảm tỷ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 (hiện tại chôn lấp khoảng 76%) và 20% vào năm 2025.

Kênh cạn khô nước, người dân Cà Mau mất vụ màu trên đất lúa

Thời điểm này đã bắt đầu vào vụ thu hoạch hoa màu dưới ruộng của người dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hàng năm, sau khi người dân thu hoạch xong vụ hoa màu dưới ruộng vào tháng 3, vẫn còn nguồn nước tưới. Năm nay, không chỉ các kênh nội đồng cạn trơ đáy mà ngoài sông rạch hiện cũng không còn nước để người dân bơm vào.

Ông Ngô Văn Minh (ở ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Năm nay, hạn hán quá gay gắt. Bà con ở đây phải vét kênh để lấy nước từ 3 - 4 km về, rồi đặt máy bơm vào để tưới tiêu. Chỉ được khoảng 10 ngày thì đã cạn, không bơm được nước nữa. Bây giờ các kênh mương trong ruộng cạn trơ đáy, bí bầu chết dây hết”.

Theo người dân địa phương, đầu vụ, các loại hoa màu bà con xuống giống phổ biến như: bầu, bí, dưa gang... đều phát triển tốt. Cũng vì thiếu nước tưới mà năng suất giảm mạnh. Đặc biệt, kênh rạch khô hạn, việc lưu thông khó khăn nên giá cả cũng giảm.

Người dân vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau thất thu vụ hoa màu xuống ruộng.

Ông Lại Văn Tuấn (ở ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho biết, cùng kỳ bí đỏ loại 1 được thương lái đến tận nhà thu mua với giá khoảng 7.500 - 8.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 6.000 đồng/kg. Các loại hoa màu khác đều thấp hơn cùng kỳ trên dưới 2.000 đồng/kg mà thương lái thu mua cũng hạn chế.

“Đến thời điểm bán thì lại bị cạn hết nước, cho nên không lưu thông hàng hóa được và cũng ảnh hưởng thu hoạch của bà con. Đến thời điểm này mới thu hoạch bán được khoảng 20 – 30 %”, ông Tuấn nói.

Hiện tại, nhiều diện tích hoa màu dưới ruộng đang trong giai đoạn ra hoa nhưng nguồn nước tưới đã cạn kiệt nên có nguy cơ bị mất trắng. Trước đây, mỗi vụ màu người dân có lãi khoảng 15 triệu đồng/ha, còn năm nay hộ nào may mắn lắm mới không bị lỗ.

Ông Ngô Văn Phong (ở ấp 4, xã Trần Hợi) chia sẻ: “Trồng 3 ha mà chưa thu được gì hết. Năm nay khô nước, trái bí bị méo hết. Năm ngoái đủ nước thì thu được 70 – 80 triệu. Năm nay mỗi hộ phải lỗ vài chục triệu đồng. Tiền mua phân thuốc, hạt giống đã vài chục triệu rồi. Nếu thuận lợi phải kiếm được 70 – 80 triệu chứ không ít. Vừa mất nước, vừa thất trái”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, đến giữa tháng 2 vừa qua, đã có hơn 330ha hoa màu bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại. Trước tình hình nguồn nước trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đã cạn kiệt, hạn hán được dự báo còn kéo dài, diện tích hoa màu bị thiệt hại có thể còn tăng thêm.

Quảng Bình: Nhiều hồ nuôi tôm chưa đảm bảo hệ thống xử lý nước thải

Thông tin trên Báo Tài nguyên và Môi trường, dọc bờ biển xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới; xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy kéo dài hơn 30km có hàng chục hồ nuôi tôm. Dọc bờ biển có nhiều điểm xả nước thải không qua hồ lắng, hệ thống xử lý nước thải tại những hồ nuôi tôm chảy theo mương dẫn hoặc ống cống chảy ra biển.

Đặc biệt là tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh dọc bờ biển có trên 30 hộ không có hồ xử lý nước thải, bên cạnh đó nhiều hộ khác có hồ xử lý nước thải nhưng cũng đã xuống cấp. Phần lớn các hồ nuôi nối ống nhựa cỡ lớn, đặt dưới cát để xả nước thải. Đáng nói, tại đây còn có một cống xả rộng hơn 5m gom nước thải từ hàng loạt hồ tôm để lộ thiên rồi xả thẳng ra biển.

Tại những kênh rãnh thoát nước thải từ hồ nuôi tôm của những hộ gia đình nước thải có màu đen ngòm, chảy ào ạt khiến bọt sùi đầy cả con kênh. Dọc theo kênh, mương thoát nước thải này chất thải bám những lớp dày như bùn, bốc mùi hôi thối.

Nhiều chủ hồ nuôi tôm xả nước thải trực tiếp ra biển. Ảnh báo Tài nguyên & Môi trường.

Ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch xã Hải Ninh cho biết: “Hiện nay tại địa phương có khoảng 30 đơn vị nuôi tôm với diện tích mặt hồ hơn 35ha. Việc xả nước thải ra môi trường, chính quyền địa phương cũng đã nắm và nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.

Ngoài việc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra xử lý vi phạm khi có phản ánh thì địa phương cũng thường xuyên nắm tình hình, nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị viết cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi có lực lượng chức năng thì người nuôi đều chấp hành tốt nhưng sau đó họ lại lén lút xả thải nên cũng không quản lý hết được”.

Tình trạng hồ nuôi tôm xả nước thải trực tiếp ra biển mà không qua xử lý diễn ra trong thời gian dài gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các điểm du lịch dọc bãi biển Quảng Bình.

Báo Một thế giới dẫn lời ông Nguyễn Viết Giai - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quảng Ninh cho biết việc ô nhiễm là do các hồ nuôi không chú trọng xây dựng hệ thống chứa và xử lý nước thải, hoặc có làm hệ thống chứa nhưng không để nước thải có thời gian lắng đọng trước khi xả ra môi trường.

Ông Giai cho hay, cuối năm 2019, Phòng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra các đơn vị nuôi tôm tại xã Hải Ninh và phát hiện nhiều vi phạm về ô nhiễm môi trường. Phòng yêu cầu đơn vị nuôi thủy sản phải thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung của đề án nuôi trồng thủy sản và kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký.

Tuy nhiên, sự việc vẫn diễn ra trong thời gian dài, người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương song chưa được xử lý dứt điểm khiến môi trường biển và khu vực lân cận bị ô nhiễm nặng, cuộc sống của dân gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể hàng trăm hồ nuôi tôm xả thải không qua xử lý sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường biển các khu du lịch dọc bờ biển Quảng Bình.

Đắk Nông: Dân tố doanh nghiệp sản xuất đũa xả thải gây ô môi trường

Trong tâm trạng lo lắng, anh Nguyễn Văn H. cho biết, khoảng một tuần trước, khi đang chuẩn bị máy móc để tưới cà phê thì tôi phát hiện dòng nước đổi màu một cách khác thường. Để tìm hiểu sự việc, tôi đã lội bộ hướng về phía đầu nguồn thì phát hiện nó xuất phát từ khu vực sản xuất của Công ty TNHH MTV Long Huy Hùng Đắk Nông.

“Hàng chục năm qua, nguồn nước ở khe suối này phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho hàng chục hecta cà phê của người dân trong vùng. Thời điểm này, chúng tôi cũng đang tưới nước để cây cà phê kịp bung hoa. Nguồn nước này có ảnh hưởng đến con người và quá trình phát triển của cây trồng hay không là điều chúng tôi đang rất lo lắng”- anh H. nói.

Dòng nước đen ngòm này đang khiến hàng chục hộ dân lo lắng.


Cách rẫy của anh H. khoảng 1km, dòng nước đen ngòm này cũng xuất hiện ở khe suối nằm ở cuối rẫy nhà anh Nguyễn Văn C.. Anh C. cho biết, hiện tượng nước đổi màu này tôi đã bắt gặp nhiều lần, nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng như lần này, nó kéo dài cả tuần rồi mà chưa chấm dứt.

Từ phản ánh của người dân, sáng sớm ngày 28/02, PV đã có mặt tại khu vực sản xuất của Công ty TNHH MTV Long Huy Hùng Đắk Nông (doanh nghiệp đóng chân hoạt động tại Cụm công nghiệp Đắk Ha). Tại đây PV nhận thấy, nguồn nước màu vàng đục từ khu vực sản xuất của công ty này vẫn đang chảy thẳng ra khe khuối.

Bà Trần Thị Hạ cho biết, quá trình xả thải, nguồn nước từ khu vực sản xuất của Công ty TNHH MTV Long Huy Hùng Đắk Nông đã tràn vào ao nuôi cá của gia đình dẫn đến cá chết nổi trắng trên mặt nước. Tôi nghi ngờ, nguồn nước mà doanh nghiệp đã thải ra môi trường chắc chắn có vấn đề.

Ông Hoàng Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ha cho biết, nhận được phán ảnh của người dân, Đoàn liên ngành gồm đại diện các đơn vị: Sở TN-MT, Phòng TN-MT, UBND xã,… đã xuống trực tiếp khu vực xả thải kiểm tra, lấy mẫu nước để đưa phân tích. Trong lúc chờ cơ quan chuyên môn kết luận, Đoàn liên ngành cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Long Huy Hùng Đắk Nông chấm dứt ngay việc xả thải ra môi trường.

Theo tìm hiểu, quá trình hoạt động trên địa bàn, doanh nghiệp này từng bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt về hành vi xả thải vượt các thông số quy định ra môi trường.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam