Thứ sáu, 26/04/2024 05:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/6/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 13/06/2020 06:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/6/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/6/2020.

Các đảo san hô nhỏ có khả năng tự thích ứng với nước biển dâng

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy thủy triều vận chuyển trầm tích có thể giúp các đảo san hô dâng cao hơn mực nước biển và tránh được nguy cơ bị nhấn chìm.

Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo và cả cư dân của nhiều đảo quốc nhỏ như Kiribati và Tuvalu đã nhiều lần cảnh báo rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu, đẩy những nước này trước nguy cơ bị nhấn chìm xuống biển khi nhiệt độ Trái Đất gia tăng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Plymouth (Anh) mới đây cho rằng các hòn đảo nhỏ và nằm thấp dưới mực nước biển rải rác ở Thái Bình Dương và Caribe - vốn bị coi là dễ bị tổn thương nhất bởi hiện tượng Trái Đất nóng lên - có thể thích nghi một cách tự nhiên cũng như tự dâng cao so với mặt biển.

Trong công trình nghiên cứu kéo dài 3 năm, các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi các đảo san hô như Maldives và quần đảo Marshall.

Nghiên cứu cũng lập một mô hình rạn san hô và đảo trong bể thí nghiệm với mực nước dâng cao, đồng thời sử dụng các mô phỏng máy tính để tái hiện cách mà các đảo phản ứng với hiện tượng nước biển dâng cao trong thực tế.

Kết quả cho thấy thủy triều vận chuyển trầm tích để giúp các đảo dâng cao hơn mực nước biển và tránh được nguy cơ bị nhấn chìm.

Hoạt động nạo vét cát san hô và trầm tích của cư dân trên đảo sau đó di chuyển chúng đến các bãi biển cũng có thể hỗ trợ quá trình nâng cao tự nhiên của các hòn đảo.

Ngoài ra, việc thiết kế nhà ở an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu thiên tai bão lũ, như nhà sàn và nhà di động, cũng có thể giúp cư dân trên đảo thích nghi tốt hơn.

Sông Phó Đáy tiếp tục xuất hiện dấu hiệu ô nhiễm

Những người dân sống dọc theo lưu vực sông Phó Đáy đoạn qua huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phản ánh tình trạng dòng sông tiếp tục xuất hiện bọt trắng và có màu lạ sau một thời gian ngắn tạm dừng.

Đầu tháng 5 vừa qua, VOV đã phản ánh tình trạng nước sông Phó Đáy (đoạn qua huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) thường có màu đục, nổi bọt trắng và có mùi hôi khó chịu. Trước thông tin trên, Sở TN&MT Bắc Kạn và các cơ quan chức năng của địa phương đã tiến hành kiểm tra hoạt động của một số cơ sở sản xuất thuộc xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, được cho là nguồn thải gây ô nhiễm. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về vấn đề này thì từ khoảng vài tuần qua, tình trạng ô nhiễm dòng sông lại xuất hiện.

Ông Ma Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Bây giờ cứ khoảng 1-2 ngày bên kia họ lại xả, nước sông lại có màu đen, nhiều bọt trắng. Xã đã báo cáo huyện, huyện thì báo với Sở TN&MT để phối hợp với bên Bắc Kạn".

Thừa Thiên Huế ra “lệnh cấm” chặt ha cây xanh tùy tiện

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành công văn kiểm tra, rà soát chất lượng cây xanh đô thị có nguy cơ gây mất an toàn để có biện pháp xử lý phù hợp.

Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống cây xanh đô thị, khắc phục tình trạng cây xanh gãy, đổ gây mất an toàn, nguy hiểm cho tính mạng con người, tài sản của nhà nước và nhân dân, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị (bao gồm cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng) trên địa bàn, hạn chế tối đa tình trạng cây gãy, đổ mất an toàn.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị tiến hành kiểm tra, rà soát chất lượng cây xanh đô thị, cây bóng mát (nhất là cây cổ thụ, cây lớn, cây bị bệnh, ...) có nguy cơ gây mất an toàn để có biện pháp xử lý phù hợp; thực hiện quy trình cắt tỉa cành, chặt hạ, dịch chuyển cây theo đúng quy định, tránh tình trạng chặt hạ cây tùy tiện; kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện tốt công tác này. Tập trung rà soát hệ thống cây xanh trong trường học, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn để có phương án đảm bảo an toàn phù hợp; xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, quản lý cây xanh thuộc phạm vi cơ quan, đơn vị quản lý; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác này (nhất là trong các trường học, bệnh viện, địa điểm tập trung đông người, ...), đảm bảo an toàn cho con người và tài sản, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng gãy, đổ cây do nguyên nhân chủ quan (Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động rà soát, kiểm tra và chịu trách nhiệm về an toàn cây xanh trong khuôn viên nhà trường). Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị để được hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, đặc biệt chú ý công tác gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để cây không bị nghiêng ngả, gãy, đổ khi có gió lớn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.