Thứ năm, 25/04/2024 12:43 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/1/2020

MTĐT -  Thứ ba, 14/01/2020 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/1/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/1/2020.

8/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL bị mặn xâm nhập sâu

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, tình hình hạn mặn tại ĐBSCL năm nay sẽ cao hơn so với năm 2015-2016, sẽ có 10/13 tỉnh của ĐBSCL bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập. Trong đó, 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Hiện tại, ĐBSCL đã có 8/13 tỉnh, thành bị nước mặn xâm nhập, ranh mặn 4‰ tiếp tục ăn sâu vào đất liền từ 40-67km (cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm). Tại Bến Tre, nước mặn hầu như đã phủ khắp toàn tỉnh, trừ các vùng ngọt hóa.

Tại Vĩnh Long, số liệu đo mặn của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Vĩnh Long tại cống Nàng Âm là 10‰  (đây cũng là độ mặn cao nhất ghi nhận tại trạm này trong đợt xâm nhập mặn lịch sử mùa khô 2015 - 2016). Dự báo trong vài ngày tới, độ mặn còn có thể vượt qua ngưỡng này.

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã đẩy nhanh xây dựng 19 công trình trọng điểm chống mặn xâm nhập. Hiện nay đã có 2/3 công trình đã vượt tiến độ và đưa vào phục vụ cho mùa hạn mặn 2019-2020. Trong đó có 16 công trình hoàn thành sớm tiến độ từ 8-14 tháng. Các công trình này hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 50.000-60.000ha, vùng ảnh hưởng gần 30.000ha đã được điều hòa mặn, ngọt.

Hiện nay, các nhà vườn tại Bến Tre, nhất là ở các huyện trồng nhiều cây ăn trái như Chợ Lách, Châu Thành, TP Bến Tre đã có nhiều giải pháp trữ nước ngọt rất hiệu quả, như mua túi dự trữ nước ngọt, sử dụng bạt lót trong mương trữ nước, xây bồn xi măng…

Tại tỉnh Tiền Giang, ngành nông nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp để tích trữ nước ngọt như điều tiết nước giữa các kênh, chủ động bơm nước ngọt vào trong các kênh, đậy nắp cống, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt các công trình bơm tưới tại các cống. Tại cống Xuân Hòa (Chợ Gạo), cống chính của vùng dự án ngọt hóa Gò Công, Ban Quản lý và đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) đã đầu tư thêm trạm bơm với công suất 18.000m³/giờ. Vì vậy, khi có xâm nhập mặn sẽ cho đóng cửa cống lại. Song song đó, khi thủy triều xuống, mặn giảm sẽ bơm nước ngọt vào kênh để bảo vệ sản xuất cho trên 138.000ha lúa đông xuân, hoa màu, cây ăn trái và trên 536.000 người dân các huyện ven biển.

Tro bụi núi lửa làm tê liệt ở thủ đô Manila, cảnh báo nguy cơ sóng thần

Tro bụi từ núi lửa Taal bao trùm thủ đô Manila của Philippines đã buộc các trường học và cửa hiệu ở thành phố này phải tạm đóng cửa trong ngày 13/1. Các nhà địa chấn học cảnh báo núi lửa Taal có thể tiếp tục phun trào bất kỳ lúc nào, kéo theo nguy cơ xảy ra sóng thần.

Các trường học và cơ quan chính phủ đã đóng cửa theo chỉ thị của chính phủ, trong khi thị trường chứng khoán cũng ngừng giao dịch. Hoạt động hàng không ở sân bay quốc tế thủ đô Manila đã bị gián đoạn một phần, sau khi hơn 500 chuyến bay bị hoãn hoặc hủy trong ngày 12/1. Khẩu trang đã nhanh chóng trở nên đắt hàng sau khi nhà chức trách khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Nhà chức trách cảnh báo nguy cơ sóng thần ở hồ quanh miệng núi lửa nếu ngọn núi này tiếp tục phun trào tro bụi. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 240.000 người sống ở khu vực xung quanh núi lửa Taal đã phải đi sơ tán.

Ở phía Tây Nam núi lửa Taal, bầu trời ở các thành phố Agoncillo và Lemery bao phủ màn khói bụi dày đặc, ảnh hưởng tới hoạt động đi lại của người dân. Thị trưởng Agoncillo, Daniel Reyes cho biết một số ngôi nhà và tòa nhà đã đổ sập khi hứng chịu các lớp tro bụi dày đặc trút xuống.

Tại tỉnh Talisay Batangas ở lân cận, mưa đã biến tro bụi thành bùn. Lực lượng cứu hộ đã phải dùng xe tải để sơ tán người dân ở các cộng đồng dân cư hẻo lánh bị cô lập do mạng lưới điện và nước sinh hoạt bị cắt đứt.

Trước đó, ngày 12/1, núi lửa Taal ở tỉnh Batangas, cách thủ đô Manila khoảng 90 km về phía Nam, đã “thức giấc” khi phun hơi nước và tro bụi cao 1.000 mét vào không trung. Nhà chức trách cũng ghi nhận một số vụ động đất có độ lớn từ 1 đến 3 khiến một số làng gần núi lửa rung lắc nhẹ.

Mưa lớn vẫn không cứu được rừng nước Úc

Ngày 13/1, nhiều vùng bị cháy rừng ở Úc đã đón những trận mưa và giúp nhiệt độ hạ xuống. Tuy nhiên, giới chức nước này cảnh báo rằng các đám cháy lớn vẫn có khả năng tiếp tục bùng lên trong những ngày tới.

 trong các ngày 12 và 13/1, khu vực bờ biển Đông Úc - từ Sydney đến Melbourne - đã xuất hiện những trận mưa lớn. Các trận mưa xối xả cũng xuất hiện ở một số vùng của bang New South Wales (NSW). Giới chức địa phương cho biết những cơn mưa là “vị cứu tinh” cho lính cứu hoả và những khu vực bị thiệt hại do cháy rừng. Tuy nhiên, họ đã đưa ra cảnh báo rằng nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao vào thứ Năm và các đám cháy ở Victoria và NSW có thể lại hợp nhất, tạo nên những đám cháy khổng lồ, dữ dội.

Ông Gladys Berejiklian - Thủ hiến bang NSW, phát biểu vào sáng 13/1: “Đây chưa phải lúc để vui mừng khi có tới hơn 130 đám cháy bùng lên trên cả bang. Những gì diễn ra chỉ là sự hồi phục, điều có thể đảm bảo là người dân đã di dời đến nơi an toàn”.

Tuy nhiên, dù đã tạm thời giảm nhiệt, nhưng khói từ cháy rừng vẫn ở mức rất cao và nguy hiểm. Bảo tàng Quốc gia Úc vẫn đóng cửa để “giảm thiểu mọi rủi ro cho người dân, nhân viên và các tác phẩm nghệ thuật.” Đại học Quốc gia Australia (ANU) cũng tạm ngừng hoạt động. Trên thực tế, Cục Khí tượng bang Victoria vẫn cảnh báo, tầm nhìn ở một số nơi của thành phố Melbourne và khu vực lân cận hiện  vẫn chưa tới 1km.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới