Thứ tư, 24/04/2024 17:37 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/11/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 15/11/2019 09:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/11/2019.

Ban bố tình trạng khẩn cấp tại Venice

Chính phủ Italy ngày 14/11 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Venice sau khi thành phố cổ kính này bị ngập chìm trong đợt thủy triều hiếm thấy.

Trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết sau cuộc họp nội các, Hội đồng bộ trưởng đã nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Venice theo đề nghị của vùng Veneto.

Chính phủ cũng quyết định chi khẩn cấp 20 triệu euro (tương đương 22 triệu USD) cho thành phố Venice cùng các khu vực lân cận bị ảnh hưởng trong trận lụt để có hành động hỗ trợ kịp thời.

Ông Conte cũng cho biết chính phủ đang thảo luận kế hoạch bồi thường cho các cá nhân và chủ doanh nghiệp bị thiệt hại trong trận đại hồng thủy.

Trong tuần này, 2 đợt triều dâng liên tiếp đã nhấn chìm Venice, trong đó đợt triều ngày 12/11 có đỉnh cao tới 1,87 mét, là mức cao nhất kể từ năm 1996. Do ảnh hưởng của triều cường, ít nhất đã có 2 người thiệt mạng và nhiều công trình văn hóa đe dọa bị hư hại.

Thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học do ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Ngày 14/11, chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong bối cảnh bầu không khí tại thành phố này đã ghi nhận mức ô nhiễm nghiêm trọng trong ngày thứ 3 liên tiếp.

Theo Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ (CPCB), chỉ số chất lượng không khí ở thủ đô New Delhi đã vượt quá mức 460 microgram/m3, gấp 9 lần mức an toàn đối với sức khỏe con người theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nhà chức trách đã khuyến cáo người dân tránh các hoạt động thể dục ngoài trời.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi, vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm do ảnh hưởng của luồng không khí lạnh cùng với những cơn gió nhẹ bao trùm khu vực.

Thêm vào đó, hoạt động đốt rơm rạ của người nông dân cũng là yếu tố không nhỏ gây nên tình trạng này.

Để hạn chế các nguồn gây ô nhiễm không khí, chính quyền thủ đô New Delhi đã hạn chế việc sử dụng xe tư nhân của người dân thủ đô cho đến ngày 15/11 thông qua quy định luân phiên theo biển số chẵn-lẻ; cấm người nông dân đốt rơm rạ, tạm thời cấm các hoạt động xây dựng...

F1 sẽ trở thành giải đua không khí thải carbon

Giải đua xe F1 đang chứng kiến những thay đổi lớn. Chỉ một vài tuần sau khi công bố các quy định mới đầy “kịch tính” cho mùa giải 2021, ban tổ chức tiết lộ kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon xuống bằng 0 vào năm 2030.

Đây được coi là một mục tiêu đầy tham vọng cho môn thể thao toàn cầu này, đặc biệt là khi lịch thi đấu năm tới sẽ khá căng, với 22 ngày đua vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, các nhà tổ chức giải đua F1 cho rằng sự kết hợp của việc giảm khí thải carbon, các tiến bộ công nghệ, sự di chuyển hiệu quả cùng với việc 100% văn phòng và các nhà máy được cung cấp năng lượng tái tạo, sẽ đóng góp vào thành công của kế hoạch.

Cần nói rõ rằng, đây không đơn thuần chỉ là việc trồng thêm một ít cây xanh, để giảm bớt tác động từ khí thải của động cơ xe, mà là sự thay đổi toàn bộ phương thức kinh doanh của F1.

Hệ thống động cơ hybrid hiện tại của F1 thực sự rất hiệu quả. Nó cung cấp năng lượng nhiều hơn trong khi sử dụng ít nhiên liệu hơn bất kỳ chiếc xe nào khác. Mặc dù vậy, theo như tuyên bố mới nhất của ban tổ chức, mục tiêu đặt ra là sử dụng các loại nhiên liệu mang tính bền vững và hệ thống tái tạo năng lượng để không phát thải carbon.

Tại nhiều nơi, các nhà tổ chức đang đặt mục tiêu: mỗi sự kiện diễn ra từ năm 2025 đều sẽ mang tính chất bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải loại bỏ nhựa sử dụng một lần và tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy tất cả các loại rác thải. Cũng sẽ có những sáng kiến để giúp người hâm mộ tham gia cổ vũ một cách thân thiện với môi trường hơn, cũng như tác động mạnh hơn tới các doanh nghiệp địa phương.

Báo động tình trạng sạt lở bờ sông Tiền

Từ đầu năm 2019 đến nay, bờ sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp xảy ra sạt lở tại 12 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố: huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông, thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Sạt lở bờ sông làm chết 1 người, chiều dài sạt lở 15,8 km, diện tích sạt lở 2,25 ha.

Ông Lê Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài việc sạt lở bờ sông Tiền, gần đây, tình trạng sạt lở ở một số sông, kênh rạch nội đồng xảy ra nhiều hơn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Thanh Bình và Lai Vung với tổng chiều dài sạt lở hơn 3.000 mét, diện tích sạt lở hơn 8.000 m2; sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp 35 hộ dân, hiện 24 hộ dân đã di dời đến nơi ở an toàn, ước thiệt hại do sạt lở gây ra hơn 3 tỉ đồng.

Theo ông Lê Văn Hùng, nguyên nhân sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

Ngoài ra, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động của con người như: Xây dựng các công trình trái phép; neo đậu bè cá và nuôi thủy sản... Tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn cũng có những tác động đến quá trình sạt lở.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.