Thứ sáu, 29/03/2024 00:48 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/12/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 15/12/2019 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/12/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/12/2019.

Nhà máy cồn gây ô nhiễm, tỉnh yêu cầu làm giấy phép xả thải

Ngày 14/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sau cuộc họp xử lý các tồn tại của Nhà máy cồn ethanol Đại Tân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có kết luận liên quan đến việc xả thải tại nhà máy này.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu chủ nhà máy là Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm tiếp tục khắc phục các tồn tại theo yêu cầu của đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên Môi trường.

Ông Thanh yêu cầu nhà máy cồn Đại Tân phải khẩn trương làm việc với Sở TNMT và UBND huyện Đại Lộc để lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép xả nước thải. “Nhà máy chỉ được hoạt động trở lại khi được cấp giấy phép xả nước thải”, kết luận nêu rõ.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu doanh nghiệp này phải nghiên cứu và triển khai các công trình, biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động lâu dài của nhà máy, để nhân dân giám sát hoạt động.

Nhà máy cồn Đại Tân xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Chung Nguyễn.

Đối với UBND huyện Đại Lộc, Chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị địa phương chủ động khảo sát vị trí di dời dân tại khu vực Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân.

Trao đổi với Zing.vn ngày 14/12, ông Phạm Văn Tĩnh, Phó giám đốc Nhà máy cồn Đại Tân, cho biết công ty đã nộp hồ sơ, xin giấy phép xả thải đến UBND huyện Đại Lộc từ lâu nhưng chưa được cấp phép. “Hiện tại, Sở TNMT đang chờ ý kiến từ huyện Đại Lộc, tuy nhiên địa phương lại chưa có ý kiến nên sở chưa cấp giấy phép”, ông Tĩnh nói.
Trước đó, từ ngày 18/9, người dân địa phương phát hiện mùi hôi phát ra từ nhà máy cồn Đại Tân. Sau đó, họ dựng lều trước cổng nhà máy để chặn các xe vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm, yêu cầu nhà máy làm rõ vụ việc.

Đại diện nhà máy cồn Đại Tân xác nhận mùi hôi xuất hiện do sự cố tràn dầu fusel trong quá trình sản xuất.

Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Quảng Nam đã lấy 2 mẫu nước tại khu vực để xét nghiệm. Kết quả cho thấy 3/8 thông số vượt quá quy chuẩn, trong đó chỉ số BOD5 (lượng oxy cần thiết của 5 ngày đầu ở nhiệt độ 20ºC trong buồng tối để tránh ảnh hưởng các quá trình quang hợp) vượt 4,2 lần.

Chỉ số COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước, bao gồm cả vô cơ, hữu cơ) vượt 19,3 lần. Chỉ số về dầu mỡ khoáng vượt 1,6 lần. Còn các chỉ số của mẫu nước thải lấy tại cống xả ra môi trường và hai mẫu không khí đều nằm trong quy chuẩn.

Phân loại, thu gom, tái chế vỏ hộp giấy tại 800 trường tiểu học

Ngày 14/12, Công ty Tetra Pak đã khởi động chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường tiểu học thuộc 16 quận, huyện thành phố Hà Nội, đưa tổng số trường học tham gia chương trình năm 2019 lên ơn 1.400 trường tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Bên cạnh việc phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại trường học, chương trình cũng đặt mục tiêu giáo dục và khuyến khích học sinh và phụ huynh phân loại vỏ hộp giấy đựng sữa và các đồ uống khác tại gia đình để giảm lượng rác thải và hạn chế xả rác ra môi trường.

Phát biểu khai mạc, bà Ann Mawe, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, dân số thế giới sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050, điều đó làm gia tăng sự căng thẳng về tài nguyên. Trong khi đó, lượng rác thải xả ra môi trường ngày càng nhiều, riêng thủ đô Hà Nội có 10.000 rác thải rắn được xả ra mỗi ngày. Phương pháp xử lý hiện nay phổ biến là chôn lấp. Tuy nhiên, phương pháp này không tạo ra hiệu quả về mặt kinh tế và diện tích các bãi rác ở tại Hà Nội cũng như Hồ Chí Minh đang ngày càng trở nên thu hẹp lại.

Đại điện các đơn vị khởi động chương trình

“Để đối mặt với những thách thức này, chúng ta cần phải sử dụng rác thải một cách hiệu quả. Tôi hi vọng chúng ta có thể chung tay để biến rác thải thành nguồn tài nguyên thông qua việc phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa học đường”, bà Mawe chia sẻ thêm.
Ông Anders Gustafsson, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Tetra Pak Việt Nam nhấn mạnh: “Mục tiêu lớn nhất của những nỗ lực này là hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon. Bên cạnh đó là lan tỏa, hình thành thói quen thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp giấy dựng đồ uống tại gia đình, từ đó mang đến một vòng đời mới”.

Ngoài ra, Tetra Pak cũng đặt mục tiêu giới thiệu vỏ hộp giấy được làm 100% từ vật liệu có nguồn gốc thực vật vào năm 2022 và hướng tới việc toàn bộ vỏ hộp giấy đựng đồ uống sẽ được thu gom để tái chế.

Tham gia chương trình, các em được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được công ty Lagom thu gom định kỳ 2 tuần/lần và chuyển đến Nhà máy giấy Đồng Tiến để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm phẳng và tấm lợp sinh thái.

Tại buổi lễ cũng diễn ra triển lãm về hành trình bền vững của vỏ hộp giấy đựng đồ uống từ khâu khai thác nguyên liệu, sản xuất cho đến khi được tái chế thành các sản phẩm thiết thực.

Bên cạnh đó là các hoạt động sôi nổi khác dành cho giới trẻ diễn ra trong hai ngày 14 và 15/12, khách tham quan khi mang 100 vỏ hộp giấy đựng đồ uống tới sự kiện được đổi lấy một cây xanh. Các hoạt động này đã thu hút hàng ngàn lượt người tham gia và truyền tải rộng rãi thông điệp thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng của chương trình.

Chương trình được triển khai với sự hợp tác của các sở Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, công ty hàng đầu về cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm – Tetra Pak, Công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk, Nhà máy Giấy Đồng Tiến, Công ty Lagom, doanh nghiệp xã hội – NHC và 800 trường tiểu học ở 16 quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội.

Khó khăn trong thu gom rác thải sinh hoạt ở Đồng Tháp

Cách trung tâm TP Cao Lãnh chưa đầy ba cây số, nhưng nhiều năm qua, xã Mỹ Trà với hơn 1.100 hộ dân vẫn mòn mỏi chờ được thu gom rác thải sinh hoạt. Trong tổng số bảy tuyến đường mà hiện nay xe rác chưa đến thu gom rác thì có đến sáu tuyến đường có tỷ lệ 100% hộ gia đình đăng ký thu gom rác với giá theo quy định là mỗi hộ 30.000 đồng/tháng nhưng vẫn không được thu gom. Gia đình bà Phan Thị Hà, ấp 1, xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh có năm thành viên. Dù là hộ cận nghèo nhưng khi biết địa phương lập danh sách thu gom rác trên tuyến đường mình sinh sống, bà đã đăng ký với mong muốn hằng ngày có xe đến thu gom rác. “Ba chục ngàn đóng phí thu gom rác mỗi tháng thấy cũng ngán, nhưng muốn nhà cửa sạch sẽ, không phải bất tiện chở rác đi xa đổ nên tôi đăng ký dịch vụ thu gom rác, vậy mà đến nay chưa có xe đến lấy rác”, bà Phan Thị Hà bức xúc nói. Không có xe đến thu gom rác, người dân sống dọc các tuyến đường nông thôn của xã Mỹ Trà chỉ còn cách tự dùng xe nhà chở rác đi bỏ một nơi khác hoặc vứt thẳng xuống kênh, sông gần nhà, dù biết như vậy dễ gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, chính quyền xã Mỹ Trà đã nhiều lần mời dân họp, đến từng hộ dân để vận động, lập danh sách đăng ký, nhưng đơn vị thu gom rác không đồng ý với lý do đường khó, xe chở rác chuyên dụng không vào được, và khó khăn về nhân lực. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trà Nguyễn Văn Việt cho biết: Nguyên nhân khiến Xí nghiệp Dịch vụ môi trường đô thị TP Cao Lãnh không mặn mà việc thu gom rác tại nhiều tuyến đường trên địa bàn xã là vì đơn vị này thấy không có lời do tốn chi phí thuê nhân công, đầu tư xe nhỏ,... Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) TP Cao Lãnh Lê Gia Vy: UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các xã chủ động phối hợp đơn vị thu gom rác để tiến hành thu gom tại nhà của các hộ dân. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác của các hộ dân khu vực nông thôn bảy xã đã đăng ký chỉ đạt khoảng 30%.

Không có xe thu gom rác, nhiều hộ dân khu vực nông thôn ở TP Cao Lãnh mang rác ra vứt ven đường.

Không chỉ ở Mỹ Trà, nhiều huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng gặp khó khăn trong thu gom rác thải sinh hoạt. Theo Phòng TN và MT huyện Tháp Mười, lượng rác thải nông thôn trên địa bàn huyện hiện nay được thu gom xử lý là 30%, còn lại được người dân tự thu gom xử lý như: đào hố chôn lấp, tái sử dụng,… Trưởng phòng TN và MT huyện Tháp Mười Lê Minh Sơn cho biết: Một trong những hạn chế trong việc thu gom rác thải tại nhà dân là năng lực của đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác còn yếu. Mặt khác, một số tuyến đường giao thông ở khu vực nông thôn không bảo đảm cho xe chuyên dụng thu gom rác lưu thông mà phải có các xe trung chuyển thô sơ và các điểm tập kết thùng chứa rác thải.

Theo Sở TN và MT tỉnh Đồng Tháp, ước tính khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 480 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ được thu gom, xử lý khoảng 40% (chủ yếu từ các cụm tuyến dân cư, các chợ tập trung của xã hoặc trên các tuyến đường lớn). Lượng rác còn lại chưa được thu gom, người dân tự xử lý bằng cách chôn, đốt hoặc thải trực tiếp ra kênh, rạch hoặc các khu đất trống. Hiện, có 11 trong số 12 huyện, thị xã, thành phố thực hiện xã hội hóa công tác thu gom rác thải. Tỉnh quan tâm thành lập, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, nhất là các mô hình hoạt động có hiệu quả trên địa bàn, đã hình thành và duy trì hoạt động 144 tổ tự quản vệ sinh môi trường tại 144 xã, phường, thị trấn. Hằng năm, các đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như hỗ trợ xe thu gom rác thải sinh hoạt, thùng rác tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại các hộ dân vùng nông thôn vẫn còn gặp khó khăn. Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Phạm Việt Thắng cho biết, nguồn thu ngân sách tỉnh hạn chế nên kinh phí đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải không nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, hiện nay chưa có cơ chế hỗ trợ công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chưa tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Trước những khó khăn trong thu gom rác thải sinh hoạt, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đề ra nhiều giải pháp “gỡ” khó. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trà Nguyễn Văn Việt cho biết: Sắp tới địa phương tiếp tục làm việc với Xí nghiệp Dịch vụ môi trường đô thị TP Cao Lãnh về vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt nhà dân. Nếu tuyến đường nào mà xí nghiệp không đồng ý thu gom rác, đầu năm 2020, địa phương sẽ vận động cử một người dân đứng ra thu gom rác và vận chuyển ra điểm tập kết rác.

Trong khi đó, UBND thành phố Cao Lãnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND xã, phường chủ động trong việc phối hợp các đơn vị để tổ chức thu gom rác cho các hộ dân. Đối với những khu vực khó khăn, UBND thành phố tiếp tục rà soát để đầu tư hạ tầng giao thông. Sở TN và MT phối hợp Sở Xây dựng tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn đến năm 2025. Trong đó, mở rộng mạng lưới thu gom để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải vùng nông thôn. Nghiên cứu thực hiện các mô hình thu gom, xử lý rác thải cho các vùng nông thôn phù hợp điều kiện địa phương và giải pháp để tăng cường sự tham gia của cộng đồng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.