Thứ sáu, 26/04/2024 04:26 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/5/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 01/05/2020 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/5/2020.

Đập thủy điện xả lũ, một học sinh lớp 12 bị cuốn trôi khi tắm sông

Tối ngày 30/4, lực lượng cứu hộ, cứu nạn thuộc Công an tỉnh Bình Phước cho biết vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thi thể của em Nguyễn Thanh Tú (18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) bị nước cuốn trôi mất tích khi đang tắm sông cùng các bạn vào chiều cùng ngày.

Thông tin ban đầu, chiều 30/4 nhóm hơn 10 em học sinh rủ nhau đến chân cầu Sông Bé để tắm sông, chụp hình và ngắm cảnh.

Trong lúc các em học sinh này đang tắm thì nước trên Sông Bé dâng lên đột ngột do đập thủy điện xả lũ. Một số học sinh đang chơi gần bờ thì nhanh chân chạy thoát, 3 học sinh ở xa bờ nên bị nước cuốn trôi.

Khu vực nơi em học sinh này bị nước cuốn trôi. Ảnh: Báo Công Lý

Thấy bạn bị nạn, các học sinh trên bờ liền tìm cách cứu. Tuy nhiên, do dưới dòng nước có nhiều tảng đá trơn, nhọn và nước sông dâng lên mỗi lúc một nhanh nên các em chỉ kéo được 2 người bạn. Còn em Tú thì bị nước cuốn trôi ra giữa dòng, mất tích.

Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Lộc Ninh, Công an tỉnh Bình Phước đã điều động 2 xe chuyên dụng cùng 17 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng xuống hiện trường, tham gia tìm kiếm người mất tích.

Tuy nhiên, do dòng Sông Bé nước sâu, đáy sông có địa hình hiểm trở nên việc tìm kiếm đã gặp không ít khó khăn. Sau gần 4 giờ đồng hồ nỗ lực, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy thi thể của em Tú.

Khu vực dưới cầu Sông Bé là một trong những nơi có địa hình nguy hiểm. Tuy nhiên vào những ngày nắng nóng, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ luôn thu hút số lượng lớn người dân, đặc biệt là giới trẻ, thanh thiếu thiên đến vui chơi, bơi lội mà không lường trước được những hiểm nguy đang rình rập.

Sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường

Lĩnh vực hoạt động sản xuất chính của cơ sở này là thu mua nguyên liệu tre, nứa, vầu,… của người dân để mỗi năm sản xuất khoảng 1.800 tấn giấy đế, giấy vàng mã. Quá trình sản xuất thời gian qua, xí nghiệp sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại, nhưng quy trình xử lý nước thải chưa được bảo đảm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kiểm tra tại hiện trường, đầu ra của hai đường ống xả thải của Xí nghiệp Giấy An Lạc có đường kính gần 20 cm, dài khoảng 200 m được đặt sát lòng suối Làng Mường. Mỗi khi vận hành sản xuất, nhiều khối nước thải mầu vàng chảy ra từ hai ống ngầm, bốc mùi hôi nồng nặc.

Bà Nguyễn Thị Hậu, ở xã Yên Thái (huyện Văn Yên), chia sẻ: "Tôi đến nhà con gái ở xã Tô Mậu để trông cháu nhưng chẳng hôm nào hai bà cháu được ngủ yên giấc. Bởi xí nghiệp này sản xuất giấy suốt ngày, suốt đêm, tiếng ồn phát ra đinh tai, nhức óc. Không chỉ có gia đình tôi mà nhiều người già, cháu nhỏ ở đây cũng bị "tra tấn" bởi tiếng ồn. Nước thải nhà máy xả ra môi trường có mầu vàng, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Những hôm thời tiết oi nồng hay gió mùa thì các gia đình phải đóng cửa mới ăn cơm được".

Ðưa tay chỉ những ruộng lúa có nguy cơ mất trắng, ông Nguyễn Xuân Mùi ở xã Tô Mậu, tâm sự: Suối Làng Mường là nguồn nước chính phục vụ sản xuất nông nghiệp của cánh đồng Mường Hạ rộng gần 10 ha thuộc xã Tô Mậu. Biết nguồn nước ô nhiễm do Xí nghiệp Giấy An Lạc thải ra, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng để làm ruộng, trồng trọt, bởi nếu không dùng nguồn nước này thì cũng chẳng tìm đâu ra nguồn nước khác. Không những vậy, mỗi khi xí nghiệp đốt rác thải, mùi rác cháy cộng với mùi lưu huỳnh và nhiều loại hóa chất khác khiến không khí ở đây rất ngột ngạt, khó thở. Thanh niên khỏe mạnh còn đỡ chứ người già, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh viêm phế quản, viêm họng. Không biết có phải do môi trường ô nhiễm hay không mà một số người đã bị ung thư phổi, ung thư vòm họng…

Người dân trong xã nhiều lần phản ánh về tình trạng này đến lãnh đạo xã Tô Mậu qua những lần tiếp dân; hoặc các kỳ họp tiếp xúc cử tri, nhưng không thấy chuyển biến gì. Ðại diện lãnh đạo xí nghiệp cũng nhiều lần hứa sẽ khắc phục tình trạng này, nhưng việc xả thải trái phép, đốt rác vẫn tiếp diễn.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tô Mậu Hoàng Văn Hóa cho biết: Lãnh đạo UBND xã đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của Xí nghiệp Giấy An Lạc. Vào cuối năm 2019, đại diện các ban, ngành và đoàn thể UBND xã làm việc với lãnh đạo xí nghiệp để giải quyết kiến nghị của người dân. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo xí nghiệp cam kết chỉ xả thải mỗi tuần hai lần do hệ thống xử lý nước thải của đơn vị chưa bảo đảm; đồng thời, đề nghị người dân không lấy nước vào ruộng lúa trong thời gian đơn vị xả thải…

Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Vũ Văn Tỉnh thông tin thêm: Ðầu năm 2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã kiểm tra Xí nghiệp Giấy An Lạc và lập biên bản xử phạt về hành vi xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, Thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt hành chính Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn số tiền 315 triệu đồng, trong đó có cả việc Xí nghiệp Giấy An Lạc gây ô nhiễm môi trường.

Việc Xí nghiệp Giấy An Lạc xả thải trái phép, chưa qua xử lý ra suối Làng Mường gây ô nhiễm môi trường đã rõ. Tuy nhiên, không hiểu sao đến nay các cấp chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Ðề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm chấn chỉnh hoạt động sản xuất của xí nghiệp này, cũng như một số cơ sở khác trên địa bàn đang gây ô nhiễm môi trường.

Xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, UBND tỉnh An Giang đã triển khai, đề ra nhiệm vụ, xây dựng lộ trình xử lý ô nhiễm môi trường. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ sở liên quan tổ chức thực hiện lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Hàng năm, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Sở TN&MT tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, báo cáo tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ xử lý.

Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang Tô Hoàng Môn cho biết, năm 2019, tỉnh đã xử lý hoàn thành 6/9 bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: bãi rác Bình Đức (TP. Long Xuyên) giai đoạn 1, 2; bãi rác kênh 4 (TP. Châu Đốc); bãi rác thị trấn Long bình, thị trấn An Phú (An Phú); bãi rác thị trấn Cái Dầu (Châu Phú) và bãi rác thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân). Hoàn thành xử lý rác thải tại 9/9 bệnh viện, trong đó 8 bệnh viện thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý chất thải, 1 bệnh viện thực hiện di dời và đầu tư mới hệ thống xử lý chất thải rắn. Qua đó đã giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do các bãi rác và bệnh viện gây ra.

Bãi rác Bình Đức trước và sau khi xử lý ô nhiễm môi trường

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang Trần Minh Tâm, công ty đã hoàn thành dự án xử lý triệt để môi trường bãi rác Bình Đức theo chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, đã xử lý 379.000 tấn rác thải từ năm 1983 đến 2016. Hoàn thành, đưa vào sử dụng bãi rác Kênh 10 (TP. Châu Đốc), Nhà máy đốt rác huyện Thoại Sơn (công suất 50 tấn/ngày), lò đốt rác xã Vĩnh Gia (công suất 12 tấn/ngày); đang thi công Nhà máy đốt rác huyện Chợ Mới (công suất 100 tấn/ngày).

Sở TN&MT An Giang đã thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, qua đó kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đề xuất xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh. Tuy nhiên, quá trình triển khai xử lý chưa triệt để do tỉnh chưa đầu tư xây dựng kịp thời và đồng bộ các khu xử lý rác mới. Trong khi lượng rác phát sinh nhiều, mặt bằng chật hẹp, công nhệ xử lý phải điều chỉnh nhiều lần...

Vì vậy, các bãi rác này vẫn phải tiếp tục nhận rác hàng ngày, nên để xử lý triệt để hết lượng rác này phải điều chỉnh dự án nhiều lần. Một số dự án chậm tiến độ như 3 bãi rác thị trấn Chợ Mới (Chợ Mới), thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), bãi rác TX. Tân Châu do kinh phí thực hiện chưa đảm bảo so lúc phê duyệt dự án, nên còn ô nhiễm, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh thực hiện dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 3 bãi rác còn lại gồm: bãi rác phường Long Phú (TX. Tân Châu), thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), thị trấn Chợ Mới (Chợ Mới), với tổng khối lượng rác cần xử lý 105.654m3, tổng nhu cầu vốn 60,7 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (đã được phê duyệt năm 2016 với tổng nức đầu tư hơn 39 tỷ đồng).

Theo Sở TN&MT An Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 1.128 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 505 tấn/ngày (chiếm 44,8%) và khu vực nông thôn 623 tấn/ngày (chiếm 55,2%). Tỉnh đã mở rộng thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại 153/156 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh thu gom chất thải rắn sinh hoạt được khoảng 718 tấn/ngày (đạt 64,3%), trong đó Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang thu gom 725 tấn/ngày, các tổ tự quản thu gom của xã thu gom khoảng 28 tấn/ngày. Lượng rác còn lại chủ yếu ở vùng sâu, cù lao... được người dân tự xử lý tại gia đình như: chôn, đốt... hoặc thải ra môi trường.

Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn tỉnh xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 cụm xử lý tập trung của tỉnh và chôn lấp không hợp vệ sinh tại các bãi rác tập trung của huyện, các bãi rác phân tán.

Theo Sở TN&MT, toàn tỉnh có 3 bãi rác được thiết kế chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý rác tập trung ở các huyện: Châu Thành, Phú Tân và TP. Châu Đốc. Còn lại 33 bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường và cần phải đóng cửa để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Tỉnh đang tập trung các giải pháp để khắc phục, xử lý và tiến tới đóng cửa hoàn toàn các bãi rác gây ô nhiễm này.

Quảng Bình xảy ra động đất mạnh 3,6 độ Richter, nhiều nơi rung chấn

Sáng 30/4, Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Quảng Bình cho biết đã nhận thông tin từ Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên (đặt tại Đà Nẵng) ghi nhận được một trận động đất tại Quảng Trạch.

Theo ghi nhận, động đất mạnh 3,6 độ Richter ở độ sâu 8,4 km, xảy ra lúc 00 giờ 24 phút 26 giây tại tọa độ 17.790N-106.400E. Do xảy ra ở độ sâu lớn nên dư chấn trên bề mặt đã giảm nhẹ, cấp độ rủi ro thiên tai là 0. Ông Nguyễn Ngọc Phụng cũng cho biết đơn vị đang rà soát lại để xem có thiệt hại hay không.

Bản đồ tâm chấn động đất tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu.

Viện vật lý địa cầu đánh giá các rung lắc lan truyền đến nhiều khu vực lân cận ở phía nam của Quảng Trạch như TX.Ba Đồn, H.Bố Trạch và một số địa bàn ở phía bắc TP.Đồng Hới cũng xảy ra hiện tượng đất bị rung chấn mạnh trong vòng khoảng 5 giây, có nhiều nơi còn xuất hiện tiếng nổ lớn.

Đây là lần đầu tiên Quảng Bình xảy ra động đất. Hiện tỉnh này cũng chưa có trạm quan trắc động đất nên cũng không có cách nào kiểm tra được độ rung chấn cũng như dự báo hiện tượng này.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.