Thứ bảy, 20/04/2024 12:58 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/11/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 17/11/2019 08:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/11/2019.

Triều cường Venice đạt mức đỉnh mới, quảng trường Saint Marc đóng cửa

Thành phố du lịch Venice nổi tiếng bậc nhất thế giới hôm 15/11 một lần nữa phải chứng kiến mức kỷ lục mới về triều cường.

Tình hình này xảy ra chỉ 3 ngày sau đợt lũ đỉnh điểm hôm 12/11 khiến Chính phủ Italy phải ban bố sắc lệnh tình trạng thiên tai khẩn cấp.

Quảng trường Saint Marc đã phải đóng cửa, trong khi các bảo tàng và nhà hát cũng không thể hoạt động trở lại vào ngày hôm qua như kế hoạch.

Sau một ngày nước rút, hôm 15/11, thị trưởng Venice Luigi Brugnaro, đã phải ra lệnh đóng cửa quảng trường Saint Marc nhằm tránh nguy cơ về sức khỏe cộng đồng, đồng thời gọi những gì mà thành phố đang trải qua là “một thảm họa”.

Nhà lãnh đạo này đồng thời thông báo mở một tài khoản ngân hàng để kêu gọi sự ủng hộ của tất cả những người, cả ở trong và ngoài nước, muốn tham gia vào việc sửa chữa các công trình bị hư hại do nước lũ.

Sau khi rút xuống dưới 1m một ngày trước đó, triều cường hôm 15/11 đã dâng lên 1m54, trong khi mưa lớn và gió mạnh dự báo sẽ còn tiếp tục tại khu vực. Cũng giống như nhiều công trình văn hóa khác tại Venice, viện bảo tàng Guggenheim dự kiến mở cửa lại trong ngày hôm qua đã buộc phải thay đổi kế hoạch do điều kiện thời tiết diễn biến xấu, trong khi các trường học tiếp tục phải cho học sinh nghỉ học.

Con đường duy nhất đến ga xe lửa Venice cũng bị ngập với độ sâu hơn 20cm. Vì vậy, hành khách phải vào và rời nhà ga qua những cây cầu tạm.

Triều cường dân cao cũng ảnh hưởng đến lịch trình của nhiều khách du lịch: “Khách sạn mà tôi đang ở đã bị ngập. Những ngày qua, chúng tôi đã cùng nhau dọn nước, song mực nước vẫn còn quá cao. Vì vậy, tôi đã quyết định rời đi”. 

Trước đó hôm 12/11, thành phố đã phải chứng kiến triều cường dâng cao nhất trong hơn 50 năm trở lại đây (1m87). Đây là kỷ lục thứ 2 sau mức 1m94 của năm 1966. Do ảnh hưởng của triều cường, ít nhất 2 người đã thiệt mạng và nhiều công trình văn hóa có nguy cơ bị hư hại.

Tìm kiếm giải pháp quản lý rác thải rắn tại lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn

Tại thành phố Hội An, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Nước quốc tế Stockholm (SIWI) cùng các đối tác tổ chức hội thảo "Xây dựng nền tảng quản lý từ nguồn tới biển: Xử lý rác thải rắn tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Việt Nam" nhằm tìm kiếm giải pháp quản lý rác thải rắn, giảm thiểu tác động môi trường.

Bà Ruth Mathews, đại diện SIWI cho biết: Thông qua việc giới thiệu phương pháp tiếp cận từ đầu nguồn tới biển (S2S) và lợi ích của việc áp dụng quản lý S2S để giải quyết các vấn đề cấp bách trong quản lý giữa lưu vực sông và vùng biển, Hội thảo chia sẻ nhiều thông tin về hiện trạng các vấn đề liên quan đến rác thải ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam. Điều này giúp cho việc xác định các cơ hội, đề xuất các biện pháp và áp dụng cách tiếp cận quản lý môi trường từ đầu nguồn tới biển (S2S) một cách phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, rác thải rắn trong hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, hệ thống sông lớn nhất tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có lưu vực sông lớn thứ 9 tại Việt Nam, được xem là hệ thống sông lớn nhất tại khu vực miền Trung Việt Nam, đổ ra Biển Đông từ cửa Hội An. Việc sử dụng đất và nguồn nước ở thượng nguồn có tác động lớn đến môi trường ở vùng hạ lưu ven sông và ven biển. Việc đặt vấn đề quản lý, xử lý rác thải rắn tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn với nỗ lực lồng ghép quản lý tài nguyên đất, sông và biển sẽ giúp các bên liên quan ở thượng nguồn và hạ lưu cùng nhau điều phối, chia sẻ trách nhiệm để đi đến giải pháp phù hợp, giải quyết những thách thức về vấn đề rác thải rắn, rác thải nhựa và xử lý rác có hiệu quả đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

14 loại phế liệu bị dừng tạm nhập tái xuất tại Việt Nam

14 loại phế liệu có nguy cơ cao gây ô nhiễm sẽ không được kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu tại Việt Nam trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024.

Nhằm tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg để ngăn chặn nguy cơ ách tắc tại cảng và phát sinh gian lận thương mại, thẩm lậu vào thị trường nội địa trong bối cảnh các nước trong khu vực tiếp tục siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, ngày 15/11/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 27/2019/TT-BCT quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

Theo đó, 14 loại phế liệu như: Giấy bìa loại thải, tơ tằm phế liệu, vải vụn, thủy tinh vụn, mảnh vụn đồng, nhôm, niken… sẽ không được nhập khẩu về các cảng cửa khẩu của Việt Nam. 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2024.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ