Thứ bảy, 20/04/2024 13:54 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/7/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 17/07/2020 06:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/7/2020.

Mưa lũ hoành hành tại Ấn Độ và Indonesia

Ngập lụt trong mùa mưa tại Ấn Độ đang tàn phá nhiều khu vực rộng lớn thuộc các bang miền đông nước này. Dù nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ vẫn rất cao nhưng hơn một triệu người dân vẫn phải tới các địa điểm tạm trú để bảo vệ tính mạng trước thiên tai.

Mưa lũ xuất hiện vào đúng thời điểm quốc gia Nam Á này chuẩn bị cán mốc một triệu ca mắc Covid-19. Trong 24 giờ qua, tại các bang Assam, Bihar và Jharkhand, mưa lớn đã nhấn chìm hàng nghìn ngôi làng. Đến nay, ba bang này ghi nhận ít nhất 10 người tử vong và 70 người khác bị thương do mưa lũ. Các nhà chức trách Ấn Độ đang phải giải quyết hai bài toán cùng một lúc, đó là bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân và bảo đảm giãn cách xã hội tại các trung tâm sơ tán.

Giới chức Ấn Độ cho biết, nhiều khu vực thuộc Vườn quốc gia Kaziranga tại bang Assam đã chìm trong nước mưa. Ít nhất 50 động vật hoang dã đã chết, một số cá thể tê giác đã đi lạc vào làng. Vườn quốc gia Kaziranga, ngôi nhà của 2/3 cá thể tê giác một sừng trên thế giới, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Mưa lũ cũng đang gây nhiều thiệt hại tại Indonesia. Tân Hoa xã dẫn lời người đứng đầu huyện Luwu Utara, tỉnh South Sulawesi, bà Indah Putri Indriani hôm nay cho biết, số người chết do lũ quét tại huyện này đã lên tới 24. Ngoài ra, 69 người khác đang mất tích.

Trang Detik.com dẫn lời bà Indriani cho hay, hiện có 39 trung tâm dành cho người di dời. Trong đó, có các trung tâm nằm trong khu vực đồi núi, vốn chỉ có thể đến bằng xe hai bánh dùng để vận chuyển hàng tiếp tế. Bà Indriani cho biết, do nhiều cây cầu đã bị hư hại cho nên lực lượng cứu nạn đang tìm kiếm tuyến đường khác để tiếp cận khu vực vùng núi.

Nga: Khói mù do cháy rùng bao phủ các thành phố vùng Siberia

Ngày 16/7, khói mù từ các đám cháy rừng đã bao trùm nhiều thành phố ở vùng Siberia, trong lúc hàng trăm lính cứu hỏa và tình nguyện viên đang nỗ lực ngăn chặn ngọn lửa tới gần khu dân cư.

Giới chức địa phương khẳng định khoanh vùng được ngọn lửa, song do gió đổi hướng nên khói mù đã lan vào khu vực thành phố. Nhiều hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy hàng loạt khu dân cư chìm trong màn sương mù trắng, trong đó thành phố Yakutsk với hơn 300.000 dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Nhà chức trách khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và hạn chế tập thể dục ngoài trời để tránh bị ảnh hưởng bởi khói mù. Lực lượng chức năng cho biết đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra ở phía Bắc Siberia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn trong năm nay.

Tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

Ngày 16/7, tại Đà Nẵng, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo tập huấn kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal.

Tham dự có đại diện Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, các Cục Hải quan địa phương và đại diện một số doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, đây là lần đâu hội thảo được tổ chức cho cán bộ hải quan tại khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Mục tiêu nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc nhận biết, kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu đối với các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn kể từ tháng 01 năm 1994. Là một quốc gia thành viên, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromid. Các chất này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.

Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn thực hiện Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cụ thể, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018-2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC thông qua hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, triển khai các hoạt động phối hợp nhằm tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC, nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ