Thứ sáu, 19/04/2024 14:52 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/8/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 01/08/2020 06:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/8/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/8/2020.

TP.HCM phát hiện nhiều sai sót, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất

Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn, TP.HCM xây dựng quy trình “thủ tục tách thửa nhà-đất” là chưa phù hợp, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất thời điểm năm 2017 còn rất chậm.

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành các thông báo kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật đất đai, thực hiện quy hoạch, đấu thầu tại huyện Hóc Môn và thực hiện dự án Khu dân cư Nhơn Đức (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè).

Qua đó, Thanh tra thành phố phát hiện nhiều sai sót, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Thông báo số 81/TB-TTTP-P3 về việc chấp hành quy định pháp luật đất đai, thực hiện quy hoạch, đấu thầu dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Theo Thanh tra thành phố, Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn xây dựng quy trình “thủ tục tách thửa nhà-đất” là chưa phù hợp, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất thời điểm năm 2017 còn rất chậm; trong đó, có 82% hồ sơ trễ hạn, số ngày trễ nhiều nhất từ 100-244 ngày.

Tương tự, Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn giải quyết hồ sơ tách thửa đất thời điểm năm 2017 còn rất chậm, 100% hồ sơ trễ hạn, số ngày trễ nhiều nhất từ 100-323 ngày.

Tại Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn (gọi tắt là Ban quản lý), Thanh tra thành phố kết luận Ban Quản lý không thực hiện việc đăng tải thông tin mời thầu trên trang hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà giao các công ty tư vấn lựa chọn nhà thầu thực hiện là không đúng về Luật Đấu thầu năm 2013.

Tại dự án Xây dựng trụ sở làm việc Ban Chỉ huy Quân sự xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, mặc dù Ban Quản lý không triển khai thực hiện việc tổ chức đấu thầu và không thanh quyết toán gói thầu “Tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu thiết bị” nhưng vẫn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu là không phù hợp.

Từ những kết luận nêu trên, Chánh Thanh tra thành phố kiến nghị và đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn rà soát quy trình thẩm định nhu cầu, đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa đất để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định pháp luật về đất đai; thực hiện xây dựng quy định về kiểm tra, giám sát về thời gian giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và thời gian giải quyết hồ sơ tách thửa đất để xác định trách nhiệm cụ thể và có chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời; thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục xử lý theo quy định pháp luật.

Huyện tổ chức kiểm điểm đối với tập thể lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình huyện Hóc Môn về sai sót theo phần nội dung kết luận thanh tra; chỉ đạo Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn thực hiện việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các dự án theo đúng quy định pháp luật; thực hiện việc mở thầu, đóng thầu với các thành phần tham dự theo đúng quy định pháp luật.

Làng khát nước mong chờ nhà máy nước

Một dự án xây dựng nhà máy nước sạch trị giá 300 tỷ đồng được khởi công cách đây hơn 2 năm. Nhưng sau đó lại gần như "án binh bất động" giữa lúc hàng trăm hộ dân phải vất vả vô cùng vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Đây là câu chuyện đang diễn ra ở xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Câu hỏi đặt ra là không hiểu vì lý do gì dự án giải quyết nhu cầu thiết yếu như vậy lại chậm triển khai?

Tuần 3 lần phải chạy xe máy đi mua nước sạch ở xã khác về dùng. Đó là cách nhiều gia đình ở xã Tượng Văn phải làm để có đủ nước sạch trong những ngày nắng nóng. Đại diện một gia đình cho biết, gọi là nước sạch nhưng cũng chỉ là nước giếng khoan. Tiền mua nước có khi lên đến 60.000 – 70.000 đồng/m3.

Những gia đình kinh tế eo hẹp không có đủ tiền đi mua nước, chỉ còn cách sống chung với nguồn nước mà nhìn qua bằng mắt thường cũng thấy không thể đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Ở xã Tượng Văn, nhu cầu nước sạch sinh hoạt đang ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trong mùa hè năm nay. UBND xã cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến mực nước sông hồ thấp hơn mực nước biển đã làm cho hầu hết các giếng nước của người dân trong xã không chỉ bị nhiễm phèn mà còn bị nhiễm mặn..

Trong khi đó, dự án Nhà máy nước sạch vẫn ngổn ngang. Chủ đầu tư xác nhận, dự án được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ chủ trương đầu tư hồi đầu năm 2018. Nhưng gần 1 năm sau, mới được cấp phép xây dựng. Do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên mới đây dự án mới có đủ mặt bằng sạch để thi công.

Trước nhu cầu bức thiết về nước sạch của người dân, huyện Nông Cống cũng đã không ít lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công.

Châu chấu sa mạc chưa xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định, cho đến nay châu chấu sa mạc chưa xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã gây hại chủ yếu tại 8 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh và Thanh Hóa). Diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng gây hại từ đầu năm đến nay là 277 ha (thấp hơn 566,3 ha so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu trên tre luồng và một phần nhỏ diện tích cây nông nghiệp (ngô).

Thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, châu chấu tre lưng vàng có hiện tượng di trú từ Trung Quốc, Lào vào Việt Nam. Cụ thể, đầu tháng 6/2020, châu chấu tre lưng vàng di trú từ Lào sang địa bàn tỉnh Thanh Hóa; từ ngày 20/7/2020 di trú từ Trung Quốc sang Điện Biên, diện tích nhiễm khoảng 60 ha. Nhưng kể từ ngày 23/7/2020 đến nay không còn châu chấu do chúng lại bay trở lại Trung Quốc.

Để phòng chống châu chấu tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương thường xuyên nắm chắc tình hình phát sinh gây hại của loài châu chấu này để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Trong thời gian qua, hầu hết các địa phương đã chủ động công tác điều tra phát hiện và phòng trừ hiệu quả, không để gây hại trên diện rộng; nhất là các địa phương giáp biên giới tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Lào để nắm bắt thông tin và hợp tác trong việc phối hợp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các địa phương chủ động kiểm tra, phát hiện và phòng chống kịp thời, hiệu quả đối với loài châu chấu này.

Đối với châu chấu sa mạc, thời gian qua, Bộ NN&PTNT tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Trung Quốc để theo dõi tình hình châu chấu sa mạc trên thế giới. Đến nay châu chấu sa mạc vẫn phát sinh, gây hại ở các nước khu vực Đông Phi (Kenya, Ethiopia, Somalia,…), bán đảo Ả Rập, Tây Á và đang có xu hướng giảm mật độ vì chúng quay về nơi sinh sản hàng năm.

Diện tích châu chấu sa mạc gây hại ở các nước nói trên lên tới gần 400.000 ha cây trồng nông lâm nghiệp và đồng cỏ. Bộ NN&PTNT khẳng định cho đến nay châu chấu sa mạc chưa xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam.

Nhằm chuẩn bị phòng chống châu chấu sa mạc, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật làm việc với Cục Cứu hộ - Cứu nạn (đơn vị được Bộ Quốc phòng chỉ định) phối hợp xây dựng phương án giám sát, phòng chống châu chấu sa mạc và đã có báo cáo số 1416/BVTV-TV ngày 20/7/2020. Theo đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục giao Cục Bảo vệ thực vật làm việc để Cục Cứu hộ - Cứu nạn nắm rõ đặc điểm hình thái, sinh học và tập tính cơ bản của châu chấu sa mạc và phối hợp xây dựng phương án thử nghiệm máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, phương án diễn tập phun trừ châu chấu.

Xử lý hơn 1.000 vụ việc ô nhiễm môi trường trong sáu tháng đầu năm

Theo Tổng cục Môi trường, trên phạm vi cả nước hiện còn 123/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tính đến ngày 25/6/2020, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã nhận được hơn 1.520 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường, đến nay có 1.009 vụ việc đã được xử lý.

Trong đó nhiều vụ việc đã được kiểm tra, xác minh nhanh như vụ việc đổ trộm các thùng phuy tại địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội); Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng; thông tin ô nhiễm nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại một số xã thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra còn một số vụ tiêu biểu như đốt rác thải khu vực đường vào Chùa Phật tích ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; người dân tại một số xã ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phản ánh nhà máy xử lý rác gây mùi ô nhiễm…

Bên cạnh xử lý các vụ việc theo thông tin phản ánh, Tổng cục Môi trường cũng đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các “điểm nóng” về ô nhiễm như sân bay Biên Hòa; hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng.

Đến nay, trên phạm vi cả nước còn 123/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.