Thứ sáu, 19/04/2024 08:56 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/7/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 19/07/2020 16:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/7/2020.

Đập Tam Hiệp vượt qua đỉnh lũ lớn nhất năm

Vào 8 giờ sáng ngày 18/7, hồ chứa Tam Hiệp đã chứng kiến lưu lượng nước đổ về lên tới 61.000 m3/giây. Hồ phải mở 3 cửa xả lũ, lưu lượng 33.000 m3/giây.

Tập đoàn Đập Tam Hiệp cho biết con đập giữ lại khoảng 45% lượng nước. Dù thông tin cho biết đập Tam Hiệp vẫn hoạt động ổn định nhưng mực nước tại hồ chứa đã đạt 160,17 mét, vượt quá cảnh báo lũ hơn 15 mét.

Đây là trận lũ lớn nhất đổ về hồ chứa Tam Hiệp kể từ lúc miền nam Trung Quốc hứng mưa lũ hồi đầu tháng 6 tới nay. Trong trận lũ số 1 hồi đầu tháng 7, đỉnh lũ là 53.000 m3/giây.

Lũ lụt năm nay đã tấn công mạnh vào một số khu vực tỉnh, khiến hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa và hơn 1,76 triệu người phải di dời, theo Bộ Quản lý Khẩn cấp.

"Tính đến 17/7, dự án Tam Hiệp đã được áp dụng ba lần, trong mùa lũ này, chức năng phòng chống lũ lụt và đã giữ lại được 6,6 tỷ m3 nước, gần tương đương với kích thước 470 Hồ Tây ở Hàng Châu", một tuyên bố của Trung tâm quản lý Tập đoàn Đập Tam Hiệp gửi đến Thời báo Hoàn cầu ngày 18/7 cho biết.

Trong trận lụt, Hồ chứa Tam Hiệp đã áp dụng các chức năng duy trì lũ và giảm đỉnh lũ, theo tuyên bố, ngăn mực nước vượt qua các đảm bảo an toàn tại Nhạc Dương Lâu - lối ra của hồ Động Đình và Hồ Khẩu - lối ra của hồ Bà Dương.

Phát triển thủy lợi ở ĐBSCL theo hướng tự động hóa

Ngày 18/7, Bộ NN-PTNT cho biết, theo đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ĐBSCL đến năm 2025 – 2030, tầm nhìn năm 2050 và năm 2100, sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi tự động hóa vận hành, bảo đảm an toàn trước thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Cụ thể, từ nay đến năm 2025 tập trung tổ chức, kiện toàn, thành lập các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo đúng quy định của Luật Thủy lợi. Đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi lớn để kiểm soát mặn, nguồn nước, phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến năm 2030, phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững tại các tiểu vùng sinh thái. Đến năm 2050, phải hoàn thiện hệ thống thủy lợi hiện đại, thông minh; chủ động phòng chống thiên tai như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu… Năm 2100, hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL được tự động hóa vận hành, đảm bảo an toàn trước thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Giai đoạn thực hiện, từ nay đến năm 2025, khảo sát hiện trạng hạ tầng các hệ thống thủy lợi để phục vụ cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Xây dựng hệ thống giám sát tự động về độ mặn, nguồn nước, chất lượng nước; cải tạo và sữa chửa, nâng cấp hệ thống cống, nâng cấp đê, bờ bao cho vùng cây ăn trái; nâng cấp công trình cấp nước cho vùng nuôi thủy sản…

Từ năm 2026- 2030, hoàn thiện thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản và vùng ngọt hóa; khép kín, hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao và công trình nội đồng, công trình kiểm soát, chuyển nước liên vùng.

Giai đoạn 2031 – 2050, phát huy hiệu quả các dự án được thực hiện trước đó; đồng thời điều chỉnh phù hợp yêu cầu phát triển nội vùng, tác động của biến đổi khí hậu; đầu tư tự động hóa vận hành các công trình thủy lợi khép kín, công trình kiểm soát lũ, kiểm soát mặn…

Thu gom gần 3 tấn rác làm sạch biển Kê Gà

Sáng 18/7, Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Bình Thuận phối hợp cùng UBND xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận tổ chức ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2020 với hơn 200 đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương tham gia.

Với mục đích kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường biển. Thông qua buổi ra quân lần này, Ban tổ chức mong muốn kêu gọi người dân địa phương, khách du lịch đặc biệt là các chủ tàu cá, ngư dân, các hộ kinh doanh cùng chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác cũng như tích cực tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường biển, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương.

Ngay sau lễ ra quân, hơn 200 đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn xã đã cũng tham gia thu gom gần 3 tấn rác thải tại các khu vực bị ô nhiễm ven bờ biển Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Đà Nẵng: Xử lý phế thải xây dựng

Thời gian qua, tình trạng đổ phế thải xây dựng, xà bần tại các lô đất trống trên TP. Đà Nẵng đã tạo hình ảnh nhếch nhác ở các quận trung tâm thành phố. Bà Trương Thị Thúy Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết, qua thống kê sơ bộ của UBND phường Hòa Cường Bắc, hiện trên địa bàn phường có 271 lô trống chưa được đưa vào khai thác, sử dụng. Lợi dụng thời điểm ban đêm hay những khi vắng người, các đối tượng thường xuyên đổ phế thải xây dựng tại các lô đất trống. Hành động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống mà còn gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch chung của thành phố.

Thời gian qua, UBND phường chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp đổ xà bần, giá hạ, rác thải không đúng nơi quy định. Để xử lý dứt điểm ô nhiễm tại lô đất trống dưới chân cầu Tuyên Sơn, UBND phường Hòa Cường Nam và Hòa Cường Bắc phối hợp lập 01 Trại dân phòng cử cán bộ túc trực 24/24….

Hễ chỗ nào có đất trống là có phế thải xây dựng đổ tràn lan, bừa bãi, ngay cả ở khu vực trung tâm hay những tuyến đường du lịch của thành phố. Người dân và các đơn vị liên quan phải hao tốn nguồn lực để xúc dọn phế thải xây dựng. Nghiêm trọng hơn, nhiều hộ dân đổ phế thải xây dựng chung với rác thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý rác sinh hoạt.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng được được đánh giá là thành phố có chất lượng môi trường tốt, là thành phố môi trường, tuy nhiên, thành phố vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về rác thải nhất là rác thải xây dựng vì đây là loại rác thải chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể nào. Do đó, ngay từ bây giờ, thành phố cần có giải pháp quản lý và xử lý phế thải xây dựng.

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) triển khai dự án Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế (Dự án SATREPS) tại thành phố Đà Nẵng.

Dự án gồm các nội dung: Xây dựng Đề án tổng thể nhằm quản lý và xử lý CTR xây dựng, bao gồm: khảo sát, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, tái chế hoặc tái sử dụng CTR xây dựng; Đề xuất vị trí, quy mô điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTR xây dựng phù hợp ; xây dựng hệ thống hoạt động quản lý CTR xây dựng tiên tiến; đề xuất các cơ chế chính sách , tiêu chuẩn quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tái chế; lập dự án nghiên cứu kêu gọi đầu tư xử lý CTR xây dựng tại khu liên hợp xử lý CTR của thành phố hoặc tại vị trí phù hợp.

Thanh Hóa: Đóng cửa mỏ khoáng sản sau khai thác để bảo vệ môi trường

Để đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực sau khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2712 và 2498/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ đất san lấp tại xã Xuân Khang, huyện Như Thanh của Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng) và mỏ đất ở xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành của Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Thịnh (Công ty Xuân Thịnh).

Với mục đích để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và giao lại đất cho nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực sau khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu đạt các tiêu chuẩn quy định về môi trường.

Khu vực đóng cửa mỏ ở xã Xuân Khang có diện tích 10.000 m², được xác định tại trích lục bản đồ kèm theo Giấy phép số 53/GP-UBND ngày 08/02/2018 của Công ty Huy Hoàng. Tại xã Thạch Cẩm, khu vực đóng cửa mỏ của Công ty Xuân Thịnh có diện tích 19.141 m² theo Giấy phép số 27/GP-UBND ngày 23/01/2018.

Việc cải tạo, phục hồi môi trường gồm tạo mái dốc các moong khai thác để đưa mỏ về trạng thái an toàn; san gạt mặt bằng phần diện tích đã khai thác và trồng cây keo lai trên phần diện tích san gạt. Sửa chữa các khu vực bị ảnh hưởng do quá trình khai thác (đường giao thông, hệ thống thoát nước...). Thời gian thực hiện: Đối với mỏ của Công ty Huy Hoàng là 35 ngày; mỏ Công ty Xuân Thịnh là 160 ngày.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.