Thứ sáu, 26/04/2024 00:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/2/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 21/02/2020 09:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/2/2020.

Hạn hán, thiếu nước khốc liệt ở Ninh Thuận

Theo báo cáo mới nhất của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện nay toàn tỉnh hiện có 21 hồ chứa, với dung tích hơn 194 triệu mét khối. Nhưng do hạn hán đến nay chỉ còn khoảng hơn 65 triệu mét khối (chỉ còn khoảng 31% tổng dung tích thiết kế).

Hiện chỉ có 2 hồ chứa chủ động nước (Sông Sắt và Trà Co); 6 hồ có dung tích trên mực nước chết (Sông Trâu, Bà Râu, Tân Giang, Sông Biêu, Núi Một, Lanh Ra, Cho Mo). Do không chủ động nước nên chỉ phục vụ cho sinh hoạt chăn nuôi và một phần diện tích đất canh tác cho giá trị kinh tế cao; còn lại 13 hồ chứa không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và phục vụ nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Để kịp thời đáp ứng nguồn nước cho vùng hạn, hiện hồ Đơn Dương đang xả với lượng 14m khối/giây về sông Cái để tiếp nước cho hệ thống đập Nha Trinh, Lâm Cấm cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho một số vùng.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các ngành, các huyện thành phố tích cực triển khai các công tác ứng phó hạn, trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, ưu tiên đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho đàn gia súc và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa hao tốn nước, tăng cường cây trồng cạn, đồng thời nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm.

Độ mặn trên các sông Nam Bộ sắp đạt đến mức cao nhất

Ngày 20/2, nhận định về xu thế xâm nhập mặn từ ngày 21-29/2, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Phùng Tiến Dũng cho biết do ảnh hưởng của triều cường, độ mặn trên các sông Nam Bộ có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào ngày 23-25/2.

Từ ngày 26 -29/2, độ mặn trên các sông ở Nam Bộ có xu hướng giảm dần.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn từ 100-130km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn từ 60-90km; sông Cổ Chiên, sông Hậu phạm vi xâm nhập mặn từ 55-65km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn từ 50-60km.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 80-90km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi xâm nhập mặn từ 45-52km; sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn từ 65-76km; sông Cổ Chiên phạm vi xâm nhập mặn từ 55-62km; sông Hậu phạm vi xâm nhập mặn từ 45-55km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn từ 40-45km.

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 1-2.

Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở đây có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (trong thời kỳ triều cường kết hợp với gió chướng mạnh).

Thời gian xâm nhập mặn tăng cao trên sông Cửu Long tiếp tục diễn ra trong tháng 3 (từ ngày 6-15/3); xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao trong tháng 3 và tháng 4/2020, sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần.

Nhếch nhác trước bến xe Chợ Lớn

Bến xe Chợ Lớn ở TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung đông các phương tiện xe buýt đưa đón người dân khắp các quận của thành phố hay xe buýt liên tỉnh. Thế nhưng gần đây, khu vực trước cổng bến xe ngập rác thải, nước thải và mặt đường hư hỏng tạo thành những "ổ voi" tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện.

Được biết, tình trạng hư hỏng, rác thải bốc mùi ở con đường này đã xảy ra từ rất lâu. Nguyên nhân chủ yếu là do mặt đường trước cổng bến xe thấp nên lượng nước thải của các tiểu thương buôn bán thủy sản, trái cây xả ra đọng lại. Thêm vào đó, do một số người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên vứt rác bừa bãi. Tình trạng này diễn ra khá lâu nhưng chưa thấy cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục. Còn người dân trên địa bàn chỉ biết sống chung với tình trạng đáng buồn này.

Bà Phan Thị Bảy ở Long An, hành khách thường xuyên đi xe buýt ở bến xe Chợ Lớn cho biết: "Mỗi lần ra khỏi cổng, tôi và những hành khách khác đều phải bịt mũi, rảo bước để thoát khỏi đoạn đường ô nhiễm này. Song, mùi hôi vẫn xông lên mũi khiến mọi người cảm thấy ngạt thở. Để giữ gìn hình ảnh của thành phố văn minh, hiện đại, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nêu trên và trả lại môi trường trong sạch ở khu vực bến xe Chợ Lớn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.