Thứ năm, 25/04/2024 15:57 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/7/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 21/07/2019 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/7/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/7/2019.

Mưa lũ ở Yên Bái: 1 người bị thương, 5 nhà dân bị thiệt hại

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao nên từ đêm qua đến trưa nay (20/7), các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa vừa, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa đo được tại đèo Khau Phạ trên 152mm; Thị trấn Trạm Tấu 102 mm; Mù Cang Chải 86 mm…Trận mưa to từ đêm qua đến trưa nay (20/7) đã gây ra nhiều thiệt hại cho 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Khoảng 10 giờ sáng nay (20/7), mưa lớn đã làm sạt lở taluy sau nhà của gia đình bà Cứ Thị Nhứ, 37 tuổi ở bản Mý Háng, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, làm bà Nhứ bị thương.

Lũ lớn tại con suối trên địa bàn thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu vào sáng nay.

Về nhà ở: Có 05 nhà ở huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại, trong đó: 02 nhà phải di dời cả người và tài sản khẩn cấp để đảm bảo an toàn; 03 nhà bị sạt lở taluy làm hư hỏng nhà cửa và đồ đạc trong nhà. Lũ cũng làm 1 cầu tạm nối từ quốc lộ 32 đi xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải) bị cuốn trôi.

Tại huyện Trạm Tấu, lũ lớn đã làm ngập và đẩy đổ xe ô tô Hoa Mai và 1 máy xúc bị ngập nước, do doanh nghiệp đang thi công nạo vét lòng hồ của thủy điện Trạm Tấu sau khi thi công xong không đưa máy móc về mà vẫn để tại khu vực thi công. Ước tính thiệt hại khoảng 600 triệu đồng.

Ngay khi xảy ra mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các địa phương đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, thống kê thiệt hại, động viên gia đình bị thiệt hại do mưa lũ. Nghiêm cấm người dân vớt củi tại các con suối, đập, hồ chứa nước.

Liên tiếp xảy ra cháy rừng tại miền Trung

Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài trong nửa tháng qua là điều kiện cho các vụ cháy liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh miền Trung.

Vào 11h ngày 20/7, một vụ cháy đã xảy ra tại thôn Tất Viên, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nguyên nhân của vụ cháy được cho là do người dân đốt thực bì từ cánh đồng phía trên, nắng nóng gay gắt cộng với gió thổi mạnh khiến ngọn lửa lan rất nhanh. Đến 12h cùng ngày, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã có mặt kịp thời để xử lý. Dù không gây thiệt hại lớn về tài sản nhưng vụ cháy đã uy hiếp hàng chục hộ dân xung quanh và nhiều diện tích rừng keo của người dân ở gần đó đang đến mùa thu hoạch.

Trong khi đó, vào tối 19/8, tại khu vực trên núi Phước Tường, thành phố Đà Nẵng đã xảy ra cháy lớn. Vào khoảng 20h, người dân phát hiện đám cháy trên núi và thông báo cho cơ quan chức năng. Ngọn lửa xuất phát giữa rừng, lại trên địa hình núi cao nên ống nước không thể kéo lên được. Các lực lượng phải dùng rựa khoanh vùng không cho đám cháy lan rộng, đồng thời dùng cây dập lửa, khống chế đám cháy. Đến 1h ngày 20/7, các đám cháy trên núi cơ bản được dập tắt hoàn toàn. Nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra làm rõ.

Diện tích bị khô hạn ở miền Trung đang tăng lên từng ngày

Đáng ngại hơn, xâm nhập mặn đang xảy ra một cách bất thường tại đây, thậm chí ở một số tỉnh, độ mặn đã lên cao đến mức kỷ lục.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, hạn hán đang hoành hành tại 7 tỉnh ở khu vực Trung Bộ. Đáng chú ý, các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam còn phải gánh chịu thêm tình trạng xâm nhập mặn cao kỷ lục. Thành phố Đà Nẵng dù không nằm trong vùng khô hạn nhưng nồng độ mặn cũng lên cao chưa từng có.

Ở tỉnh Quảng Trị, độ mặn đo được ở trạm Bến Hải 4 là rất lớn, lên tới 25,1o/oo. Còn tại trạm Câu Lâu, tỉnh Quảng Nam, nơi cách cửa biển khoảng 15km, độ mặn đo được là 12,3o/oo, khốc liệt nhất trong vòng 15 năm qua. Trong khi đó, chỉ với độ mặn trên 1o/oo, nước sinh hoạt đã không thể sử dụng, 4o/oo là cây lúa đã héo rũ, không thể cứu vãn. Như vậy, độ mặn đã cao gấp 5 - 6 lần, thậm chí cả chục lần so với ngưỡng chịu đựng của cây trồng và con người.

Bản chất của xâm nhập mặn là tình trạng nguồn nước ngọt bị suy kiệt tạo điều kiện cho nước mặn từ biển lấn sâu vào. Nguyên nhân khiến nước ngọt ngày một cạn là do nước bốc hơi mạnh khi trời nắng nóng kéo dài cả tháng, không có mưa và lớp phủ thực vật nghèo nàn. Theo quan trắc, mỗi ngày lượng nước ở Trung Bộ bị bốc hơi 5 - 7mm trên 1m2 bề mặt, tương ứng gần 1 triệu m3 nước mỗi ngày bị thất thoát trên các diện tích bị hạn. Việc nguồn nước ngọt sụt giảm tạo điều kiện cho nước mặn lấn vào.

Bên cạnh đó, các nguồn nước bổ sung từ thượng nguồn cũng cạn dần. Tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 tại tỉnh Quảng Nam, dung tích nước trong lòng hồ đã xuống dưới dung tích chết, không đủ vận hành, xả nước rửa mặn cho phía hạ du. Nước mặt cạn kiệt dẫn đến mực nước ngầm cũng bị sụt giảm. Tại khu vực Nam Trung Bộ, mực nước ngầm hạ thấp nhất là 4,05m vào tháng 6, thấp hơn so với năm 2018 tới 23cm và thấp hơn cùng kỳ nhiều năm 17cm.

Hiện tượng người dân ở vùng hạn đào giếng lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu cũng khiến mực nước ngầm càng thêm sụt giảm. Một nguyên nhân nữa phải tính đến là do tác động của con người vào dòng chảy tự nhiên như: các hoạt động san lấp mặt bằng, công trình xây dựng, hồ chứa.

Để giảm thiểu tình trạng này, ngoài những biện pháp mà các ngành chức năng đưa ra như: tích trữ, sử dụng tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng ta cũng cần lưu ý các giải pháp như:

- Giảm lượng bốc hơi bằng cách tăng bề mặt thảm phủ thực vật như trồng cây xanh. Trên các mặt hồ có thể trồng các loại cây thủy sinh. Người dân cần hạn chế đào giếng, khoan giếng không theo quy hoạch.

- Hạn chế những tác động của con người can thiệp làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Như vậy, vấn đề được đặt ra là cần phải phát triển cân đối giữa công nghiệp với nông nghiệp và môi trường.

Phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ĐBSCL

Sáng nay 20/7, tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức “Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long".

Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng là trách nhiệm của mọi người.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử; cùng đại diện lãnh đạo 19 tỉnh khu vực miền Nam; chuyên gia các tổ chức quốc tế...

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Đây là dịp để cho cán bộ, nhân dân các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và tất cả chúng ta nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển; hiểu rõ lợi ích, giá trị do rừng ngập mặn mang lại; từ đó tích cực tham gia trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái ven biển bằng những hành động thiết thực, hiệu quả”.

Theo Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, sự kiện này sẽ góp phần truyền tải thông điệp rộng rãi đến các địa phương về tầm quan trọng to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, để mọi người cùng chung tay bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng ngập mặn...

Sau buổi lễ, các đại biểu đã ra quân trồng rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi sau kè Đá Bạc, thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây.

Tiếp sau sự kiện này, các tỉnh, thành phố ven biển sẽ có kế hoạch ra quân, hưởng ứng Lễ phát động, nhằm lan tỏa phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển trên phạm vi cả nước.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.