Thứ ba, 23/04/2024 20:48 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/11/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 22/11/2019 14:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/11/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/11/2019.

Đề nghị TP.HCM xử lý dứt điểm kiến nghị tại Dự án Vệ sinh môi trường

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về kiến nghị của hai liên danh Samsung-Kolon - TKS và Suez - POSCO liên quan đến Gói thầu XL-02 Dự án Vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2.

Trước đó, ngày 7/10/2019, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về quá trình xử lý kiến nghị tại gói thầu này. TP.HCM bảo lưu quan điểm khi loại hai liên danh nêu trên để chọn Liên danh Aciona - Vinci thực hiện gói thầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có văn bản đề nghị TP.HCM làm rõ việc thay đổi tư vấn đấu thầu, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới xung đột lợi ích giữa các nhà thầu.

Theo chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, TP.HCM cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp để giải quyết kiến nghị của 2 liên danh trên theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, tránh phát sinh khiếu kiện quốc tế và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm tiến độ của dự án theo đúng quy định pháp luật.

Xử phạt Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế hơn 470 triệu đồng do vi phạm về môi trường

Liên quan đến vụ việc “Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế sai phạm khi xả thải ra môi trường” mà Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đang phản ánh, tối 21/11, thông tin với PV, ông Lê Bá Phúc- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan chức năng vừa tiến hành xử phạt hành chính Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (Chi nhánh công ty cổ phần Fococev Việt Nam, đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền).

Quyết định xử phạt do ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành.

Theo đó, xử phạt Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế 40 triệu đồng do thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Cụ thể chưa lót bạc chống thấm cho hố lắng cát, 2 hồ sinh học, chưa đấu nối nước thải sinh hoạt tại khu vực văn phòng về hệ thống xử lý nước thải để xử lý, quy định tại điểm B, khoản 3, điều 10 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Quyết định xử phạt.

Xử phạt nhà máy số tiền 434 triệu đồng do các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200m2/ngày đến dưới 400m2/ngày, quy định tại điểm i, Khoản 5 Điều 13 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Phạt tăng thêm 10% đối với thông số môi trường Coliform vượt quy chuẩn kỹ thuật 1,2 lần và phạt tăng thêm 30% đối với thông số môi trường COD vượt quy chuẩn kỹ thuật 2,03 lần. Tổng mức phạt tăng thêm là 40% của mức phạt tiền quy định tại Khoản 7 Điều 13 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Cũng theo quyết định, cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của Chi nhánh 3 tháng. Buộc Chi nhánh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Buộc Chi nhanh phải chi trả số kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích 1 mẫu nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật là 3.456.618 triệu đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế phải nộp phạt là 477.456.618 triệu đồng. Nếu quá thời hạn mà Chi nhánh không tự nguyện chấp hành (10 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt) thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật...

Vào tháng 9 vừa qua, người dân ở các xã Phong An, Phong Hiền (huyện Phong Điền) phản ánh đến các cơ quan chức năng về việc Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế xả thải ra môi trường. Ngay sau đó, Phòng TN&MT huyện Phong Điền phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND xã Phong Hiền tiến hành kiểm tra thực địa; lấy mẫu nước thải để quan trắc.

Tại thời điểm kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện, nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế sau khi qua 2 hầm biogas được đưa qua 2 hồ sinh học và chảy thẳng ra môi trường theo mương dẫn mà không qua hệ thống xử lý hóa lý mà nhà máy xây dựng. Tình trạng ô nhiễm do nước thải của nhà máy xả ra khiến cá tự nhiên ở bàu Nhạn thôn La Vần (xã Phong Hiền) bị chết và bốc mùi.

Ngay khi nhận được thông tin thì đến giữa tháng 9, Sở TN&MT Thừa Thiên Huế đã phối hợp nhiều cơ quan ban ngành tiến hành làm việc, khảo sát, lấy mẫu để đánh giá chất lượng nguồn thải.

Sau khi có kết quả phân tích mẫu nước thải, nước mặt, Sở TN&MT đã tổng hợp và có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan chức năng liên quan. Cùng thời điểm, nhà máy này đang trong thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra theo Quyết định 1076/QĐ-TCMT và sau khi căn cứ kết quả xác minh và tài liệu có trong hồ sơ, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) đã ban hành quyết định xử lý vi phạm theo quy định như kể trên.

Được biết, vào năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quyết định xử phạt hành chính với mức 260 triệu đồng đối với Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế do vi phạm liên quan đến quản lý và gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, nhà máy này đã không thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định, không xây lắp công trình xử lý môi trường (hầm chôn lấp chất thải rắn: vỏ lụa sắn lẫn đất, cát); xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Chương trình “Đổi rác thải nhựa - Lấy cây xanh” ở Bến Tre

Theo Thỏa thuận hợp tác, Tỉnh đoàn Bến Tre và Công ty TNHH MTV Vĩnh Thanh (Cty Vĩnh Thanh) phối hợp thực hiện các công việc như: Tổ chức tuyên truyền để phát triển cây xanh và giảm rác thải nhựa góp phần BVMT; hợp tác điều tra, nghiên cứu về nhu cầu, thực trạng, khả năng cung cấp cây xanh và thu nhặt rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Bên cạnh đó, tổ chức truyền thông phát triển cây xanh, giảm rác thải nhựa, BVMT chung của cộng đồng; triển khai hoạt động tư vấn nhằm hỗ trợ đoàn thanh niên lựa chọn giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm giảm phát thải môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, lập các báo cáo thống kê và đánh giá tình hình thực hiện chương trình “Đổi rác thải nhựa – Lấy cây xanh” BVMT.

Trong kế hoạch, những tháng cuối năm 2019, Cty Vĩnh Thanh sẽ đổi 400 cây xanh để lấy về 400kg rác thải nhựa từ Tỉnh đoàn; trước mắt, ngay khi ký kết, Cty Vĩnh Thanh đã trao 200 cây xanh đổi lấy 200kg rác thải nhựa thu gom từ đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn. Riêng năm 2020, hai đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện đổi 2.000 cây xanh để lấy 2.000kg rác thải nhựa. Sau đó, nếu các bên tiếp tục hợp tác sẽ ký kết chương trình phối hợp dài hạn.

Tỉnh đoàn Bến Tre và Cty Vĩnh Thanh ký kết Thỏa thuận hợp tác BVMT “Đổi rác thải nhựa - Lấy cây xanh”.

Theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre Hà Quốc Cường, hoạt động “Đổi rác thải nhựa – Lấy cây xanh” là hành động mở đầu cho chiến dịch “Vì Bến Tre xanh” của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bến Tre phát động nhằm hưởng ứng lời kêu gọi thanh niên tỉnh nhà tiên phong hành động BVMT của Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bến Tre.

“Chúng tôi sẽ hành động để mỗi một phần rác thải nhựa được đặt đúng chỗ, sử dụng đúng mục đích nhằm đổi lại một màu xanh cho môi trường sống, mang lại một sức sống cho quê hương Bến Tre trong mục tiêu xây dựng địa phương đáng sống trong tương lai”, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre Hà Quốc Cường chia sẻ.

Cũng theo anh Hà Quốc Cường, Thường trực Tỉnh đoàn Bến Tre đã kêu gọi các cấp bộ Đoàn trong tỉnh nâng nhận thức chính mình làm gương và tuyên truyền sâu rộng trong thanh thiếu nhi để ý thức xem rác là tiền, là báu vật sẽ được hình thành nhanh chóng; cụ thể hóa nhiều hơn khẩu hiệu “Hãy bỏ rác vào thùng” thành hành động phân loại, thu gom rác đúng cách; đồng thời, làm gương và tuyên truyền cho gia đình và người thân hiểu rằng “Tuổi trẻ xứ dừa từ nay phải hành động vì Bến Tre xanh trong tương lai”.

Được biết, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bến Tre đã có nhiều việc làm làm thiết thực trong phong trào chống rác thải nhựa trong thanh thiếu niên; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện chung tay góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, BVMT. Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng nêu cao vai trò trong việc thực hiện chủ trương “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” tại các địa phương.

Qua đó, các lực lượng đoàn viên, thanh niên đã trồng hàng ngàn cây xanh dọc trên các tuyến đường nông thôn; ra mắt Đội hình tuyên truyền và BVMT; trao tặng thùng rác ngoài trời 2 ngăn phân loại rác; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh và người dân khu vực cam kết không xả thải ra môi trường sông nước, hướng dẫn cách phân loại và xử lý rác thải nhựa tại nguồn; thực hiện công trình thanh niên thu gom và xử lý rác thải, chống rác thải nhựa...

Đảo Lý Sơn trước nguy cơ thiếu nước cho vụ tỏi đông xuân

Những ngày này, nông dân huyện đảo Lý Sơn đang tập trung chăm sóc cây tỏi vừa mọc. Theo tính toán của nông dân, chi phí đầu tư vụ tỏi năm nay cao hơn vụ trước, do giá tỏi giống tăng 80.000 đồng/kg, kèm với giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng hơn so với những năm gần đây.

Tuy nhiên, đây chưa phải là nỗi lo của người nông dân, mà việc thiếu hụt nguồn nước tưới mới khiến nông dân lo ngại. Người dân xuống giống hết rồi, nhưng nghe thời tiết năm nay sẽ hạn hán, không có nước tưới. Thiếu nước thì tỏi đâu phát triển được, nên ai cũng lo lắm”, một nông dân ở xã An Hải than thở.

Vụ tỏi đông xuân năm nay, toàn huyện Lý Sơn xuống giống trên 330ha. Năm nay, thời tiết ít mưa nên dự báo vụ tỏi này sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Nhiều nông dân trên đảo đã đầu tư chi phí nạo vét lại các giếng nội đồng để dự phòng có thêm nguồn nước tưới khi bước vào thời điểm khô hạn.

Đầu vụ, cây tỏi còn non nên ít cần nước, mỗi sào cách 3 ngày chỉ tưới từ 5 - 6m3 nước, đến giai đoạn gần thu hoạch thì cây tỏi sẽ cần lượng nước nhiều hơn. Vì thế giai đoạn này nguồn nước trên đảo sẽ thiếu hụt trầm trọng. “Không chỉ thiếu nước tưới, nguồn nước ngầm trên đảo còn bị nhiễm mặn. Giải pháp là phải đào giếng, còn đóng giếng thì nhiễm mặn hết toàn bộ”, một cán bộ khuyến nông cho biết.

Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác nguồn nước trên đảo phục vụ cho sản xuất còn gây lãng phí. Nếu như năm 2014, trên đảo chỉ có 550 giếng nước thì nay đã tăng lên 1.300 giếng. Đây là nguyên nhân chính gây cạn kiệt nguồn nước ngầm trên đảo.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn Nguyễn Đình Trung, vụ tỏi đông xuân hằng năm thường bị thiếu nước, đặc biệt là vụ tỏi đông xuân này. Ngoài việc tập trung nạo vét các giếng được cấp phép để có thêm nguồn nước tưới, thì huyện cũng có kế hoạch chủ động chống hạn cho cây tỏi.

“Ngoài những giải pháp cho người dân tưới tiết kiệm, thì huyện cũng có hồ chứa nước Thới Lới và đang xây hồ chứa nước phục vụ cho 1.000 hộ dân và 80ha nông nghiệp. Khi dự án này hoàn thành sẽ hạn chế tình trạng thiếu nước cho vụ tỏi đông xuân”, ông Trung nhấn mạnh.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới