Thứ sáu, 29/03/2024 17:41 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/7/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 27/07/2019 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/7/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/7/2019.

Mưa lũ hoành hành, trên 100 người Bangladesh thiệt mạng

Giới chức Bangladesh cho biết khoảng 30 người đã được thông báo thiệt mạng trong 3 ngày qua, nâng tổng số người thiệt mạng do đợt mưa bão này lên 114 người. Thống kê cho thấy mưa lũ kể từ ngày 10/7 vừa qua ảnh hưởng đến 5 triệu người và khiến hàng trăm nghìn người phải rời nhà đi lánh nạn. Theo các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, Bangladesh đang phải trải qua một trong những mùa mưa bão tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Mực nước sông Brahmaputra dâng cao từ hôm 10/7 khiến 1,2 triệu người tại khu vực Jamalpur mất nhà ở hoặc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Từ tuần trước, mực nước con sông này đã ở mức cao nhất kể từ năm 1975. Ít nhất 6 ngôi làng tại huyện Mymensingh đã bị ngập, buộc 2.000 người phải sơ tán.

Trung tâm Cảnh báo và dự báo lũ lụt của Bangladesh cho biết ít nhất 26 trong số 64 tỉnh trên cả nước đã bị ngập do mưa bão và nước sông dâng cao tại Ấn Độ và Nepal. Trung tâm này dự báo mực nước sẽ duy trì ở mức cao tại một số huyện đến ngày 27/7.

TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải sinh hoạt

UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở ban ngành và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý rác của các đơn vị xử lý rác hiện hữu và một số dự án đã có chủ trương đầu tư.

Theo đó, lãnh đạo Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, hướng dẫn hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư của dự án xử lý rác sinh hoạt, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố ký ban hành các quyết định đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định hồ sơ quy hoạch tỷ lệ 1/500 của các nhà máy xử lý rác sinh hoạt, trình hồ sơ cấp phép quy hoạch tỷ lệ 1/500 của các nhà máy trước ngày 16/8/2019.

Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ xin phép xây dựng và cấp phép xây dựng cho các nhà máy trước ngày 16/8/2019. Trong quá trình thực hiện có nghiên cứu tháo gỡ, hỗ trợ tạo điều kiện sớm nhất cho các đơn vị xử lý rác có thể triển khai một số công tác cơ bản trong thi công xây dựng (bơm cát, san lấp mặt bằng, nhà xưởng kho bãi,...), nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện song song với các thủ tục pháp lý khác.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố cũng giao Sở Công thương xem xét, thẩm định hồ sơ đề xuất bổ sung phát triển nguồn điện quốc gia cho các dự án trước ngày 16/8/2019; đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố hồ sơ đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để gửi Bộ Công thương theo quy định.

Đồng thời phối hợp Tổng Công ty Điện lực thành phố xác định vị trí và chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng về điện để tiếp nhận, hòa lưới điện cho các nhà máy.

Xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật

Thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, sáng 26/7, tại Ninh Thuận, Cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Bảo vệ thực vật  phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận tổ chức bàn giao gần 600 kg rác thải thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và thuốc thành phẩm được thu giữ cho Tập đoàn Lộc Trời vận chuyển đi tiêu hủy.

Ông Phạm Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn bộ số lượng rác thải nông nghiệp trên được Chi cục phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên, các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thu gom trong nhiều ngày tại đồng ruộng các địa phương của huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Đa phần rác thải thuốc bảo vệ thực vật được thu gom là các loại chai nhựa, bịch nhựa, chai thủy tinh… được người nông dân sử dụng phun cho cây trồng và bỏ ngoài đồng. Bên cạnh đó, thuốc thành phẩm là những loại thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không nằm trong danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế kiểm tra, thu giữ tại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Ngô Quốc Tuấn, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, việc sử dụng phân bón và thuốc hóa học không đúng cách đã khiến cho việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho sản phẩm nông sản gặp không ít khó khăn. Cùng đó, tình trạng người nông dân vứt bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi sau khi sử dụng, không được xử lý đúng cách đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, chất lượng nông sản và cả vấn đề về sức khỏe của chính người nông dân.

Ngoài việc thu gom, xử lý rác thải, chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường” còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn cho đến khâu tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Chương trình cũng hướng dẫn, áp dụng chương trình “công nghệ sinh thái”, thực hiện mô hình ruộng lúa, bờ hoa để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu gây hại, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, giảm vấn đề xử lý bằng nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Indonesia thắt chặt nhập khẩu rác thải nhựa

Bộ Thương mại Indonesia cho biết, nước này có kế hoạch thắt chặt nhập khẩu rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng với các biện pháp khắt khe hơn.

Theo đó, Indonesia sẽ tăng cường kiểm tra biên giới và giám sát chặt chẽ đối với các nước đăng ký xuất khẩu rác thải sang nước này.

Số liệu từ cơ quan thống kê cho thấy nhập khẩu rác thải nhựa của Indonesia đã tăng 141% trong năm 2018 lên tới 283.000 tấn, sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu loại rác này.

Oke Nurwan, quan chức phụ trách ngoại thương của Bộ Thương mại Indonesia, cho biết, nước này đã thông báo cho 15 quốc gia có các nhà xuất khẩu rác chủ chốt về lệnh cấm mới này.

Theo đó, các nhân viên hải quan sẽ tăng cường kiểm tra hàng nhập khẩu và sẽ trừng phạt nghiêm khắc hơn nếu trường hợp nào vi phạm các quy định mới.

Mặc dù Indonesia không nêu tên nước xuất khẩu rác thải, song báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh công bố hồi tháng 4/2019 cho thấy phần lớn lượng rác thải nhập khẩu của Indonesia đến từ Australia, Đức, Hà Lan, Vương quốc Anh và Mỹ.

Indonesia đã phải “vật lộn” để đối phó với rác thải của chính đất nước mình và là nước đứng thứ hai thế giới có nhiều rác thải nhựa làm ô nhiễm đại dương, theo một nghiên cứu năm 2015 đăng trên tạp chí Science.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ