Thứ sáu, 29/03/2024 16:08 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/7/2020

MTĐT -  Thứ ba, 28/07/2020 15:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/7/2020.

Hải Phòng: Cảnh báo cây xanh đô thị có thể bị gãy đổ trong mùa mưa

Sở Xây dựng Hải Phòng đề nghị các đơn vị, tổ chức và cá nhân lưu ý không hoặc hạn chế tối đa việc đậu đỗ xe, trưng bày hàng quán tại khu vực liền kề, sát với cây xanh khi trời mưa.

Trước việc cây cổ thụ bất ngờ đổ gập đè bẹp một xe ôtô và bốn xe máy trong trận mưa ngày hôm qua, ngày 28/7 Sở Xây dựng Hải Phòng đã ra văn bản khẩn cảnh báo cây xanh đô thị có khả năng bị gãy đổ trong mùa mưa bão.

Với chức năng quản lý hệ thống cây xanh, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh (khoảng 3.000 cây) tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố và thực hiện cắt tỉa, chặt hạ 759 cây xanh sâu mục, nguy hiểm, chết khô nhằm hạn chế tối đa sự cố cây xanh bị gãy, đổ gây thiệt hại về tài sản, người trong mùa mưa bão năm 2020.

Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết bất thường của tự nhiên như mưa to kéo dài kèm theo gió mạnh, dông lốc sẽ tác động trực tiếp tới cây xanh, gây ra các sự cố gãy, đổ cây.

Do đó, Sở Xây dựng đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân lưu ý không hoặc hạn chế tối đa việc đậu đỗ xe, trưng bày hàng quán tại khu vực liền kề, sát với cây xanh khi trời mưa; không tập trung trú mưa khu vực dưới tán cây xanh khi trời mưa; trường hợp phát hiện cây xanh có hiện tượng sâu mục, gãy, đổ đề nghị thông báo về số điện thoại 0225.3810.138 để có biện pháp xử lý.

Ông Phạm Quý Sỹ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công viên, cây xanh Hải Phòng cho biết: Việc cây xanh bị sâu, mục thân đôi khi rất khó kiểm soát triệt để.

Nhiều cây không có biểu hiện bên ngoài nhưng trong thân đã bị sâu mọt rỗng. Khi có gió đủ mạnh là bị gãy đổ.

Trung Quốc: Mưa lũ gây thiệt hại về người ở tỉnh Hồ Bắc

Mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng ngập úng và lở đất, buộc chính quyền huyện đã nâng mức ứng phó khẩn cấp chống lũ lụt từ cấp độ 2 lên cấp độ 1 - mức cao nhất trong thang hệ thống ứng phó khẩn cấp.

Ngày 27/7, chính quyền huyện Kiến Thủy thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc cho biết, mưa lớn trong suốt cuối tuần qua tại địa phương này đã khiến 5 người thiệt mạng và 1 người mất tích.

Mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng ngập úng và lở đất, buộc chính quyền huyện đã nâng mức ứng phó khẩn cấp chống lũ lụt từ cấp độ 2 lên cấp độ 1 - mức cao nhất trong thang hệ thống ứng phó khẩn cấp chống lũ lụt gồm 4 cấp độ của Trung Quốc.

Vào sáng sớm 26/7, mưa lớn đã ảnh hưởng đến hơn 160.000 người dân, trong đó có 60.000 người phải sơ tán, và 2.900 hecta hoa màu. Đến nay, hệ thống giao thông, liên lạc, các nguồn cung cấp điện nước ở khu vực trung tâm huyện Kiến Thủy đã được phục hồi một cách cơ bản.

Cơn bão Douglas chuẩn bị đổ bộ vào bang Hawaii của nước Mỹ

Bão Douglas khá mạnh khi càn quét qua Hawaii, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, tạo ra các con sóng có sức tàn phá và lượng mưa lên tới 38cm tại các khu vực có địa hình cao hơn.

Bang Hawaii của Mỹ hiện đang khẩn trương chuẩn bị đối phó với cơn bão Douglas đang tiến gần tới quần đảo tại Thái Bình Dương này.

Theo Trung tâm Bão quốc gia (NHC) của Mỹ, vào 12 giờ trưa ngày 26/7 (giờ địa phương) tức 5 giờ sáng (giờ Việt Nam), cơn bão cấp 1 này cách thủ phủ Honolulu của bang Hawaii 200km về phía Đông, với sức gió lên tới 140km/giờ.

NHC đã ban bố cảnh báo đối với các hạt Maui, Kauai và đảo Oahu - nơi có thành phố Honolulu với gần 350.000 dân.

Mặc dù NHC dự báo bão Douglas sẽ suy yếu trong 48 giờ tới, song nó vẫn là cơn bão mạnh khi càn quét qua Hawaii, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, tạo ra các con sóng có sức tàn phá và lượng mưa lên tới 38cm tại các khu vực có địa hình cao hơn.

Tại Honolulu, Thị trưởng Kirk Caldwell đã mở các trung tâm sơ tán với sức chứa 1.600 người, song cảnh báo đây sẽ là phương án cuối cùng. Tất cả những người cần sơ tán đến đây phải đeo khẩu trang, che mặt, kiểm tra nhiệt độ và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.

Bang Hawaii hiếm khi phải hứng chịu bão. Nếu bão Douglas tràn vào, thì đây sẽ là cơn bão thứ ba đổ bộ vào Hawaii trong lịch sử hiện đại của bang này. Trước đó, Hawaii từng hứng chịu hai cơn bão Dot vào năm 1959 và Iniki vào năm 1992.

Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng về đàn châu chấu gây hại

Trước thông tin đàn châu châu tre từ Trung Quốc tràn sang gây hại một số diện tích tre, ngô trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ngày hôm nay 27/7, Bộ NN&PTNT có báo cáo số 4975/BNN-BVTV gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình châu chấu sa mạc và châu chấu tre lưng vàng.

Cụ thể, theo Bộ NNPTNT, đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã gây hại chủ yếu tại 8 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh và Thanh Hóa).

Diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng gây hại từ đầu năm đến nay là 277ha (thấp hơn 566,3 ha so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu trên tre luồng và một phần nhỏ diện tích cây nông nghiệp (ngô).

Thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, châu chấu tre lưng vàng có hiện tượng di trú từ Trung Quốc, Lào vào Việt Nam.

Cụ thể, đầu tháng 6/2020 châu chấu tre lưng vàng di trú từ Lào sang địa bàn tỉnh Thanh Hóa; từ ngày 20/7/2020 di trú từ Trung Quốc sang Điện Biên, diện tích nhiễm khoảng 60 ha, tuy nhiên kể từ ngày 23/7/2020 đến nay không còn châu chấu do chúng lại bay trở lại Trung Quốc.

Đối với châu chấu sa mạc, Bộ NN&PTNT nêu rõ, qua trao đổi thông tin với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Trung Quốc, đến nay châu chấu sa mạc vẫn phát sinh, gây hại ở các nước khu vực Đông Phi (Kenya, Ethiopia, Somalia,…), bán đảo Ả Rập (Arab Saudi, Yemen, Oman,…) và Tây Á (Ấn Độ, Pakistan, Iran,…) và đang có xu hướng giảm mật độ vì chúng quay về nơi sinh sản hàng năm.

Cho đến nay diện tích châu chấu sa mạc gây hại ở các nước nói trên lên tới gần 400.000 ha cây trồng nông lâm nghiệp và đồng cỏ.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chú trọng bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp

Những năm qua, việc thành lập các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Song, do quá trình phát triển nhanh chóng của các KCN, CCN đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), quan tâm đầu tư xây dựng và cải tạo các công trình BVMT trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh có 15 KCN được thành lập, tổng diện tích 8.510 ha, trong đó có 12/15 KCN đã đi vào hoạt động chính thức. Tổng lượng nước thải phát sinh trung bình của các KCN vào khoảng 45.000 m3/ngày đêm. Tất cả 12 KCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải theo quy định.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 04 CCN đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 1.350 m3/ngày đêm. Tất cả 04 CCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 01 CCN đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải, 03 CCN còn lại đang được yêu cầu đầu tư theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đặng Sơn Hải, công tác BVMT tại KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai xây dựng công trình BVMT còn chậm, chưa đồng bộ với quá trình thu hút đầu tư tại các KCN, CCN; một số doanh nghiệp thứ cấp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về BVMT.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.