Thứ sáu, 29/03/2024 17:44 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/4/2020

MTĐT -  Thứ năm, 30/04/2020 17:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/4/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/4/2020.

Động đất 3,6 độ richter tại Quảng Bình, dân nghe thấy tiếng nổ trong lòng đất

Sáng 30/4, ông Nguyễn Ngọc Phụng - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa nhận thông tin từ Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên (đặt tại Đà Nẵng) về trận rung chấn vừa xảy ra.

Theo đó, đơn vị này ghi nhận được trận động đất mạnh 3,6 độ richter xảy ra ở Quảng Bình vào lúc 0h ngày 30/4, tâm chấn ở phía đông huyện Quảng Trạch.

Vào thời điểm trên, người dân Quảng Bình bất ngờ cảm nhận được một rung chấn kéo dài khoảng 5 giây.

Một số người tại vùng Phong Nha - Kẻ Bàng còn nghe thấy tiếng nổ trong lòng đất trước khi có rung lắc. Ngay tại TP Đồng Hới, nhiều người cũng cảm nhận được rung chấn này.

Người dân sống lâu năm tại Quảng Bình cho biết, đây là lần đầu tiên khu vực này xảy ra rung chấn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, vài năm trước tỉnh có kế hoạch lắp trạm quan trắc động đất nhưng vì khu vực này không nằm trong danh mục những nơi hay xảy ra động đất nên thôi.

Khẩn trương xử lý sạt lở bờ biển tại thành phố Phan Thiết

Sáng 29/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý sạt lở tại khu vực xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu thành phố Phan Thiết chỉ đạo xã Tiến Thành cử cán bộ trực, chủ động theo dõi tình hình thời tiết, sóng biển, triều cường để thông báo kịp thời cho người dân trong khu vực, chủ động ứng phó, xử lý tình huống; báo cáo ngay khi có hiện tượng sạt lở cho Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, để chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, khảo sát thực trạng sạt lở tại khu vực này, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp xử lý trên toàn tuyến. Trước mắt, tập trung nguồn nhân lực gia cố tạm khu vực sạt lở nguy hiểm, đổ đá hộc xuống chân mái bờ biển bị sạt lở để hạn chế lực sóng đánh vào bờ, giảm tối đa sạt lở, mất đất ven biển tại khu vực này, nhất là trong tình hình dự báo, tình hình thời tiết, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường trong những ngày tới.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, trong hai ngày 27 - 28/4, do ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết. Phạm vi bờ biển sạt lở với chiều dài khoảng 1.300 mét (trong đó, đoạn sạt lở nghiêm trọng có chiều dài gần 250m, sâu vào đất liền từ 20 - 25m), làm ngã đổ khoảng 2 hàng cây dương, làm mất diện tích đất ven biển khoảng 2 ha và uy hiếp một số nhà dân tại khu vực này. Hiện trạng sạt lở đã lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng tuyến đường đi lại nội bộ của các hộ dân trong khu vực, tạo thành hố sâu nguy hiểm.

Mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 22/2020/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, dữ liệu về môi trường. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 26/5/2020.

Theo đó, mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này, đơn cử:

- Phí khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên đề môi trường tỷ lệ 1/250.000, 1/500.000, 1/1.000.000 là 9.145.000 đồng/mảnh.

- Phí khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên đề môi trường tỷ lệ 1/10.000 là 975.000 đồng/mảnh.

- Phí khai thác và sử dụng dữ liệu kết quả quan trắc môi trường không khí tại hiện trường, tiếng ồn, độ rung là 21.000 đồng/thông số.

- Phí khai thác và sử dụng dữ liệu kết quả quan trắc môi trường nước mặt lục địa tại hiện trường là 17.000 đồng/thông số...

Thông tư cũng quy định về tổ chức thu và người nộp phí, theo đó:

* Tổ chức thu phí bao gồm:

- Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường);

- Các cơ quan được các Bộ, cơ quan ngang Bộ giao cung cấp thông tin dữ liệu về môi trường;

- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Lạng Sơn: Tăng cường quản lý chất thải rắn để phòng dịch Covid - 19

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch số 72/KH – UBND về quản lý chất thải rắn để phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn.

Mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường chỉ đạo, giám sát đối với công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nói chung, chất thải sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý và nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Kế hoạch cũng quy định chi tiết công tác phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải rắn công nghiệp thông thường; Chất thải nguy hại.

UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra; từng bước giảm thiểu, kiểm soát, khắc phục tình trạng gây mất vệ sinh môi trường ở các khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi thói quen của nhân dân trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; sống thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu có khả năng tái chế, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường (lựa chọn giải pháp thực hiện phù hợp với từng thời điểm, diễn biến dịch bệnh covid-19); thực hiện công tác quản lý nhà nước về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; hướng dẫn việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn theo quy định (trừ chất thải y tế nguy hại).

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ