Thứ ba, 19/03/2024 13:16 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/8/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 30/08/2020 06:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/8/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/8/2020.

45 người thiệt mạng do lũ lụt tại Niger

Những ngày qua, mưa lớn kèm theo những trận lũ đã khiến hàng chục người dân của nước Niger ở khu vực Tây Phi thiệt mạng và hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy.

Lũ lụt do mưa lớn kéo dài gây ra tại khu vực miền Tây của Niger trong những ngày qua đã khiến 45 người thiệt mạng và hơn 226 nghìn người mất nhà cửa. Mưa lớn cũng đã làm ngập sông Niger và cô lập thành phố thủ đô Niamey của nước này. Hàng trăm ngôi nhà tại quận Kirkissoye đã sụp đổ và nhiều cánh đồng lúa ven sông Niger bị phá hủy hoàn toàn.

Thủ tướng Niger Brigi Rafini đã phát lệnh sơ tán dân cư ở một số khu vực và cam kết thúc đẩy các nỗ lực cứu trợ và bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng năm, mưa và lũ lụt tại Niger thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Năm 2019, ít nhất 57 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác đã mất nhà cửa trong mùa mưa lũ.

Điều tra nguyên nhân suối Sọ nghi bị xả thải ô nhiễm

Chiều 29/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, đã bố trí lực lượng phối hợp với các ban, ngành liên quan của tỉnh tiến hành kiểm tra, làm rõ để xử lý liên quan đến việc suối Sọ (thuộc phường Tân Bình, TP Dĩ An) xuất hiện màu nước lạ. Nếu phát hiện doanh nghiệp hay cá nhân nào lén lút xả thải ô nhiễm sẽ bị xử lý nghiêm…

Theo người dân nơi đây, vào chiều 26/8, suối Sọ xuất hiện màu nước đục, bốc mùi hôi nồng nặc. Nhận được tin báo, các đơn vị liên quan thuộc TP Dĩ An đã đến hiện trường ghi nhận vụ việc, lấy mẫu nước để kiểm tra, đồng thời báo cáo vụ việc đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.

Miền Tây cần chuẩn bị ứng phó triều cường sắp diễn ra

Theo nhận định của Bộ TN&MT, có 4 đợt triều cường sắp diễn ra vào những tháng cuối năm, các địa phương miền Tây cần nhanh chóng triển khai phương án chủ động ứng phó.

Đúng như nhận định của Bộ TN&MT về tình hình thời tiết, thiên tai năm 2020, thời tiết năm nay diễn ra trên nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, ở miền Tây mùa mưa đã đến muộn, lũ không về sớm, khả năng đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 và mực nước cao nhất năm nay trên sông Tiền (tại Tân Châu) và sông Hậu (tại Châu Đốc) có thể thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2-0,4m.

Cũng theo nhân định của Bộ TN&MT, ven biển Nam bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao (vào các ngày 18 -21/9; 15-19/10; 14-18/11 và 13-17/12/2020), với độ cao triều cường có thể chạm mức kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng.

Đáng lưu ý, nhiều khả năng 2 đợt triều cường trong tháng 9 (từ ngày 18 – 21/9) và tháng 10 (từ ngày 15 - 19/10) có thể trùng với thời điểm xuất hiện đỉnh lũ của năm, lưu lượng nước thượng nguồn đổ về gia tăng, mực nước ở các địa phương vùng giữa và ven biển sẽ dâng cao.

Theo đó, có thể chỉ vài tuần tới, lưu lượng nước Mekong đổ vào sông Tiền, sông Hậu sẽ gia tăng, trùng với đợt triều cường đầu tiên diễn ra trong 3 ngày (từ 18 – 21/9), mực nước biển dâng cao bất thường, kèm theo sóng lớn (đã có năm từ 2 – 3m), tác động trực tiếp đến đai rừng phòng hộ, đe dọa các tuyến đê kè ven biển, tràn vào nội đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích nuôi trồng thủy hải sản, hoa màu và hệ thống kết cấu hạ tầng, gây ngập cục bộ ở các tuyến dân cư, các đô thị vùng giữa và vùng ven biển miền Tây.

Hiện trên 730km toàn tuyến bờ biển miền Tây đang bị sạt lở hơn 200km, nhiều vị trí có thể tiếp diễn trầm trọng hơn trong tình huống nước biển dâng cao, gió chướng, sóng to, đe dọa đến hệ thống đê phòng hộ ven biển, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm ngàn hộ dân, hàng triệu hec – ta nuôi trồng thủy hải sản, hoa màu ven biển.

Địa bàn trọng điểm hiện nay là tỉnh Cà Mau, có tới 108km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, làm hư hỏng nhiều tuyến đường, nhà dân và sụt lún hơn 1.300 vị trí ở nhiều tuyến đường giao thông, với chiều dài trên 42km. Toàn tuyến bờ biển dài 254km trong địa bàn tỉnh Cà Mau có tới 80% bị sạt lở tấn công, với tốc độ sạt lở từ 20 đến 25m/năm, cá biệt có những nơi sạt lở tới 50m/năm, riêng bờ biển Tây có khoảng 57km bị sạt lở ở mức cực kỳ nguy hiểm.

Ghi nhận của Sở NN&PTNT Cà Mau cho thấy tại 3 đoạn (đoạn từ Tiểu Dừa đến Ba Tình, 25km; đoạn từ Ba Tình đến Mũi Tràm, 17km; đoạn từ Sông Đốc đến Bảy Háp, 15km) thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí có nhiều nơi không còn rừng phòng hộ, sóng biển thường xuyên uy hiếp đê biển Tây có thể vỡ đê bất cứ lúc nào.

Chấn chỉnh công tác đấu thầu vệ sinh môi trường Thủ đô

Nhằm cải thiện chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn thành phố, ngay từ năm 2017, thành phố Hà Nội đã thực hiện dịch vụ VSMT theo phương thức đấu thầu tập trung, tạo điều kiện tối đa công khai, minh bạch cho các đơn vị có năng lực tốt tham gia thực hiện.

Sau 3 năm triển khai, đến nay có 30 gói thầu được lựa chọn. Tổng số rác thải được thu gom theo các gói thầu này là hơn 1.486.135.000 tấn vào năm 2017 và hơn 1.129.561.000 tấn vào năm 2018… Công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố phần nào được cải thiện.

Tuy nhiên, qua thanh tra trực tiếp tại 12 đơn vị cung ứng dịch vụ và tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã thấy vẫn còn một số tồn tại lnhiều bất cập.

Theo Kết luận Thanh tra số 1366/KL-TTTP của Thanh tra thành phố Hà Nội, khi thực hiện đăng ký nhu cầu đấu thầu, nhiều UBND quận, huyện, thị xã tổng hợp thông tin chưa sát với thực tế dẫn đến khi thực hiện phát sinh (tăng, giảm) khối lượng rác cần thu gom, vận chuyển rác. Cụ thể quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa, quận Bắc Từ Liêm, huyện Gia Lâm, huyện Hoài Đức, huyện Đan Phượng… đăng ký thiếu khối lượng vận chuyển rác

Bên cạnh đó, một số đơn vị cung ứng dịch vụ chưa thực hiện nghiêm túc việc trình chủ đầu tư phê duyệt phương án tổ chức sản xuất duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải làm cơ sở tổ chức nghiệm thu như: Liên danh Công ty cổ phần môi trường đô thị Hà Đông và Công ty cổ phần đầu tư & phát triển công nghệ cao Minh Quân, Liên danh Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long và Công ty CP môi trường đô thị Thanh Trì.

Một số đơn vị không xây dựng phương án thu gom vận chuyển rác thải  như Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai. Hay như Công ty Môi trường đô thị Đông Anh lại chưa lập phương án tổ chức sản xuất, phương án tổ chức phân công,  kế hoạch thực hiện của công nhân vệ sinh môi trường, số lượng xe thu gom và nhân công lao động thiếu thốn. Có đơn vị không thực hiện đủ tần suất duy trì ngõ xóm nhưng vẫn lập biên bản nghiệm thu thanh toán đủ khối lượng theo hợp đồng kinh tế như Công ty Môi trường đô thị Đông Anh…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới