Thứ sáu, 19/04/2024 02:09 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 31/7/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 31/07/2020 06:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/7/2020.

Cá bè chết hàng loạt trên sông Đồng Nai

Khoảng 10 ngày qua, hàng trăm hộ nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, đoạn qua địa phận thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, như ngồi trên đống lửa bởi rất nhiều cá nuôi chết bất thường.

Để cứu cá, người dân đã áp dụng nhiều biện pháp, thế nhưng tình trạng cá chết diễn biến ngày một phức tạp.

Người dân mong các ngành chức năng sớm vào cuộc, giúp người dân ngăn chặn tình trạng cá chết hàng loạt.

Những ngày gần đây, gia đình anh Phạm Ngọc Ký (người nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, đoạn qua địa phận thành phố Biên Hòa) phải liên tục vớt cá chết.

Để cứu cá, anh Ký đã vận hành hệ thống máy oxy 24/24 giờ. Tuy nhiên hệ thống máy oxy giúp cá thở cũng không giải quyết được vấn đề, mỗi ngày anh Ký vẫn mất đi khoảng 50 kg cá các loại.

Anh Phạm Ngọc Ký cho biết: Lứa cá này gia đình anh đã nuôi được hơn 6 tháng, chi phí đầu tư đến nay hết khoảng 600 triệu đồng.

Tình trạng cá chết diễn ra ngày một nhiều, gia đình anh rất hoang mang, nếu điều kiện tự nhiên không được cải thiện, tới đây hơn 40 tấn cá của gia đình anh có thể sẽ chết sạch.

Theo người nuôi cá bè, hiện tượng cá chết bất thường đang xảy ra tại hàng trăm lồng bè. Người dân cho rằng, khoảng 10 ngày qua, nước ở khu vực này có mùi hôi thối. Nguyên nhân cá chết là do nguồn nước ô nhiễm từ việc xả thải, khiến cá thiếu oxy.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, sau khi tiếp nhận thông tin về tình trạng cá chết trên sông Đồng Nai, đoạn qua thành phố Biên Hòa, chiều 30/7, Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu nước để đưa đi kiểm nghiệm, tới đây sẽ tăng cường tần suất quan trắc chất lượng nước sông tại khu vực nuôi cá bè.

Về chất lượng nước tại khu vực nuôi cá, kết quả quan trắc những lần gần đây cho thấy nhiều thông số chưa đạt quy chuẩn. Tại 3 vị trí hợp lưu suối Săn Máu, giữa khu vực nuôi cá bè và hợp lưu suối Linh có nhiều thông số chưa đạt quy chuẩn, trong đó hàm lượng vi sinh E.Coli vượt từ 15,8 đến 158 lần; Coliform vượt từ 1,1 đến 7 lần.

Theo nhận định ban đầu của Chi Cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai, tại đoạn sông này, lồng bè cá nuôi dày đặc, điều này cũng hàm lượng oxy trong nước giảm, khiến cá chết.

Trong ngày 30/7, Chi cục Thủy sản Đồng Nai cũng đã đến hiện trường, lấy mẫu cá chết đưa đi kiểm nghiệm và thống kê số lượng cá chết.

Bến Tre công bố kết thúc thiên tai do xâm nhập mặn mùa khô

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng vừa ký quyết định số 1774/QĐ-UBND công bố kết thúc thiên tai do xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Theo quyết định, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại. Song song đó, tập trung thực hiện công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả do xâm nhập mặn, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.

UBND tỉnh cũng đề nghị ngành chức năng tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình; định hướng sản xuất, hoạt động phù hợp với từng khu vực để hạn chế ảnh hưởng do xâm nhập mặn trong những năm tiếp theo.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã chính thức bước vào mùa mưa. Độ mặn trên các sông chính của tỉnh giảm nhanh, đến cuối tháng 7/2020 độ mặn 4‰ chỉ còn tồn tại cách cửa sông khoảng 5 - 8 km. Sau đó, tiếp tục giảm, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn dưới cấp độ 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay, rút kinh nghiệm trong đợt hạn mặn vừa qua, thời gian tới, Bến Tre tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, chú trọng giải pháp triển khai nhanh các công trình để chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra theo hướng bất thường và ngày càng khốc liệt hơn.

Trước mắt, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở tác động của hạn, mặn và sự thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung khép kín các công trình thủy lợi để đến năm 2023 khép kín được hệ thống thủy lợi, kiểm soát được nhiễm mặn; khẩn trương thực hiện hoàn thành đúng tiến độ các công trình dự án ngăn mặn, trữ ngọt…

Về giải pháp công trình, tỉnh ưu tiên nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh như các công trình của Dự án JICA 3. Các hạng mục còn lại của dự án thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre, nhất là gia cố hệ thống đê ven sông; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển…

Tỉnh xây dựng hoàn thành các công trình cấp nước dở dang, đồng thời nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo quản và vận hành các công trình hiện có đảm bảo hoạt động có hiệu quả; rà soát, đánh giá hiệu quả các đập tạm để nâng cao hiệu quả sử dụng trong thời gian tới. Ngành chức năng tỉnh phối hợp vận động người dân thực hiện trữ nước ngọt và nước mưa để dự phòng sử dụng khi hạn mặn xảy ra.

Lũ lụt ở Trung Quốc ảnh hưởng 55 triệu người, thiệt hại 20 tỷ USD

Báo cáo mới nhất về thiệt hại do lũ lụt ở Trung Quốc sau 2 tháng đã khiến 55 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại lên tới trên 20 tỷ USD.

Cụ thể có 54,8 triệu người dân chủ yếu ở các địa phương miền Nam, dọc theo sông Dương Tử (Trường Giang) đã phải hứng chịu thảm họa lũ lụt lớn tàn phá trong hai tháng mùa mưa năm nay.

Con số 20 tỷ USD nói trên mới là ước tính thiệt hại sơ bộ về tài sản và kinh tế trực tiếp, trong khi đập Tam Hiệp đã dường như không đủ năng lực để giảm thiểu các tác động của lũ lụt. Thậm chí con số người chết vì thiên tai sau hai tháng lũ lụt ở Trung Quốc đang được cho là “thấp một cách đáng ngờ”.

Theo Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp, các trận mưa lớn gây ra lũ lụt ở Trung Quốc đã khiến khắp các lưu vực ba con sông lớn, bao gồm Dương Tử, Hoàng Hà và Hoài Hà đã ảnh hưởng đến 54,8 triệu người ở 27 khu vực tỉnh thành, tính đến ngày 28/7. Số người chết và mất tích vì lũ lụt, theo hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã đến nay là 158 người, tỷ lệ được dư luận coi là “phi thường”.

Chính quyền các địa phương đã sơ tán 3,76 triệu người ra khỏi các khu vực bị lũ lụt tàn phá; 41.000 ngôi nhà đã bị sập đổ và 368.000 ngôi nhà bị hư hỏng do ngập úng kéo dài. Tổng cộng đã có 5.283 ha đất nông nghiệp đã bị nước lũ nhấn chìm và ước thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 144,43 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 20,66 tỷ USD).

So với mức trung bình cùng kỳ 5 năm trước, số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm nay đã tăng 23,4%, số dân cư phải sơ tán đã tăng 36,7% và thiệt hại kinh tế trực tiếp đã tăng 13,8%. Tuy nhiên hai chỉ số thiệt hại về người chết - mất tích đã giảm 53,9% và số nhà bị sập đổ đã giảm 68,4%.

Tình trạng lũ lụt ở Trung Quốc năm nay được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 1998 và thậm chí còn khủng khiếp hơn về quy mô, nhưng điều kỳ lạ là số người chết lại ít “một cách đáng ngờ” đã gây ra nhiều đồn đoán tỷ lệ này có thể bị giới chức bỏ qua.

Sạt lở “rình rập” từng ngày ở Đồng bằng sông Cửu Long

Sạt lở ở ĐBSCL diễn ra ngày càng khốc liệt và dồn dập. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, tại TP.Cần Thơ đã xảy ra 17 vụ sạt lở (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019) với tổng chiều dài hơn 1.000m, ảnh hưởng đến 37 căn nhà; trong đó có 4 căn bị sạt hoàn toàn, thiệt hại tài sản hơn 12 tỉ đồng. Các quận, huyện xảy ra sạt lở gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền và Vĩnh Thạnh.

Còn tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chỉ trong ngày 28/5/2020 đã xảy ra 4 điểm sạt lở đất bờ sông trên các tuyến kênh Cái Muồng, Cái Đôi và Mái Dầm. Trong đó, Mái Dầm là tuyến nguy cơ cao, thường xuyên bị sạt lở ở hai bên bờ sông, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, đi lại của người dân mấy năm nay.

Nhiều tuyến đê biển ở một số tỉnh vùng ven biển ĐBSCL cũng đang bị tổn thương nghiêm trọng do hiện tượng xói lở bờ biển gây ra. Đã có hàng chục kilômét đê biển ngày đêm bị ảnh hưởng, những vạt rừng phòng hộ ven biển bị cuốn trôi.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển các tỉnh ĐBSCL. Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra trong mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, từ các tuyến sông chính đến hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm.

Đặc biệt, khoảng ba năm gần đây, tình trạng xói lở bờ biển đã đi sâu vào đất liền, cuốn trôi nhiều dãy rừng ngập mặn, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, hiện tượng này đang có dấu hiệu lan rộng với quy mô ngày càng lớn.

Trước diễn biến phức tạp của hiện tượng này, nhất là vào dịp tháng 9, tháng 10 hằng năm, các địa phương trong vùng ĐBSCL như: An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Long An… đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn.

Lý giải nguyên nhân gây sạt lở ở ĐBSCL, đại diện Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn (Tổng cục KTTV) cho biết, hoạt động xây dựng làm hẹp dòng chảy tại các ngã ba, ngã tư tạo dòng chảy siết hoặc do dòng chảy trên một số sông rạch có sự thay đổi, lưu lượng nước mùa lũ thấp và áp lực dòng chảy trên sông giảm; cùng với đó, một số khu vực nền đất yếu, nhiều tàu bè qua lại gây áp lực lên bờ gây sạt lở...

Bên cạnh đó, tác động từ thượng nguồn, lượng phù sa từ thượng nguồn về ĐBSCL càng ngày càng bị suy giảm do các đập thuỷ điện ở thượng nguồn ngăn chặn phù sa từ thượng nguồn về ĐBSCL, tương lai các nước xây thêm các đập thuỷ điện khác vùng ĐBSCL càng bị tổn thương hơn nữa. Xu thế giảm của hàm lượng và tổng lượng chất lơ lửng từ sông Mê Công góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở ở vùng ĐBSCL.

Mặt khác, thảm rừng phòng hộ mỏng, ít hoặc không còn rừng phòng hộ tác động của thủy triều, sóng và gió cũng gây sạt lở bờ biển ở khu vực này.

Hải Dương: Chỉ đạo xử lý rác thải tồn đọng tại xã Việt Hồng

Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương vừa thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản về phương án xử lý lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng trong Khu liên hiệp xử lý rác thải xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà (Hải Dương).

Cụ thể, giao Công ty Cổ phần Quản lý công trình Đô thị Hải Dương xử lý, đốt toàn bộ khối lượng rác thải khoảng 25.000 tấn còn tồn đọng tại kho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt ODA (thời gian hoàn thành chậm nhất trước ngày 8/11/2020). Công ty Cổ phần  Môi trường đô thị Hải Dương và Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương có trách nhiệm thanh toán, chuyển trả đầy đủ, kịp thời kinh phí xử lý cho Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương.

Công ty Cổ phần Môi trường APT - Seraphin có trách nhiệm xử lý, đốt toàn bộ lượng rác khoảng 37.000 tấn còn tồn đọng trong khuôn viên Công ty (thời gian hoàn thành trước ngày 8/3/2021). Kinh phí do Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin tự lo.

Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương chủ trì phối hợp với Đoàn Thanh tra tỉnh (thành lập theo Quyết định số 467/QĐ-TTr ngày 22/7/2019), Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương, Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương thành lập đoàn công tác xác minh lượng rác đã thu gom từ các doanh nghiệp. Sau khi trừ đi khối lượng rác vận chuyển đến Công ty Cổ phần Giao thông, môi trường đô thị Chí Linh, phần còn lại được coi là rác thải công nghiệp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 31/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.