Thứ năm, 25/04/2024 13:10 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/7/2020

MTĐT -  Thứ hai, 06/07/2020 06:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/7/2020.

Đồng Nai: Chôn lấp hơn 460 rác thải sinh hoạt mỗi ngày

Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, hơn 460 tấn (gần 30%) chất thải sinh hoạt/ngày đang được xử lý bằng biện pháp lạc hậu là chôn lấp. Điều này gây ra những hệ lụy rất lớn cho môi trường, mất diện tích đất, lãng phí nguồn tài nguyên.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Đồng Nai phát sinh khoảng 1.885 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Khoảng 1.550 tấn rác được đưa về các khu xử lý chất thải tập trung, còn lại tự xử lý theo hướng dẫn. Gần 1.087 tấn rác thải rắn tái chế/sản xuất compost và đốt, khoảng 463 tấn chôn lấp.

Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU năm 2020 của Tỉnh ủy về thu gom, xử lý chất thải các loại, đến nay, 99% chất thải rắn sinh hoạt, 100% chất thải y tế và chất thải công nghiệp không độc hại được thu gom, xử lý theo quy định, 100% các khu công nghiệp đủ điều kiện đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt quan trắc tự động, riêng chỉ tiêu giảm chôn lấp rác thải sinh hoạt xuống dưới 15% chưa đạt.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, việc sử dụng công nghệ xử lý rác lạc hậu; hạ tầng cho thu gom, xử lý rác chưa đảm bảo; chưa triển khai sâu rộng và hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn là nguyên nhân dẫn đến mục tiêu giảm chôn lấp rác thải sinh hoạt chưa đạt.

Hiện Đồng Nai đang làm mọi cách để hoàn thành chỉ tiêu này trong năm 2020, trong đó có, đẩy mạnh thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Đây là cơ sở cần thiết để tăng tỷ lệ rác thải tái chế, giảm thiểu tối đa rác thải chôn lấp; đầu tư hạ tầng cho phân loại, thu gom và xử lý chất thải sau phân loại; đôn đốc các đơn vị xử lý rác đổi mới công nghệ, tăng công suất xử lý chất thải sinh hoạt.    

Ra quân thực hiện chiến dịch "Hãy làm sạch biển" Nghệ An

Ngày 5/7, Hải đội 2, BĐBP Nghệ An phối hợp với chính quyền phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch "Hãy làm sạch biển" và "Ngày Chủ nhật xanh" tại khu vực cảng Cửa Hội và đường ven sông Lam.    

Trên 200 cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 và các đoàn viên, thanh niên cùng người dân địa phương đã ra quân làm sạch gần 3 km bờ biển, thu gom trên 3 tấn rác thải, vật liệu, chai lọ, phế thải nhựa thuộc khu vực cảng Cửa Hội và đường ven sông Lam; đồng thời tuyên truyền tới người dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác thải ra bờ biển.

Chiến dịch ra quân “Hãy làm sạch biển” và “Ngày Chủ nhật xanh” được Hải đội 2 phối hợp ra quân hàng tháng với mục tiêu phát huy có hiệu quả vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên và cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong việc tham gia bảo vệ môi trường, cùng nhau hành động vì một bãi biển xanh, sạch, đẹp.

Nhân dịp này, đơn vị đã trao tặng 18 áo phao cho 6 tổ an ninh tự quản trên biển và 4 suất quà cho các hộ gia đình chính sách có công với cách mạng, thắp hương nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020).

Sạt lở tại Cà Mau, 10 hộ dân bị 'nuốt' mất nhà trong đêm

Ngày 5/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết, tại xã Tam Giang vừa xảy ra vụ sạt lở khiến nhiều nhà dân bị ảnh hưởng.

Theo đó, khoảng 23h05, ngày 4/7 tai khu vực chợ Kênh 17, tuyến Kênh 17, xã Tam Giang xảy ra sạt lở, sụt lún đất với chiều dài khoảng 50m, chiều rộng từ mép bờ vào khoàng 15m, độ sâu khoảng 6 m.

Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng đã khiến 12 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn và 2 căn nhà khác bị thiệt hại một phần. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 810 triệu đồng.

Nhận được thông tin, chính quyền địa phương huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả. UBND huyện Năm Căn cũng thành lập đoàn đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại.

Sóc Trăng triển khai nhiều mô hình thích ứng với hạn, mặn

Sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015, 2016; đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, người dân Sóc Trăng và nhiều tỉnh, thành khác ở đồng bằng sông Cửu Long lại trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp làm nhiều diện tích lúa, cây ăn trái và rau màu bị ảnh hưởng, đời sống người dân gặp không ít khó khăn do bị thiếu nước sinh hoạt.

Để thích ứng với tình trạng này, nhiều giải pháp ứng phó ứng phó, đẩy mạnh phát triển các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai. Từ việc khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi đến việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp và được nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng áp dụng đang mang lại hiệu quả.

Trong đó, phải kể đến thống tưới phun nước tiết kiệm - mô hình được nhiều nhà vườn ở các huyện: Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Cù Lao Dung… chủ động đầu tư. Hệ thống áp dụng công nghệ tưới phun tiết kiệm nước, giúp khắc phục tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa hạn, mặn.

Theo một chủ nhà vườn ở xã Song Phụng (huyện Long Phú), chỉ qua 2 tháng áp dụng lắp đặt hệ thống tưới phun nước tiết kiệm đã cho thấy hiệu quả hơn so với cách tưới bằng máy trước đó, từ đó đã giúp tiết kiệm được chi phí, công sức và thời gian so với cách tưới bằng máy trước đây.

Chưa kể, do hệ thống tưới được kết nối với điện thoại thông minh thông qua internet nên rất tiện lợi trong việc điều khiển hệ thống. Lượng nước ngọt được trữ trong mương nội đồng cũng được tiết kiệm rất nhiều do cách tưới phun. Với khoảng thời gian này thì hệ thống tiêu thụ điện rất ít, tiết kiệm hơn 150.000 đồng so với cách tưới truyền thống.

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đang đặt ra những thách thức lớn đối với nhiều địa phương hiện nay nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tình hình thực tế đang được nhiều nơi áp dụng. Một trong những mô hình nổi bật trong thời gian qua ở Sóc Trăng là trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát ở Thị xã Ngã Năm.

Do là vùng phèn, trũng nên Thị xã Ngã Năm đã xác định ưu tiên đầu tư mô hình trồng mãng cầu gai bởi tính hiệu quả của mô hình có thể chịu mặn được trên 5‰, thích hợp ở vùng phèn, mặn; ban đầu chỉ có vài chục hécta mãng cầu gai nhưng đến nay đã có trên 500ha.

Hiện nay, loại cây trồng này đã được hỗ trợ sản xuất theo hướng VietGAP và là cây trồng hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập. Ngoài việc bán trái tươi, nông dân trồng mãng cầu còn được doanh nghiệp thu mua làm nguyên liệu để làm mứt, chế biến trà mãng cầu.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới