Thứ sáu, 26/04/2024 05:05 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/8/2020

MTĐT -  Thứ năm, 06/08/2020 06:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/8/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/8/2020.

Mưa lớn gây sạt lở một số tuyến đường ở Sa Pa

Mưa lớn trong những ngày qua khiến một số tuyến đường tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai bị sạt lở, gây cản trở giao thông.

Cụ thể, sạt lở xuất hiện trên tỉnh lộ 152, đoạn Km 1+800 và trên tuyến đường liên xã nối trung tâm thị xã Sa Pa với xã Hoàng Liên và điểm du lịch Cát Cát khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

Riêng trận mưa trong đêm 4/8 rạng sáng 5/8 với lượng khoảng 100mm khiến 3 hộ gia đình ở phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa bị nước kéo theo bùn đất vào nhà gây ảnh hưởng tài sản, ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

Sau khi thiên tai xảy ra, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có mặt hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, xử lý các điểm sạt lở khôi phục giao thông.

Ứng phó ngập lụt, Hà Nội vận hành 43 trạm bơm tiêu úng

Sáng và chiều nay (5-8), khu vực nội thành Hà Nội đã xảy ra mưa lớn, như: Đống Đa 48,6mm, Hai Bà Trưng 44,8mm, Long Biên 48,3mm, Tây Hồ 31,5mm... Khu vực ngoại thành Hà Nội có lượng mưa thấp hơn, như: Mê Linh 33,4mm, Đông Anh 31,1mm, Quốc Oai 29,5mm, Sóc Sơn 21,2mm...

Tuy nhiên, đêm qua (4-8), khu vực ngoại thành đã xảy ra mưa lớn, như: Huyện Ba Vì 113mm, thị xã Sơn Tây 59mm, huyện Thạch Thất 37,8mm...

Tính từ ngày 1-8 đến chiều 5-8, tổng lượng mưa tại khu vực ngoại thành Hà Nội phổ biến ở mức 120-150mm. Một số nơi có lượng mưa lớn hơn, như: Ba Vì 242mm, Thạch Thất 196mm, Phúc Thọ 183mm... Do lượng mưa lớn, xảy ra trong thời gian ngắn nên khoảng 253ha lúa ở vùng trũng thấp thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai... đã bị úng ngập.

Về diễn biến thời tiết, cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, từ đêm 5-8 đến ngày 8-8, khu vực thành phố Hà Nội xảy ra mưa rào và dông; riêng đêm 5-8 và sáng sớm 6-8 xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Nhiều tuyến phố khu vực nội thành có khả năng xảy ra úng ngập từ 0,1m đến 0,3m, như: Huỳnh Thúc Kháng, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa); Lê Văn Lương, Tố Hữu (quận Thanh Xuân), Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Chu Văn An (quận Ba Đình); Hoa Bằng, Nguyễn Khang, Tô Hiệu (quận Cầu Giấy); Bát Đàn, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Chính, Tân Mai, chân cầu Vĩnh Tuy, Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai); Mạc Thị Bưởi (quận Hai Bà Trưng)… Khu vực ngoại thành có thể gia tăng diện tích sản xuất nông nghiệp bị úng ngập...

Phòng, chống úng ngập khu vực nội thành, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã bố trí lực lượng, phương tiện tua vớt rác tại các miệng thu, khơi thông dòng chảy trên các tuyến phố; đồng thời, vận hành Trạm bơm tiêu Yên Sở và Cổ Nhuế để hạ mực nước trên hệ thống...

3.500 ha sầu riêng ở Tiền Giang chết trắng do hạn mặn

Sầu riêng là loại cây trồng lâu năm, chăm sóc khoảng 5 năm mới có thể thu hoạch trái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng đây cũng là loại cây nhạy cảm với môi trường sống, không thể chịu được nước tưới hoặc đất trồng bị nhiễm mặn.

Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, trên toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay có hơn 14.000 ha sầu riêng tập trung chủ yếu ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Có 4.500 ha sầu riêng bị thiệt hại, trong đó diện tích sầu riêng bị chết trắng là 3.500 ha, người dân nhiều nơi buộc phải chặt bỏ để chuyển đổi giống cây trồng.

Thậm chí nhiều hộ dân không đủ khả năng kinh tế để thuê máy cưa đành bỏ mặc để cây sầu riêng làm củi. Tuy nhiên, giá nhiều loại cây giống hiện nay ở mức khá cao, gấp 2 - 3 lần, thậm chí một số loại cây có khả năng chịu mặn tốt có mức giá cao hơn đến 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một số loại cây trồng chủ yếu được lựa chọn như sapo, mít, bưởi, nhãn, mãng cầu na...

Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, từ tháng 3/2020 các vườn sầu riêng bắt đầu suy kiệt, rụng lá và chết dần mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại.

Cần Thơ thiệt hại hơn 21 tỷ đồng do thiên tai

Ngày 5/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, các trận mưa lớn kèm theo dông lốc trong những ngày đầu tháng 8 trên địa bàn thành phố đã gây thiệt hại khá lớn về tài sản cho người dân.

Cụ thể, tính đến chiều 4/8, Cần Thơ đã có 100 căn nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo do mưa dông, lốc xoáy, trong đó nhà bị sập là 12 căn. Các quận, huyện có số lượng nhà sập, tốc mái nhiều nhất là huyện Thới Lai, quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền. Ngoài ra, các trận mưa to kèm theo dông lốc còn làm đổ ngã nhiều cây xanh, trụ điện, các biển quảng cáo… với thiệt hại tài sản ước tính hơn 1 tỷ đồng. Rất may không có thương vong về người.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", ngay sau khi dông lốc xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện đã xuống hiện trường, cùng với UBND các xã, phường kiểm tra thực địa, trực tiếp chỉ huy công tác khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Bên cạnh đó, chỉ đạo cho điện lực các quận, huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tại các vị trí có trụ điện đổ ngã để tránh nguy hiểm đến tính mạng người dân cũng như đảm bảo nguồn điện sinh hoạt tại khu vực.

Theo ông Nguyễn Quý Ninh, trước mắt Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố tạm ứng cho huyện Thới Lai 150 triệu đồng và quận Ô Môn 50 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai; đồng thời phối hợp cùng các quận, huyện tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.