Thứ năm, 25/04/2024 11:40 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/8/2019

MTĐT -  Thứ tư, 07/08/2019 11:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 7/8/2019.

Truy thủ phạm khiến nước đập Dâng hồ Ngàn Trươi ô nhiễm nặng

Gần 1 tháng nay, nước từ cửa hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang (thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) và vị trí đập Dâng chuyển màu đỏ đục, nổi váng, bốc mùi hôi thối. Ô nhiễm không chỉ tác động đến sinh hoạt, đời sống của hơn 300 hộ dân thị trấn Vũ Quang, ảnh hưởng đến tưới tiêu cho hàng nghìn ha diện tích hoa màu của 6 huyện bắc Hà Tĩnh.

Đây không phải lần đầu tại đây xảy ra hiện tượng nước ô nhiễm. Trước đó, từ ngày 13 - 16/5 nước đập Dâng cũng chuyển màu đỏ đục. Kết quả quan trắc mẫu nước thời điểm đó cho thấy có nhiều điểm thông số Fe, Amoni, CO, COD vượt ngưỡng.

Dư luận đặt nghi vấn lượng sắt rò rỉ từ nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang (thuộc Cty CP Gang thép Hà Tĩnh) bị bỏ hoang 6 năm nay. Qua quan sát, dự án này xây dựng tại thôn 3, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang nằm dưới hồ chứa nước Ngàn Trươi - Cẩm Trang.

Nhiều hạng mục như hệ thống đập, nghiền, sàng quặng, lò đốt thiêu kết, các dây chuyền thiết bị của nhà máy cũng đã hư hỏng, hoen gỉ, cây cối mọc um tùm. Hàng chục bãi đổ xỉ thải sắt, quặng được chất thành từng khối khổng lồ. Trong nhà máy, có khoảng 8 vạn tấn sản phẩm quặng nằm tồn kho từ năm 2013, số lượng này được để ở ngoài trời, không che chắn.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND thị trấn Vũ Quang cho biết, nghi vấn nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang là “tác nhân” khiến dòng nước Ngàn Trươi chuyển màu đỏ là không có cơ sở. Bởi nhà máy này cách hồ Ngàn Trươi khoảng 7km, bỏ hoang từ nhiều năm nay, còn tình trạng nước chuyển đỏ xảy ra trong thời gian gần đây.

Dồn sức cho người dân vùng lũ

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến các huyện miền núi của Thanh Hóa phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Người dân nơi đây bắt đầu gượng dậy sau những đau thương, mất mát. 

Sau khi bị cơn lũ quét xóa sổ, sáng ngày 6/8, chúng tôi quay lại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, vẩn lên trong không khí từ đầu bản là mùi rêu củi, mùi nhựa cây và cả mùi tanh lợm của xác động vật lẫn đâu đó trong các đống đổ nát. Có lẽ không thể dùng bất cứ thứ từ ngữ nào để lột tả hết được những đau thương, mất mát mà người dân Sa Ná đang phải trải qua.

Trong tận cùng nỗi đau Sa Ná, anh Hà Văn Vân là người thống khổ nhất. Vừa rời bản Sa Ná xuống tìm việc ở thành phố Thanh Hóa được 1 ngày đã phải trở về đối diện với thảm họa “không gia đình”. Có lẽ đến bây giờ anh vẫn chưa hiểu điều gì đã và đang xảy ra và có thể, anh vẫn hi vọng đây chỉ là một cơn ác mộng.

Trong lúc bi quẫn ấy, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt đã nhận Vân làm em kết nghĩa, với hy vọng, Vân tìm được một chỗ dựa về tinh thần, vượt qua đau thương vô bờ bến này.

Ông Đạt nói: “Thương và đau lắm! Chỉ hy vọng Vân và bà con Sa Ná vượt qua cơn khủng hoảng. Để mọi việc nguôi ngoai, mình sẽ đưa cậu ấy về, tìm cho một công việc phù hợp và tính chuyện lâu dài!”.

Đến sáng ngày 6/8, nước trên sông Luồng đã rút, nhưng công tác đưa hàng cứu trợ về với bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì đường đi hiểm trở, xe cơ giới vẫn bị vô hiệu hóa. Với những nạn nhân còn mất tích, huyện Quan Sơn vẫn duy trì lực lượng và phương tiện chia thành 3 mũi tiếp tục tìm kiếm người mất tích trên toàn tuyến sông Luồng thuộc các xã Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn, Na Mèo.

Trong công tác triển khai tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang thành lập các tổ công tác, bao gồm, công an, quân đội, biên phòng, y tế và người dân địa phương vượt sông Luồng mang theo lương thực, thuốc chữa bệnh tiếp tế cho các bản bị chia cắt, cô lập.

Sở GTVT Thanh Hóa bố trí phương tiện, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với các địa phương khắc phục sạt lở trên các tuyến QL217, 15C, 16, các tuyến đường tỉnh để bảo đảm giao thông thông suốt trong thời gian sớm nhất.

Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp bảo vệ đê biển Tây

Ngày 6/8, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chính thức ký, ban hành Quyết định số 1278/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây (Cà Mau).

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoanh vùng đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở; thiết lập hành lang an toàn, tháo dỡ công trình, di dời nhà cửa, vật kiến trúc ảnh hưởng hành lang đê điều, hạ tải trọng trong phạm vi thiết lập, lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở, xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu để trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở tổ chức bảo vệ đê.

UBND huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.

Cơ quan báo, đài trên địa bàn kịp thời thông báo, cảnh báo tình trạng sạt lở đê biển Tây của tỉnh để nhân dân trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở biết mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh.

Về các biện pháp khắc phục sự cố sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án, huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế quá trình đào, khoét mái và thân đê biển Tây trong những đoạn đê biển được cảnh báo, nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở. Sở phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.

Campuchia kiên quyết ngăn chặn nhập khẩu trái phép rác thải nhựa

Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra cho biết để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu trái phép các loại rác thải nhựa và rác thải độc hại, các cơ quan chức năng Campuchia, đặc biệt là hải quan, sẽ tăng cường kiểm tra và hợp tác chia sẻ thông tin với các quốc gia khác trong khu vực.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Hải quan và Thuế quan (GDCE) Kun Nhimcho biết luật pháp Campuchia cấm mọi hình thức nhập khẩu rác thải nhựa và những nhà nhập khẩu sẽ phải đối mặt với các án phạt. Những công ty bị phát hiện nhập khẩu rác thải nhựa và các loại rác thải độc hại sẽ bị phạt và phải gửi trả cho quốc gia mà những kiện rác thải này được xuất đi.

Hôm 16/7 vừa qua, nhà chức trách Campuchia phát hiện 83 container chứa đầy rác thải nhựa tại cảng Sihanoukville Autonomous thuộc tỉnh Preah Sihanouk. Tổng khối lượng rác thải phát hiện lên tới 1.592 tấn, được xác định xuất phát từ Mỹ và Canada, trong đó 70 container từ Mỹ (nặng 1.322 tấn) và 13 container từ Canada (nặng 270 tấn).

Số rác thải này do Công ty sản xuất nhựa Chungyuen nhập khẩu và đưa vào Campuchia trong 27 lần chuyển giao kéo dài từ tháng 9/2018 tới tháng 1/2019. GDCE quyết định phạt công ty này 1,03 tỷ riel (253.900 USD) vì hành vi nhập khẩu rác thải trái phép, đồng thời cảnh báo Chungyuen sẽ bị kiện ra tòa nếu không gửi trả những container rác thải kể trên trước hạn chót.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới