Thứ ba, 19/03/2024 13:33 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2019

MTĐT -  Thứ năm, 08/08/2019 14:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/8/2019.

Cần Thơ xử lý 3.000 tấn rác để phát điện

Ngày 7/8, Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đào Anh Dũng về việc xử lý rác tại bãi rác thuộc khu xử lý chất thải rắn huyện Cờ Đỏ.

Trước đó, Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ, chủ đầu tư Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ, có đề nghị đốt thử nghiệm miễn phí khoảng 3.000 tấn rác thải đang được chôn lấp ở các bãi rác do thành phố quản lý.

Qua làm việc với Công ty EB và các sở, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng thống nhất triển khai thực hiện thí điểm việc xử lý rác cũ chôn lấp tại bãi rác Cờ Đỏ theo phương án đề xuất của Công ty EB. Chi phí bốc dỡ, xử lý đốt rác cũ do Công ty EB phụ trách. Chi phí vận chuyển rác cũ do thành phố chi trả.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lập dự toán kinh phí vận chuyển rác từ bãi rác Cờ Đỏ về Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND thành phố thực hiện theo đúng quy định; tổ chức khảo sát thực trạng rác cũ chôn lấp tại bãi rác Cờ Đỏ, trên cơ sở đó xác định mức độ bốc dỡ rác cũ vận chuyển về nhà máy xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát chặt chẽ khối lượng tro bay phát sinh khi Công ty EB xử lý đốt rác cũ, đảm bảo trong giới hạn cam kết của công ty với thành phố; tham mưu cho thành phố soạn văn bản xin ý kiến Tổng cục Môi trường điều chỉnh vị trí chôn lấp tro bay của Nhà máy xử lý chất thải rắn từ khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai sang khu xử lý chất thải rắn huyện Cờ Đỏ.

Cùng với đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, vận động người dân, các đơn vị thu gom, vận chuyển hạn chế lượng nước trong rác thải cung cấp về Nhà máy xử lý chất thải rắn. Các UBND quận, huyện triển khai thực hiện việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn.

Đồng Tháp thiệt hại hơn 43 tỷ đồng do sạt lở

Chiều 7/8, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa ban hành kế hoạch “Ứng phó và khắc phục sạt lở bờ sông đến cuối năm 2019” trên địa bàn tỉnh.

Qua thống kê cho thấy, hiện toàn tỉnh có 21 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố bị sạt lở; với tổng số điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở tới 85 điểm; diện tích sạt lở 19,86ha. Trong năm 2018 và đến tháng 6-2019, các địa phương đã thực hiện di dời 409 hộ bị sạt lở đến nơi an toàn; tổng thiệt hại về vật chất do sạt lở gây ra hơn 43 tỷ đồng.

Nguyên nhân do tác động của dòng chảy trên các sông gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực cù lao, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định. Ngoài ra, sạt lở còn do các hoạt động của con người như khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép; neo đậu bè cá và nuôi thuỷ sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông cũng làm thay đổi lòng dẫn, cản trở thoát lũ; biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

UBND tỉnh Đồng Tháp cảnh báo, tình hình sạt lở bờ sông nguy cơ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt đoạn bờ sông thuộc các xã Thường Phước 1, Long Thuận, Phú Thuận A (huyện Hồng Ngự); xã Tân Bình, An Phong, Bình Thành (huyện Thanh Bình); xã Tịnh Thới, Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Phường 6  (TP Cao Lãnh); xã An Hiệp (huyện Châu Thành)…

Hiện nay đang vào mùa mưa bão, lũ… diễn biến sạt lở và thiên tai rất khó lường. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh kiểm tra sạt lở bờ sông và thực hiện các giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện thực tế; Sở NN-PTNT phối hợp với các huyện xác định vành đai các khu vực sạt lở, làm cơ sở di dời dân đến nơi an toàn; tiếp tục thi công các công trình hạ tầng trong 53 cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 để bố trí dân vào ở; các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực đang sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở theo phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng”… Ngoài ra, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở…

Chung tay ‘Giải cứu đại dương’, cùng làm sạch bãi biển

Sáng 7/8, tại TP. Đà Nẵng, gần 1.000 tình nguyện viên đã tham gia sự kiện “Giải cứu đại dương”, chung tay cùng làm sạch bãi biển. Sự kiện do TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức.

Hiện nay, các hệ sinh thái biển và đại dương đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi rác thải nhựa. Mỗi năm có thêm khoảng 8 triệu tấn rác thải đổ vào đại dương, dẫn đến tổng số rác nhựa tích tụ là 150 triệu tấn. 80% số rác nhựa có nguồn gốc từ đất liền. Việt Nam là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác nhựa lớn nhất thế giới.

Sự kiện dọn rác “Giải cứu đại dương” không chỉ nhằm cùng Đà Nẵng làm sạch bãi biển, trả lại cảnh quan môi trường, mà còn hướng tới việc nâng cao nhận thức của tất cả các bên về thực trạng, tác hại của rác thải đối với sự sống, từ đó thay đổi hành vi sử dụng và thải loại rác nhựa ra môi trường.

Quảng Bình: Đổi lịch thu gom rác vì ảnh hưởng người dân, du khách

Tiếp nhận ý kiến của người dân, ngày 6/8 công ty cổ phần môi trường và phát triển đô thị Quảng Bình đã điều chỉnh thời gian quét rác trên các tuyến đường từ 22h trở đi cho đến khi hoàn thành công việc ở 113 tuyến đường đô thị tại Tp. Đồng Hới…

Trước đó, khoảng tháng 6/2019, khi đội ngũ công nhân dọn vệ sinh, thu gom rác sinh hoạt thay đổi thời gian thu gom rác vào khoảng 18h hàng ngày đã dẫn đến rác sinh hoạt tại các nhà dân nhiều khi phải “phơi nắng” cả một ngày trời ở cổng nhà gây nên mùi khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống.

Nhiều người cho rằng, công việc đi làm về nhà chuẩn bị cơm nước ăn uống xong cũng hơn 20h tối dọn dẹp đổ rác nhưng hôm sau đi làm về vẫn còn đó. Trời mùa hè nắng gắt, mùi hôi từ những túi rác gây khó chịu và ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống.

Không chỉ việc rác sinh hoạt tại các hộ dân, các tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du và một số đường khác người dân và khách du lịch phải hứng chịu mùi hôi của rác thải, bụi bặm từ việc quét đường.

Nhiều quán ăn, quán cafe vĩa hè du khách phải hứng chịu sự ô nhiễm không đáng có làm mất hình ảnh của thành phố…

Vào thời điểm từ 18h hàng ngày trở đi, lượng lưu thông của các phương tiện trên các tuyến đường khá nhiều đặc biệt là thứ 7 và chủ nhật khi du khách về lưu trú và bắt đầu tham quan thành phố bằng xe điện thì phải bịt miệng qua những điểm tập kết rác thải.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới