Thứ bảy, 20/04/2024 05:37 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 08/08/2020 06:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/8/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/8/2020.

TP.HCM: Quản lý việc thải bỏ, thu gom rác thải cồng kềnh

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo các quận, huyện và các công ty dịch vụ công ích tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động thải bỏ và thu gom loại rác thải cồng kềnh.

Rác cồng kềnh là các loại chất thải rắn có kích thước, bề dày lớn (giường, tủ, bàn ghế hỏng, nệm, tấm thạch cao lớn…), vừa khó chất xếp lên xe vận chuyển thủ công, xe tải nhỏ, vừa khó cuốn ép, xử lý. Không những vậy, rác cồng kềnh có chất liệu đa dạng, từ gỗ, nhựa, thạch cao, sắt, thép… nên không thể đem chôn lấp tất cả mà cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp.

Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND các quận, huyện cần tăng cường quản lý chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn; công bố công khai số điện thoại của cơ quan chức năng cho người dân biết và phản ánh khi cần thiết; hướng dẫn người dân cách thức thu gom rác thải cồng kềnh một cách hợp lý. Tránh trường hợp người dân bỏ rác thải cồng kềnh không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp địa phương đã có công bố dịch vụ thu gom mà người dân không tuân thủ và thải bỏ chất thải rắn cồng kềnh không đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, đến nay, TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước chưa có quy định riêng về quản lý loại chất thải này. Cho nên, khi người dân phát sinh các loại rác thải cồng kềnh thường thuê các đơn vị, cá nhân đến vận chuyển đi; đồng thời nhiều người lén lút đem vứt bỏ tại các khu vực công cộng.

Đồng Nai: 73% hộ gia đình phân loại rác đúng theo hướng dẫn

Theo báo cáo của Sở TN-MT Đồng Nai , tính đến hết tháng 7-2020, 11 huyện, thành phố đã tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ở 67 xã, phường; 106 trường học từ mầm non đến THPT và 3 chợ.

Kết quả có hơn 61,3 ngàn hộ gia đình đăng ký tham gia, trong đó gần 28,6 ngàn hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đúng theo hướng dẫn, đạt tỷ lệ 73%. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phân loại được thu gom và xử lý là 304 tấn/ngày, đạt 16,6% so với tổng lượng chất thải rắn phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh là 1.833 tấn/ngày.

Hiện đã có 3 địa phương là: TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu, H.Thống Nhất xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 5739/KH-UBND ngày 28-5-2020 của UBND tỉnh Đồng Nai  về thực hiện phân loại rác thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.  

Đồng Tháp: Bắt quả tang cơ sở xả thải ra môi trường

Vừa qua, tại ấp An Bình, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Đồng Tháp cùng Công an địa phương phát hiện bắt quả tang cơ sở mua bán cấp đông, sơ chế thủy sản Tân Nhiệm do ông Nguyễn Duy Tân (SN 1978) ngụ cùng địa phương làm chủ đang có hành vi xả nước thải sản xuất trực tiếp không qua xử lý ra sông Hậu qua đường ống nhựa dài 15m, đường kính phi 90mm, nước thải có màu hồng nhạt, mùi hôi.

Tổ công tác đã thu mẫu nước thải để kiểm định. Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát môi trường tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định.

Hạn hán tàn phá hơn 40.000 hécta lúa của Campuchia

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, kênh tưới nước ở tỉnh Banteay Meanchey đã cạn khô. Hạn hán đang tàn phá nghiêm trọng trên 40.000 hécta lúa tại các tỉnh Battambang, Banteay Meanchey và một số tỉnh khác, trong khi nguồn nước trên khắp Campuchia tiếp tục cạn dần.

Cố vấn Ủy ban Quốc gia về Quản lý Thảm họa của Campuchia (NCDM) Keo Vy cho rằng sẽ rất khó để bơm đủ nước cho các khu vực chịu ảnh hưởng của khô hạn. Lúa được trồng từ tháng 5, tháng 6 và dự kiến thu hoạch vào tháng 8 và tháng 9 này, nhưng biến đổi khí hậu đã làm thay đổi lịch mùa vụ. Hơn 40.000 hécta lúa đang bị đe dọa vì thiếu nước trong khi 5.000 hécta khác cũng chịu thiệt hại. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Battambang, Banteay Meanchey và Kampong Thom.

Trong khi các tỉnh trên đối mặt với tình trạng thiếu nước, thì ở khu vực núi Cardamom (phía Tây Nam) và Cao nguyên Đông Bắc của Campuchia lại xảy ra giông lốc mạnh gây mưa và ngập lụt. Tuy nhiên, nông dân nước này cho biết lượng nước mưa vẫn ít, chưa đủ cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Battambang - ông Chhim Vachira, hạn hán trong những tuần gần đây gây thiệt hại nghiêm trọng cho 17.981 hécta lúa tại các huyện Bavel, Thma Koul và Banan thuộc tỉnh này. Có tới 1.000 hécta lúa đã bị hỏng và người nông dân phải trồng lại. Ngày 5/8, đã có mưa tại một số nơi thuộc huyện Bavel và Thma Koul, nhưng lượng mưa ít và huyện có thể phải bơm nước để cứu lúa.

Báo cáo mới đây của Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết dòng chảy ngược hàng năm từ dòng Tonle Sap vẫn bị chậm trễ khiến mực nước trên Biển Hồ Tonle Sap giảm xuống rất thấp. Báo cáo của MRC đánh giá dòng chảy vào sông Mekong và lượng mưa thấp từ các khu vực thượng lưu con sông đã khiến Biển Hồ ở trong “tình trạng vô cùng nguy kịch”.

Tàu chở hàng của Nhật Bản tràn dầu sau nhiều ngày mắc kẹt ở Mauritius

Ngày 7/8, con tàu chở hàng cỡ lớn thuộc sở hữu của Nhật Bản đã bắt đầu tràn dầu sau khi bị mắc kẹt nhiều ngày tại bãi đá ngầm ở quốc đảo Mauritius.

Tàu MV Wakashio được đóng vào năm 2007, thuộc sở hữu của công ty Nagashiki Shipping của Nhật Bản nhưng treo cờ Panama. Tàu bị mắc cạn tại phá Pointe d'Esny của Mauritius vào ngày 25/7 khi đang trên đường từ Singapore đến Brazil.

Toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 20 người đã được sơ tán khỏi tàu. Con tàu dài khoảng 300 mét này lúc đó không chở hàng nhưng chứa 200 tấn dầu diesel và 3.800 tấn nhiên liệu, gây ra nguy cơ thảm họa môi trường.

Bộ Môi trường Mauritius đã kích hoạt hệ thống chống ô nhiễm tại khu vực trên, đồng thời phong tỏa lối vào các bãi biển nằm ở phía Đông Nam khu vực này.

Trong khi đó, người phát ngôn của hãng Nagashiki Shipping cho biết để giảm thiểu ảnh hưởng của vụ việc tới môi trường, công ty đã lập hàng rào chắn và tiến hành thu vớt lượng dầu tràn ra biển.

Các nhà sinh thái học quan ngại việc tàu MV Wakashio bị thủng sẽ gây ra vụ rò rỉ dầu lớn hơn và dẫn tới một thảm họa môi trường dọc bờ biển đảo quốc này, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và đánh bắt cá.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...