Thứ sáu, 29/03/2024 17:26 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/2/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 09/02/2020 07:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/2/2020.

Xử lý nghiêm các nhà thầu vệ sinh môi trường để tồn tại rác thải

Có phương án thu gom, vận chuyển toàn bộ khối lượng rác thải sinh hoạt, phế thải phát sinh trong ngày, đặc biệt là rác thải phát sinh sau Tết; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các trường hợp để tồn tại và có biện pháp xử lý nghiêm, cần thiết chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp đã nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn vi phạm...

Đây là yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội tại văn bản 1007/SXD-HT ngày 5-2-2020 về đôn đốc công tác quản lý, duy trì vệ sinh môi trường sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 4-2 vừa qua, Báo Hànộimới phản ánh về tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt ở nhiều quận, huyện của Hà Nội những ngày sau Tết, gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau phản ánh của Báo Hànộimới, trong ngày 4-2, Sở Xây dựng đã tổ chức đoàn liên ngành: Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an thành phố, đại diện các quận, kiểm tra công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn hai quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm. Đây là hai trong số các quận, huyện còn tình trạng tồn đọng rác thải theo phản ánh của Báo Hànộimới.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác liên ngành ghi nhận một số tồn tại trong công tác duy trì vệ sinh môi trường tại các quận trên.

Cụ thể, tại quận Tây Hồ, điểm tập kết đối diện số 109 An Dương có tình trạng rác để dưới lòng đường chưa được thu dọn; điểm tập kết đầu ngõ 76B An Dương nhiều cành đào, rác thải để trên hè, dưới lòng đường; đường Nghi Tàm tập kết rác thải tại các điểm cửa khẩu dọc tuyến, đối diện ngõ 83, ngõ 276.

Tại quận Nam Từ Liêm tồn tại lượng lớn rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng phía trước Công ty Cao su Hà Nội (số 59 Nguyễn Văn Giáp); rác thải sinh hoạt tồn trên hè tại phố Miếu Đầm...

Chấn chỉnh tình trạng trên, để bảo đảm chất lượng duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các nhà thầu cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường nghiêm túc thực hiện tốt công tác duy trì vệ sinh môi trường theo quy định; không để tồn đọng rác thải, phế thải trong ngày, đặc biệt là rác thải phát sinh sau Tết như cành đào, cây quất, hoa... gây mất vệ sinh.

Yêu cầu ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận tăng cường kiểm tra, đôn đốc đối với các trường hợp để tồn tại; có biện pháp xử lý nghiêm và cắt giảm khối lượng duy trì đối với các vi phạm thuộc trách nhiệm của nhà thầu. Các trường hợp vi phạm đã nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần vẫn tiếp tục vi phạm cần có biện pháp xử lý, chấm dứt hợp đồng (UBND thành phố đã có chỉ đạo cụ thể tại văn bản 2143/UBND-ĐT ngày 22-5-2019).

Bão Damien hoành hành tại miền Tây Bắc Australia

Ngày 8/2, bão Damien mang theo mưa to và gió lớn, đã hoành hành tại vùng Pilbara, Tây Bắc Australia. Người dân địa phương đã được khuyến cáo nên ở trong nhà trong bối cảnh Cơ quan Khí tượng Australia cảnh báo bão có thể tiếp tục mạnh lên và trở thành cơn bão nguy hiểm.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy bão nhiệt đới Damien tiếp cận bờ biển Tây Úc qua thị trấn cảng Dampier. Ảnh: Australian Bureau of Meteorology

Theo Cơ quan Khí tượng Australia, bão Damien đang mạnh ở cấp 3 với sức gió vùng gần tâm bão là 150km/h. Dự báo, bão sẽ mạnh lên với sức gió có thể lên tới 220km/h khi di chuyển về hướng bờ biển. Cơ quan Khí tượng Australia đánh giá đây là cơn bão có sức hủy diệt lớn, và tình trạng mưa rất to hiện nay có thể làm bão ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đài phát thanh địa phương đưa tin đã có nhiều cây cối bị đổ, khu vực gần thị trấn nhỏ Dampier rơi vào tình trạng mất điện, song chưa có báo cáo về nhà ở hoặc cơ sở kinh doanh bị hư hại.

Pilbara là khu vực có dân cư thưa thớt, song lại là nơi tập trung một số công ty sản xuất quặng sắt của Australia. Do ảnh hưởng của bão Damien, các khu mỏ và cảng ở địa phương này đều vắng bóng nhân viên

An Giang: Sạt lở sông, dân khẩn cấp dời nhà

Chiều 8/2, thông tin từ Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra 1 vụ sạt lở có chiều dài 20m nằm cặp sông Ông Chưởng (đoạn qua ấp Long Thành, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Vào khoảng 6h15 ngày 07/02, tại vị trí trên xuất hiện vết răn nứt dài 20m, chạy dọc theo bờ sông Ông Chưởng, đe dọa trực tiếp đến 2 căn nhà của người dân.

Do khu vực sạt lở này còn có nguy cơ mở rộng, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nên sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới và xã Long Giang đã nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ giúp 2 hộ dân di dời tài sản đến nơi an toàn.

Người dân khẩn cấp dời nhà vì sạt lở.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang, trong năm 2019, trên địa bàn đã xảy ra 46 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 3,4km gây ảnh hưởng đến 146 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Thiệt hại về đất thống kê được là khoảng 32,6 tỷ đồng.

Được biết, đoạn sạt lở trên cũng nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở của Sở. Nguyên nhân sạt lở bước đầu được xác định là do mực nước thấp và ảnh hưởng của các trận mưa lớn, bờ sông thẳng đứng làm trượt mái.

Di dời các bè cá trên sông Cái Vừng, An Giang để hạn chế thiệt hại

Liên quan đến việc cá nuôi trong các lồng, bè ở khu vực sông Cái Vừng bị chết hàng loạt, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu cùng các hộ dân nuôi cá lồng, bè tại khu vực này, để giải thích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá nổi đầu và chết trong mấy ngày qua.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, đến chiều ngày 7/2, cá nuôi trong các lồng, bè tại khu vực này không còn hiện tượng nổi đầu và chết như trước đây. Tuy nhiên, hiện nay đang vào cao điểm mùa khô, mực nước trên sông Cái Vừng sẽ tiếp tục giảm sâu, do đó, môi trường nuôi cá sẽ có nhiều thay đổi, không thuận lợi cho việc nuôi cá tập trung trong các lồng, bè với mật độ cao.

Cá nuôi trong một số lồng bè khu vực sông Cái Vừng đột nhiên nổi đầu chết hàng loạt.

Để giảm thiệt hại cũng như rủi ro có thể tiếp tục xảy ra cho người nuôi cá, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang khuyến cáo các địa phương tổ chức vận động và hỗ trợ bà con di dời các lồng, bè cá vào vùng quy hoạch hoặc đến khu vực sông có nguồn nước và tỷ lệ oxy hòa tan trong nước tốt hơn.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tăng cường sức đề kháng, chống sốc cho cá, đặc biệt chú ý cung cấp oxy hạt, tăng cường máy đạp nước cung cấp oxy cho bè nuôi cá; Phòng Tài nguyên Môi trường thường xuyên theo dõi, giám sát môi trường nước trong khu vực nuôi cá để kịp thời thông tin, khuyến cáo người nuôi.

Đến sáng 8/2, các hộ nuôi đã tiến hành di dời được 32/124 lồng, bè nuôi cá qua bên bờ sông Tiền thuộc khu vực tỉnh Đồng Tháp; một số hộ nuôi khác, do cá đã lớn nên tranh thủ thu hoạch (cá thương phẩm chưa bị ảnh hưởng) bán cho thương lái để hạn chế thiệt hại.

Như đã thông tin trước đó, từ ngày 5 - 6/2, người dân nuôi cá lồng, bè ở phường Long Sơn, thị xã Tân Châu và xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang lo lắng khi cá nuôi trong các lồng, bè tự nhiên nổi đầu rồi chết hàng loạt.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, số cá chết khoảng hơn 26 tấn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.