Thứ sáu, 19/04/2024 18:19 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/6/2020

MTĐT -  Thứ ba, 09/06/2020 06:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/6/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/6/2020.

Phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà theo hướng bền vững

Khu Bảo tồn sinh quyển thế giới Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, thuộc thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Quần đảo Cát Bà chính thức được Tổ chức Văn hoá Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ ngày 19/12/2004.

Cát Bà đã trở thành địa chỉ du lịch quen thuộc với nhiều người, nhất là với du khách thích du lịch sinh thái.

Xét theo 3 căn cứ của khu dự trữ sinh quyển thế giới: Tính đại diện, giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, khu dự trữ sinh quyển có cơ hội phát triển bền vững, thì quần đảo Cát Bà (thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng) hoàn toàn xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam và thế giới.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà trải rộng trên tổng diện tích 26.240ha, cách thành phố Hải Phòng 30 hải lý; được nối tiếp từ vịnh Hạ Long tạo thành một quần thể đảo-vịnh kỳ thú. Vườn Quốc gia Cát Bà là hạt nhân của khu sinh quyển, với 9.800ha rừng và 4.200ha biển.

Hiếm có nơi nào như ở Cát Bà, nơi vẫn duy trì, bảo tồn được hệ sinh thái đa dạng. Việt Nam đã có những khu vực rất nổi tiếng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và Cát Tiên (Đồng Nai-Lâm Đồng).

Tuy nhiên đặc trưng của Cần Giờ là sinh quyển vùng ngập mặn cửa sông; Cát Tiên là sinh quyển vùng nhiệt đới trên cạn. Trong khi đó, sinh quyển ở Cát Bà hội tụ đầy đủ cả tính chất của rừng nhiệt đới trên các núi đảo đá vôi, cả tính chất của rừng ngập mặn, các rạn san hô, các thảm rong cỏ biển, các dạng tùng, áng (hồ nước mặn giữa núi) và đặc biệt là hệ thống chằng chịt các hang động, trong đó có những hang động được phát hiện cách đây chưa lâu.

Các giá trị bảo tồn của khu dự trữ sinh quyển Cát Bà được chia thành các vùng chức năng, gồm không gian bảo vệ nghiêm ngặt - vùng lõi, không gian được bảo vệ có hạn định - vùng đệm, không gian hỗ trợ và khuyến khích phát triển cộng đồng - vùng chuyển tiếp.

Nhật Bản: 20 năm đưa 'đảo rác' trở về vẻ đẹp nguyên bản

Theo báo Nhật Bản Mainichi, ngày 6/6 đánh dấu mốc 20 năm kể từ khi cư dân đảo Teshima ngoài khơi tỉnh Kagawa đạt được thỏa thuận với giới chức tỉnh về vụ xả thải gần 913.000 tấn chất thải công nghiệp.

Ở phía Tây hòn đảo nơi xảy ra ô nhiễm, một vùng đất rộng 285.000 m2 chất đầy bui bẩn, rác thải. Lượng chất thải hóa học độc hại và benzen phát hiện tại mạch nước ngầm khu vực vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Chính quyền tỉnh Kagawa dự kiến đưa lượng chất thải hóa học xuống ở dưới mức tiêu chuẩn và đến tháng 3/2023 sẽ hoàn thành việc gỡ bỏ các bức chắn ngăn dòng nước ô nhiễm ra biển.

Trước đó, vào đầu những năm 1980, một lượng lớn rác thải công nghiệp độc hại gồm chất thải rắn từ những phương tiện bỏ đi, dầu thải, bùn thải đã được chính quyền địa phương cho phép các nhà thầu mang đến đảo Teshima vất.

Hòn đảo sau đó được người dân đặt cho tên gọi “đảo rác”. Cư dân trên đảo liên tục khẳng định hành động của các nhà thầu xử lý rác thải là vi phạm pháp luật, song giới chức địa phương không có bất kỳ động thái nào giải quyết vấn đề. Việc xả thải bất hợp pháp vẫn tiếp diễn cho đến khi Sở Cảnh sát tỉnh Hyogo cáo buộc hành vi của các nhà thầu vào năm 1990.

Năm 1993, cư dân trên đảo Teshima gửi đơn kiện chống lại chính quyền tỉnh Kagawa và các ban ngành liên quan vì thiếu trách nhiệm trong việc giám sát việc xả thải của nhà thầu. Vụ kiện được dàn xếp vào năm 2000. Chính quyền địa phương lên tiếng xin lỗi và cam kết sẽ dọn sách chất thải công nghiệp đã vất ra đảo. Trong 16 năm xử lý, khoảng 913 tấn rác thải đã được dọn đi.

Cũng trong khoảng thời gian đó, người dân trên đảo Teshima tìm cách tái sử dụng vùng đất được dọn sạch để thúc đẩy sự hồi sinh cho khu vực. Do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa, dân số trên đảo trong 20 năm qua đã giảm đi một nửa, từ 1.400 xuống còn 782 người tính đến ngày 1/5 năm nay. Tuy nhiên, người dân trên đảo quyết tâm lấy lại vẻ đẹp nguyên bản cho hòn đảo mặc dù biết việc này cần rất nhiều thời gian. Họ mong muốn bãi biển đẹp với bờ cát trắng trải dài và rặng thông xanh mướt không có sự can thiệp của con người sẽ xuất hiện trở lại trên đảo Teshima.

Tỉnh Quảng Trị nỗ lực cứu hộ và bảo tồn các loài rùa biển quý hiếm

Tỉnh Quảng Trị đã và đang nỗ lực bảo tồn các loài rùa biển quý hiếm, đồng thời thường xuyên tổ chức cứu hộ, tạo môi trường biển sạch và an toàn cho rùa sinh sống.

Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là một trong những khu bảo tồn biển có đa dạng sinh học cao, được thành lập vào tháng 10/2009. Khu bảo tồn này nằm ở cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ, có diện tích trên 4.530ha, gồm 3 phân khu gồm bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và phát triển.

Tại đây có các loài rùa biển quý hiếm và là nơi có các điều kiện sống rất tốt cho rùa, nhất là 2 khu vực có rạn san hô, rong cỏ quanh đảo Cồn Cỏ và vùng bãi ngang từ thị trấn Cửa Tùng ngược ra phía Bắc đến xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cách bờ khoảng 5km có rạn đá ngầm rất phù hợp với đặc tính sinh học của rùa vì có nhiều thức ăn.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn có đường bờ biển dài 75km; trong đó có 67,5km bờ biển bãi ngang cát trắng, thích hợp cho các loài rùa biển lên đẻ trứng.

Ở vùng biển Việt Nam có 5 loài rùa được chia thành 2 họ chính là họ vích (gồm vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng) và họ rùa da (chỉ có một loài rùa da).

Trong 5 loài rùa này, có 2 loài quý nhất là đồi mồi và rùa da thì chủ yếu sinh sống ở vùng biển, đảo của Quảng Trị.

Năm 2010, một con rùa da nặng 450kg vào đẻ trứng ở bờ biển thôn Một, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Ðây là con rùa có trọng lượng lớn nhất từng được phát hiện, cứu hộ ở Quảng Trị.

Năm 2014, tại vùng bờ biển thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, các tình nguyện viên bảo vệ rùa, phát hiện một con rùa da nặng hơn 300kg đẻ được 132 quả trứng.

Kể từ khi được thành lập, Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện chương trình “Bảo tồn, cứu hộ rùa biển” nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt, mua bán rùa biển; đồng thời cứu hộ kịp thời rùa, điều tra thu thập mẫu vật, phân loại các loài sinh vật, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của khu bảo tồn.

Theo IUCN, việc bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển chính là một trong những ưu tiên của IUCN, trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam, tong đó, dải bờ biển Quảng Trị chính là một trong những khu vực ưu tiên bảo tồn rùa biển và là nơi có thể phát hiện thêm loài rùa da quay về đẻ trứng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...