Thứ sáu, 26/04/2024 06:28 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/7/2019

MTĐT -  Thứ ba, 09/07/2019 09:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/7/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/7/2019.

Mưa lớn khiến thủ đô nước Mỹ ngập nặng

Một trận mưa lớn sáng ngày 8/7 đã khiến hệ thống giao thông ở khu vực thủ đô Washington tắc nghẽn trong nhiều giờ do nhiều tuyến đường và khu vực bị ngập sâu trong nước. Cảnh báo lũ quét đã liên tục được thông báo trong khi người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài vì nguy hiểm. Mặc dù chưa có thông tin thương vong nhưng đã có báo cáo về nhiều vụ tai nạn giao thông.

Nước đã tràn vào khu vực làm việc của báo chí ở tầng hầm gần Cánh Tây (West Wing) của Nhà Trắng và các nhân viên chính phủ đã phải sử dụng máy hút nước để đối phó với tình trạng ngập nước.

Trong khi đó, nước mưa cũng gây ra mất điện ở tòa nhà lưu trữ quốc gia (National Archives Building), nơi đang bảo quản nhiều tư liệu lịch sử quý giá của Mỹ như Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Mỹ. Tuy nhiên, các tư liệu này đều được an toàn.

Rác thải nhựa đe dọa nhân loại

Từ những năm 1950, tỷ lệ sản xuất nhựa đã tăng nhanh hơn bất kỳ vật liệu nào khác. Thế giới đã chuyển từ việc sản xuất nhựa bền sang nhựa dùng một lần, chẳng hạn như túi, vỏ chai, vỏ bọc thức ăn…

Loại ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra chính là thảm họa do chính con người tự gây nên cho chính bản thân mình, cho đồng loại và giờ đây đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.

Tháng 6 vừa qua, Liên hợp quốc đã công bố một báo cáo về môi trường với những con số khiến không ít người choáng váng. Hiện có tới 5.000 tỷ chiếc túi nhựa đã được sử dụng trên thế giới mỗi năm. Nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Tổng cộng, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người. Chỉ tính riêng năm 2018, các nhà sản xuất trên thế giới đã sản xuất ra 360 triệu tấn nhựa.

Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất. Chất thải nhựa kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng...

“Ô nhiễm trắng” với túi nilon và rác thải nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Theo các chuyên gia, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy.

Thanh tra toàn diện Khu bảo tồn biển Phú Quốc

Chiều 8/7, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã công bố quyết định thanh tra công tác quản lý sử dụng đất của Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Thời gian thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ năm 2010 đến năm 2019, có thể mở rộng trước và sau thời kỳ thanh tra. Nội dung thanh tra là việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất, đất có mặt nước ven biển của được UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc từ năm 2007, thuộc địa bàn các xã: Bãi Thơm, Hàm Ninh, Hòn Thơm.

Theo kế hoạch thanh tra được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng phê duyệt thì Thanh tra tỉnh chủ động phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, UBND huyện Phú Quốc để tiến hành thanh tra đúng tiến độ, bảo đảm khách quan, công tâm, không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Hiện tại, Khu bảo tồn biển Phú Quốc đang quản lý 26.863ha diện tích mặt nước biển, đất có mặt nước biển bao gồm khu vực bảo vệ rạn san hô và khu vực bảo vệ cỏ biển, với 3 vùng chức năng là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển.

Vì nhiều lý do, trong đó có tác động bất lợi của quá trình phát triển nóng về du lịch biển nên một số khu vực của Khu bảo tồn biển Phú Quốc đã bị xâm hại như khu vực biển xã Hàm Ninh đã bị lấn chiếm trái phép để làm nhà hàng, quán nhậu vẫn chưa được xử lý đúng pháp luật. Nhiều công trình nuôi trồng thủy sản, làng du lịch từ phát không đúng quy hoạch vẫn chưa bị xử lý dọc bờ biển tại xã Bãi Thơm.

Indonesia siết nhập khẩu rác thải từ các nước giàu

Các nước trong khu vực Đông Nam Á ngày càng nghiêm khắc hơn với hoạt động nhập khẩu rác...

Theo hãng tin Bloomberg, qua một đợt kiểm tra ngẫu nhiên vào tháng 5, nhà chức trách Indonesia đã phát hiện hơn 80 container chứa rác thải bất hợp pháp nhập khẩu vào nước này từ Mỹ, Australia và châu Âu. Một doanh nhân vào hàng giàu nhất ở Australia đã bị chỉ trích mạnh ở Indonesia sau khi một bài báo cho rằng công ty do ông này sở hữu đứng sau một lô phế liệu có nhiều rác chứa chất độc hại được tuồn vào Indonesia.

Sau phát hiện này, hải quan Indonesia đã tăng cường kiểm tra các lô phế liệu nhập khẩu.

"Đây là một vấn đề nghiêm trọng", ông Deni Surjantoro, một quan chức thuộc Tổng cục Hải quan Indonesia, phát biểu.

Theo ông Deni, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch cho những biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào những công ty bị phát hiện nhập khẩu phế liệu trái phép. Dự kiến, ngay trong tuần này, các biện pháp quản lý mới sẽ được công bố. Ngoài ra, nhà chức trách cũng sẽ công bố danh tính một số công ty vi phạm.

Vị quan chức nói rằng rác độc hại thường được tìm thấy trong các lô phế liệu nhập từ Mỹ, Đức, Hồng Kông và Australia. Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia "gửi" nhiều rác độc hại hơn cả tới Indonesia.

Ông Deni cho hay, vấn đề trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Trung Quốc thay đổi chính sách về nhập khẩu rác thải. Trước đây, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới, nhưng năm ngoái, nước này bắt đầu hạn chế nhập rác. Trong một số trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn cấm nhập rác vì lý do môi trường.

"Chính sách của Trung Quốc cuối cùng đã khiến chúng tôi phải siết chặt quy trình giám sát của mình để phát hiện xem những lô hàng nào chứa rác thải độc hải", ông Deni nói.

Hai tờ báo Sydney Morning Herald và The Age tuần trước đưa tin nói rằng Visy Recycling, một công ty của tỷ phú Anthony Pratt, chính là công ty đã xuất khẩu một lô rác bị bắt ở cảng Batam của Indonesia. Lô rác này được cho là chứa phế liệu nhựa, loại rác bị xem là độc hại theo quy định của Indoneisa.

Thành phố đầu tiên châu Âu cam kết tái chế hoàn toàn rác thải

15 năm trước, mọi rác thải của Ljubljana, thủ đô Slovenia,  đều được đưa về bãi chôn lấp. "Đó là giải pháp tốn kém, chiếm dụng không gian và lãng phí tài nguyên", Nina Sankovic, chuyên gia một công ty quản lý rác thải, nói.

Đứng trên ngọn đồi xanh tươi tốt, nơi sinh sống của nhiều đàn hươu, thỏ và rùa, có thể nhìn thấy Ljubljana từ xa. Không khí rất trong lành, dấu hiệu duy nhất cho thấy bãi rác sâu 24m là những ống dẫn khí methane vươn lên từ mặt cỏ.

Ljubljana là thủ đô đầu tiên ở châu Âu cam kết không rác thải. Bắt đầu từ 2002, thành phố đặt những thùng thu thập và phân loại giấy, thủy tinh, bao bì bên vệ đường. Bốn năm sau, thành phố bắt đầu thu gom rác thải sinh học tận cửa. Người dân châu Âu tới năm 2023 mới bắt buộc phải phân loại rác sinh học, nhưng Ljubljana đã đi trước gần 20 năm.

Năm 2013, mọi ngôi nhà trong thành phố đều nhận được thùng rác phân loại bao bì và giấy thải. Người dân cũng buộc phải tự phân loại rác và quy định này đưa tới kết quả ấn tượng.

Năm 2008, thành phố tái chế 29,3% rác thải, kém xa so với những nước châu Âu khác. Ngày nay, số rác thải được tái chế chiếm tới 68%, tỷ lệ rác được đưa về bãi chôn lấp giảm 80%, đưa Ljubljana lên vị trí đầu trong bảng xếp hạng các thành phố tái chế rác hiệu quả ở châu Âu. Thủ đô Solvenia hiện chỉ tạo ra 115 kg rác/đầu người mỗi năm.

Nhà máy xử lý chất thải sinh học hiện đại nhất châu Âu ở Ljubljana đi vào hoạt động là bước tiến lớn đáp ứng cam kết tái chế tối thiểu 75% rác thải tới năm 2025. Trung tâm Quản lý Chất thải Khu vực (RCERO) bắt đầu hoạt động năm 2015 và ngày nay, nó phục vụ gần 1/4 đất nước khi sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất nhiệt và điện, xử lý 95% chất thải còn lại thành vật liệu tái chế và nhiên liệu rắn, giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống mức chưa đầy 5%. Trung tâm thậm chí còn biến chất thải sinh học thành phân bón chất lượng cao.

Vấn đề không chỉ là tái chế rác, mà còn là ngăn ngừa nạn xả rác bừa bãi và khuyến khích tái sử dụng rác. Ngoài thu thập rác tại nhà, Ljubljana còn có hai trung tâm xử lý rác thải sinh hoạt, nơi công dân được phép vứt rác. Một địa điểm rất phổ biến nằm gần RCERO, nơi có hơn 1.000 lượt vứt rác mỗi ngày và thành phố có kế hoạch xây dựng ít nhất ba điểm nữa, cùng 10 điểm nhỏ hơn ở những khu vực đông dân trong nội đô.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.