Thứ sáu, 29/03/2024 04:26 (GMT+7)

Hưng Yên: Trên 40% mẫu nước sạch không đạt, người dân vẫn phải dùng

DOÃN KIÊN - TRÍ PHÚC -  Thứ sáu, 31/08/2018 09:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là con số mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cung cấp, cụ thể năm 2016 là 25/60 mẫu không đạt (41%), năm 2017 là 27/63 mẫu không đạt (42%).

Gần nửa số mẫu không đạt

Theo công văn số 615/SNN-CCCL ngày 24/7/2018 gửi tới toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có câu trả lời cụ thể về vấn đề nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh Hưng Yên.

Ngoài những nội dung liên quan về nước sạch, vấn đề quản lý chất lượng nước theo Thông tư 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế, thì Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (TTYTDP) đã được Sở Y tế Hưng Yên đã giao nhiệm vụ chủ trì kiểm tra chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại các cơ sở cung cấp nước trên địa bàn.

Công văn Sở Nông nghiệp gửi toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Năm 2016, TTYTDP đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 cơ sở lấy 60 mẫu nước để xét nghiệm, phát hiện 25 mẫu không đạt, xử lý 1 đơn vị do hàm lượng Mangan trong sản phẩm cao hơn quy chuẩn cho phép. Năm 2017, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm sát 21 cơ sở cấp nước, lấy 63 mẫu nước để xét nghiệm, phát hiện 27 mẫu không đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, TTYTDP chỉ phát hiện 3/27 cơ sở cấp nước không đạt yêu cầu đó là: Nhà máy nước Hải Triều, nhà máy cấp nước xã Bình Minh, Nhà máy cấp nước xã Phụng Công!?

Sở Y tế Hưng Yên cũng thừa nhận: Bộ Y tế yêu cầu bắt buộc việc xét nghiệm 109 chỉ tiêu giám sát chất lượng nước cả nhóm A, B, C theo quy định tại QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02: 2009/BYT đối với các cơ sở cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt trên 1000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, TTYTDP tỉnh đến nay cũng mới chỉ thực hiện xét nghiệm được từ 12-16/109 chỉ số, nguyên nhân vì không đủ trang thiết bị xét nghiệm.

Nói như vậy có thể thấy vấn đề nước sạch Hưng Yên chưa đạt chuẩn vì chưa xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu A, B, C theo quy định của Bộ Y tế đối với nước sinh hoạt, ăn uống.

Trước đó, nhóm PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã làm việc với TTYTDP tỉnh Hưng Yên. Buổi làm việc gồm: Ông Trần Đình Tấn, Phó giám đốc Trung tâm, ông Phạm Hùng Quang, Trưởng Khoa Sức khoẻ cộng đồng và bà Đỗ Thị Hương Giang Trưởng khoa Xét nghiệm.

PV làm việc với TTYTDP tỉnh Hưng Yên.

Đại diện phía trung tâm cho biết, trong những năm qua đã kết hợp với Công an môi trường tỉnh thanh, kiểm tra lấy mẫu nước xét nghiệm mỗi năm 1 lần. Sở Y tế đều có kế hoạch thanh kiểm tra nội kiểm, ngoại kiểm, lấy mẫu xét nghiệm đầy đủ theo quy định.

Thế nhưng, công văn số 501/UBND-KT1 ngày 7/3/2018 của UBND tỉnh lại nêu: Việc thực hiện công tác nội kiểm về vệ sinh, chất lượng nước thành phẩm của các cơ sở cung cấp nước thực hiện chưa nghiêm túc, lấy lệ và chưa đúng tần suất quy định, không thực hiện nghiêm chế độ cung cấp thông tin, báo cáo. Công tác ngoại kiểm của TTYTDP tỉnh chưa thực hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý vệ sinh, chất lượng nước sinh hoạt, nước ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Mẫu xét nghiệm của TTYTDP có tới 4 chỉ số vượt chuẩn.

Ai chịu trách nhiệm?

Trên thực tế mà Nhóm PV khảo sát đã phát hiện hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, như tại Trạm cung cấp nước sạch Ecopark thuộc xã Thanh Quang, huyện Văn Giang hoạt động từ năm 2013 đến tháng 5/2018, TTYTDP vẫn chưa một lần xuống kiểm tra theo quy định.

Ngày 26/3/2018, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã về trạm cấp nước Trần Cao (Phù Cừ) làm việc. Trong phần kết luận nêu rõ vệ sinh, ngoại cảnh tương đối sạch sẽ… các kết quả xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, trạm cấp nước Trần Cao đã ngừng hoạt động từ tháng 5/2017 và chỉ đấu nối từ nhà máy nước Nguyên Hoà.

Cũng trong phiếu kiểm tra ngày 20/3/2018 của TTYTDP tỉnh tại nhà máy Nguyên Hoà lại có kết quả: Đã thực hiện xét nghiệm chỉ tiêu A, B nhưng chưa đầy đủ. Có tới 3 nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và phiếu xét nghiệm hàm lượng Coliforms tổng số vượt ngưỡng cho phép 16 lần.

Ngoài ra, tại phiếu xét nghiệm số 18.003 do TTYTDP thực hiện cho bà Hoàng Thị Điệp, thôn Đa Lộc, Ân Thi vào ngày 4-5/01/2018 có tới 4 chỉ số vượt ngưỡng. Tuy nhiên, các cán bộ TTYT DP tỉnh cho rằng doanh nghiệp này ở Hải Dương nên không thể can thiệp.

Trong lần làm việc thứ 2, cán bộ TTYTDP đã thừa nhận sai sót nhưng cho rằng không có quyền xử lý cũng như xử phạt. Khi phát hiện sai phạm cũng chỉ báo cơ sở khắc phục, còn các cơ sở có khắc phục được hay không lại là chuyện khác…

Ngoài ra, trong các phiếu xét nghiệm đều ghi rõ tên địa chỉ khách hàng, tức là giữa cơ sở và TTYTDP có ký kết hợp đồng xét nghiệm mẫu. Dư luận đặt ra nghi vấn về tính khách quan của việc này và liệu TTYTDP có “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và liệu kết qủa của các phiếu này có làm hài lòng khách hàng là cơ sở sản xuất nước sạch?

Trên thực tế tại tỉnh Hưng Yên việc ô nhiễm nguồn nước tại sông Bắc Hưng Hải và hệ thống nước ngầm qua số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tương đối nghiêm trọng. Có 24 cơ sở khai thác nước ngầm và 7 cơ sở khai thác nước Bắc Hưng Hải.

Ngay tại Thông báo số 182/TB-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên nêu rõ: Đôn đốc các đơn vị doanh nghiệp sử dụng nguồn nước Bắc Hưng Hải chuyển sử dụng nguồn nước cấp sông Hồng, sông Luộc xong trước ngày 30/6/2018. Sau thời điểm này nhà máy nào chưa chuyển giao nguồn cấp báo cáo UBND tỉnh xử lý, điều chỉnh vùng cấp nước hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.

Qua tìm hiểu tại các nhà máy xử lý nước ngầm hầu hết được xây dựng từ lâu, hệ thống xử lý nước đã xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng thẳng thắn chỉ ra:  "Rứt khoá đóng cửa các cơ sở mà thu nước hệ thống kênh mương của sông ngòi Bắc Hưng Hải và nước ngầm và chỉ được phép lấy nước sông Hồng, sông Luộc".

Nguồn nước được khai thác từ nước ngầm không đảm bảo.

Và như vậy, những phiếu kiểm nghiệm của TTYTDP ở các cơ sở đang lấy nước mà UBND tỉnh kiên quyết đóng cửa chuyển đổi nguồn nước trong 6 tháng đầu năm 2018 liệu có trung thực. Bởi chỉ phát hiện 3 cơ sở không đạt!?

Dư luận địa phương cho rằng trong 2 năm 2016-2017, người dân phải bỏ tiền mua nước sạch nhưng chỉ được cung cấp nước không đạt lên tới trên 40%. Khi sử dụng nguồn nước này ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ, cũng như tình trạng bệnh tật xuất hiện ngày càng nhiều hiện nay. Vậy cơ quan chức năng hay cở sở sản xuất nước sạch phải chịu trách nhiệm?

Kỳ tới: Ai chịu trách nhiệm trong vấn đề nước sạch?

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: Trên 40% mẫu nước sạch không đạt, người dân vẫn phải dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.