Thứ bảy, 20/04/2024 07:58 (GMT+7)

Vi phạm trong khai thác khoáng sản, 7 công ty vẫn ngày đêm hoạt động

Khánh An - Phạm Giang -  Thứ hai, 11/06/2018 13:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn thôn Do Lễ, xã Liên Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực xóm Đồng Mười.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài viết phản ánh về các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn thôn Do Lễ, xã Liên Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực xóm Đồng Mười (http://www.moitruongvadothi.vn/moi-truong/ha-nam-7-cong-ty-khai-thac-khoang-san-thay-nhau-hanh-dan-a27740.html).

7 Công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn thôn Do Lễ thi nhau hành dân.

Để làm rõ về những phản ánh của người dân thôn Do Lễ, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UNBD xã Liên Sơn về vấn đề trên.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Cường (Phó Chủ tịch UNBD xã Liên Sơn) cho biết: “Hiện nay trên địa bàn thôn Do Lễ, tại khu vực Đồng Mười hiện có 7 công ty khai thác khoáng sản đang hoạt động. Cụ thể gồm: Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn, Công ty TNHH Thi Sơn, Công ty Cổ phần xi măng Nội Thương, Công ty TNHH Thái Sơn, Công ty Cổ phần khai khoáng Minh Đức 6, Công ty Fujisan (thuê lại mặt bằng của Công ty Cổ phần xi măng 77 Bộ Quốc Phòng), Công ty TNHH vận tải và Xây dựng Tiến Đạt. Các công ty này hoạt động trên địa bàn xã đều được cấp giấy phép hoạt động đầy đủ. Tuy nhiên phía UBND xã không có hồ sơ của các Công ty này, hồ sơ giấy tờ đều do phía UBND huyện Kim Bảng lưu giữ”.

UBND xã Liên Sơn đã lập ra Đề án “Thành lập đơn vị dịch vụ môi trường phục vụ giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy thuộc địa bàn xã Liên Sơn”.

Các công ty hoạt động trên địa bàn xã cũng lâu rồi, có công ty hoạt động khoảng gần chục năm nay, nhưng có công ty mới khai thác ở đây được 3-4 năm. Diện tích khai thác khoáng sản ở đây rất rộng, khoảng tầm mấy trăm nghìn hecta, từ khi các công ty về hoạt động đến nay chưa bao giờ có kinh phí đền bù cho người dân khu vực lân cận.

Các công ty này hoạt động ngày đêm, gây bụi bẩn, tiếng ồn khiến người dân phản ánh rất nhiều, đến tháng 9/2017 người dân mang đất đá chặn đường không cho xe của các công ty này chạy và theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh nên phía UBND xã Liên Sơn cũng đã lập ra Đề án “Thành lập đơn vị dịch vụ môi trường phục vụ giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy thuộc địa bàn xã Liên Sơn” – ông Cường cho biết thêm.

Vô số những thực trạng, vấn đề ô nhiễm môi trường, nổ mìn quá khối lượng, không thực hiện như đúng ĐTM mà các công ty khai khoáng này vi phạm được nêu trong đề án của UBND xã.

Trong Đề án Bảo vệ Môi trường do UBND xã lập ra có mục nêu về thực trạng môi trường trên địa bàn xã Liên Sơn. Theo đó: “Phần lớn các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản hoạt động hết công suất nhưng chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt quá khối lượng theo thiết kế, hộ chiếu, phương án được duyệt. Hệ thống phun sương dập bụi tại khu vực dàn nghiền hoặc tưới nước làm ẩm đá trước khi nghiền không được thực hiện thường xuyên. Thực trạng thì hầu hết các công ty không phun nước mà nghiền tự do, chỉ khi có đoàn kiểm tra thì phun chống đối.

Các công ty nghiền đá để xưởng nghiền đá thô ngoài trời không có nhà xưởng, không có biện pháp xử lý bụi gây tiếng ồn và lượng bụi bay ra ngoài rất lớn. Trong khu nghiền bột không có biện pháp che chắn, không có máy hút bụi, rèm chắn.

Đối với công ty sản xuất gạch, các xưởng cũng không che chắn, không có biện pháp giảm bụi và hạn chế tiếng ồn. Giải pháp trồng cây xanh cách ly giảm bụi chưa được thực hiện theo quy hoạch và ĐTM đã được phê duyệt, hầu như các đơn vị không trồng cây theo quy định.

Các công ty nghiền đá để xưởng nghiền đá thô ngoài trời không có nhà xưởng, không có biện pháp xử lý bụi gây tiếng ồn và lượng bụi bay ra ngoài rất lớn.

Hoạt động vận tải ở một số tuyến đường xe chở quá tải, các doanh nghiệp xúc quá đầy, rất khó kiểm soát gây nên tình trạng đá văng ra mặt đường, mặt đường rạn nứt, lồi lõm, khi thời tiết nắng nóng, khô hanh các phương tiện vận chuyển cuốn theo bụi trên mặt đường…

Trong khi đó kinh phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường không có để tu sửa. Ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất thải công nghiệp độc hại, các công ty không ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt theo quy định với đơn vị dịch vụ môi trường. Hầu hết các đơn vị đều tự xử lý lượng chất thải sinh hoạt phát sinh như đốt, chôn lấp trong khu vực mỏ, chất thải độc hại chưa được xử lý đúng quy trình, quy định".

Xe chở quá tải, các doanh nghiệp xúc quá đầy, rất khó kiểm soát gây nên tình trạng đá văng ra mặt đường, mặt đường rạn nứt, lồi lõm.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường trên, UBND xã Liên Sơn đã tổ chức kiểm tra, khảo sát các công ty, doanh nghiệp sản xuất chế biến đá, sản xuất gạch, sản xuất vật liệu xây dựng khác và kiểm tra thống kê, đo đạc các tuyến đường có ảnh hưởng cần phải quét dọn mặt đường, phun nước làm ẩm mặt đường và nạo vét cống rãnh thoát nước hai bên đường trên địa bàn xã Liên Sơn để giảm thiểu môi trường.

Với mức khoán 5 triệu đồng/tháng đối với mỗi công ty, riêng công ty xi măng Vicem Bút Sơn đóng góp 8 triệu đồng/ tháng. Công việc cụ thể: tưới nước bằng xe chuyên dụng làm ẩm đường 2 lần/ngày, quét dọn ngày 2 lần/ngày và nạo vét cống rãnh thoát nước 1 lần/tháng. Tập trung vào đoạn đường DDH04 đến nhà máy xi măng Nội Thương dài 02 km. Các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp nộp tiền về UBND xã để chi trả tiền công cho người lao động quét dọn mặt đường, phun nước làm ẩm mặt đường, nạo vét cống rãnh hai bên đường để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đề án bảo vệ môi trường của UBND xã chỉ giải quyết duy nhất vấn đề ô nhiễm bụi bẩn từ hoạt động của các công ty này.

Thế nhưng, các công ty khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng ở đây trong một thời gian dài (có công ty 10 năm, có công ty hoạt động từ 3-4 năm), và chỉ đến khi người dân phản ánh, mang đất đá ra chặn đường xe của các công ty hoạt động thì UBND xã mới lập ra đề án bảo vệ môi trường (8/2017) để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm các công ty này mang lại..

Tuy nhiên, trong đề án bảo vệ môi trường của UBND xã Liên Sơn đã chỉ rõ thực trạng vấn đề từ các công ty khai thác khoáng sản này mang lại như nổ mìn quá tải, xe chạy quá tải, rác thải công nghiệp, rác sinh hoạt không xử lý, bụi bẩn ở khu nghiền đá, không thực hiện đúng như trong ĐTM báo cáo…

Nhưng đề án mà phía UBND xã lập ra chỉ duy nhất giải quyết tình trạng bụi bẩn từ các công ty khai thác khoáng sản này hoạt động (?!)

Khi được hỏi rằng tại sao trong đề án bảo vệ môi trường của UBND xã chỉ giải quyết duy nhất tình trạng bụi bẩn thì ông Phó chủ tịch xã Liên Sơn phân trần rằng: “Trước mắt UBND xã chỉ giải quyết được mình vấn đề này, còn về xe quá tải chạy làm hư hỏng đường thì mới đây đã có cảnh sát giao thông đến làm việc tại ngay đường rẽ vào mỏ khoáng sản của các công ty này khai thác. Về vấn đề nổ mìn quá khối lượng làm nứt nhà dân thì bên Sở Công thương quản lý, kiểm tra về vật liệu nổ”.

Ông Phó Chủ tịch xã cũng cho biết: “Các công ty này đều có hồ sơ trên phía UBND huyện Kim Bảng lưu giữ, huyện là cơ quan trực tiếp kiểm tra hồ sơ, ĐTM của các công ty khai thác khoáng sản này và trình lên phía UBND tỉnh ký quyết định cấp phép khai thác”.

Chỉ trong một địa điểm khai thác khoáng sản từ quốc lộ 21A dẫn vào đường DDH04 có đến 7 công ty đang ngày đêm hoạt động, nổ mìn khai thác nhảm nhở, vơ vét cạn kiệt tài nguyên khoáng sản.

Khi PV thắc mắc vì sao các công ty này lại được cấp phép khai thác khoáng sản tập trung vào một địa điểm như thế nà, thì ông Phó Chủ tịch trả lời rằng, vấn đề này do bên UBND tỉnh ký, tôi cũng không nắm được.

Như vậy, chỉ trong một địa điểm khai thác khoáng sản từ quốc lộ 21A dẫn vào đường DDH04 có đến 7 công ty đang ngày đêm hoạt động, nổ mìn khai thác nhảm nhở, vơ vét cạn kiệt tài nguyên khoáng sản.

Vô số những vấn đề ô nhiễm, xe quá tải, nổ mìn quá khối lượng, vi phạm ĐTM ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh đều nêu trong thực trạng đề án bảo vệ môi trường của UBND xã và chỉ duy nhất có 1 biện pháp làm giảm thiểu ô nhiễm từ bụi, còn các vấn đề khác đều chưa được xử lý.

Trong cả một thời gian dài các công ty này hoạt động, vi phạm vô số vấn đề về môi trường và ĐTM trong khai thác khoáng sản, nhưng công ty vẫn hoạt động hàng ngày mà không có ai kiểm tra, xử lý (?!)

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm trong khai thác khoáng sản, 7 công ty vẫn ngày đêm hoạt động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...