Thứ sáu, 29/03/2024 21:57 (GMT+7)

Vì sao trồng cây xanh luôn được ưu tiên tại quốc đảo Singapore?

MTĐT -  Thứ ba, 24/09/2019 18:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi nhắc tới những quốc gia sở hữu lượng cây xanh nhiều nhất tại các khu vực đô thị, không thể thiếu sự có mặt của quốc đảo Singapore.

Theo một nghiên cứu mới đây từ các chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), quốc đảo Sư tử đã đứng đầu trong danh sách những quốc gia sở hữu lượng cây xanh lớn tại các khu đô thị nhiều nhất trên thế giới, với gần 30% các khu đô thị lớn được bao phủ bởi cây xanh.

Ở Singapore do diện tích đất mặt ít, trong khi mật độ dân số cao nên khi xây dựng những tòa nhà cao tầng đòi hỏi phải tăng diện tích cây xanh.

Trong quy hoạch, cảnh quan, môi trường, cây xanh được chú trọng đầu tiên, với diện tích đất hạn chế, Chính phủ Singapore đã thực hiện chiến lược “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”.

Ở Singapore xây dựng những tuyến phố có nhiều cây xanh, các tuyến giao thông công cộng như xe bus, xe bus 2 tầng và tàu điện ngầm được người dân sử dụng khá phổ biến vì sự tiện lợi lại giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quy hoạch đô thị theo hướng thân thiện với thiên nhiên, hòa cây xanh ở khắp các tuyến đường tuyến phố để mềm hóa các tòa cao ốc san sát nhau.

Thế nhưng để trở thành đất nước Singapore nổi tiếng là quốc gia xanh, sạch, đẹp ở Đông Nam Á như này nay. Nhà chức trách nước này luôn chú trọng đến việc phát triển bền vững. Nhưng có thể bạn không biết, để phủ xanh một đô thị sầm uất, tràn ngập những nhà cao tầng với những khối bê tông là điều không hề đơn giản.

Đất nước này đã phải đề ra một chiến lược phát triển bài bản, mà mục tiêu không chỉ là biến Singapore trở thành một quốc gia có rừng trong thành phố mà là một thành phố trong rừng, với cây cối xanh tươi phủ ngút tầm mắt ở bất cứ đâu.

Khi nắm trọng trách phát triển Singapore, ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh việc mở rộng độ che phủ của cây xanh để giảm hệ quả tiêu cực của quá trình đô thị hóa, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông rất thích cây angsana (vốn dễ trồng cũng như phát triển nhanh, tán rộng) và cây còng. Ngoài ra, cây xanh còn góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị, đặc biệt khi đến mùa hoa nở, thu hút những chú chim đến làm tổ và mang lại âm thanh rộn rã cho phố phường.

Trong hồi ký Từ Thế giới thứ Ba đến Thế giới thứ Nhất, ông Lý Quang Diệu chia sẻ: “Sau khi độc lập, tôi luôn đau đáu suy nghĩ về những biện pháp để tách bạch hình ảnh Singapore với các nước Thế giới thứ 3. Tôi quyết định phải cải thiện môi trường và cảnh quan Singapore. Phủ xanh thành phố là kế hoạch hiệu quả nhất mà tôi từng phát động”.

“Những mảng xanh trong thành phố cũng giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, khiến họ tự hào về những thực thể tồn tại xung quanh. Chúng tôi hướng dẫn họ chăm sóc cây xanh và không phá hoại cây cối”, ông Lý Quang Diệu kể trong quyển hồi ký xuất bản năm 2000.

Trong những thập kỷ điều hành đất nước, ông Lý Quang Diệu luôn quyết liệt thực hiện giấc mơ xây dựng “thành phố vườn” ở Singapore.

“Tôi cử người đi khắp nơi, đến các vùng xích đạo, vùng nhiệt đới, vùng cận nhiệt đới, để tìm những giống cây hoặc dây leo mới. Họ đến châu Phi, vùng Caribbean, châu Mỹ, và mang về một số giống cây mới. Chúng không nhiều, nhưng nếu bạn dành chỗ để trồng cây, để dây leo mọc lên, thì sự oi bức sẽ giảm và bạn có một thành phố khác hẳn”, ông Lý Quang Diệu kể trong quyển The Man And His Ideas (xuất bản năm 1998).

Khi Singapore trở thành đô thị hiện đại, ông Lý Quang Diệu “khoe” rằng, ông luôn cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm khi từ máy bay trông xuống đại lộ East Coast rợp bóng cây. Vì sao trồng cây lại là ưu tiên của Singapore vào thời kỳ đầu độc lập, khi đất nước chưa chắc chắn về sự tồn vong kinh tế? “Ông Lý Quang Diệu đã khẳng định chiến dịch phủ xanh phải là phần thiết yếu trong quá trình xây dựng đất nước. Một thành phố xanh với khâu quản lý, quy hoạch hiệu quả sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư. Hơn nữa, nó cũng truyền cảm hứng đến người dân Singapore, khiến họ tự hào rằng họ đang sống trong một ‘thành phố vườn’. Có những lợi ích không thể đong đếm nhưng vô cùng quan trọng”, ông Poon Hong Yuen, chủ tịch Ủy ban quản lý công viên quốc gia Singapore (NParks), nói.

Ngày nay, cây xanh đã che bóng cho gần một nửa Singapore. “Mật độ phủ xanh của Singapore năm 1986 là 36%, đến năm 2007 là 47% dù chúng tôi vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và dân số ấn tượng”, ông Poon nói.

Ông Larry Ng - Cục Tái thiết phát triển đô thị - Bộ Phát triển quốc gia Singapore cho rằng, phát triển đô thị thông minh dựa trên 3 trụ cột chính, đó là kinh tế, xã hội, môi trường và phải được phát triển hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau.

Trồng cây theo tuyến đường, theo chủ đề cũng là những trọng tâm mà Singapore hướng đến, có những tuyến đường du lịch chỉ được trồng những loại cây có tán rộng đan vào nhau tạo độ che phủ cho khắp tuyến đường, hay có những tuyến phố trồng hoa giấy xen màu càng khiến khách du lịch thêm ấn tượng về thành phố xanh mát này.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao trồng cây xanh luôn được ưu tiên tại quốc đảo Singapore?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới