Thứ ba, 19/03/2024 09:02 (GMT+7)

Xả hơn 1 triệu m3 cứu hồ Tây chứ không phải cứu sông Tô Lịch

Nguyệt Hằng -  Thứ hai, 15/07/2019 22:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường trực thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng việc xả hơn 1 triệu m3 là cứu hồ Tây chứ không phải cứu sông Tô Lịch.

Ngày 9-10/7 Công ty Thoát nước Hà Nội mở cửa xả hơn 1 triệu mét khối nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc xả nước với liều lượng lớn giúp dòng sông chết bỗng nhiên đổi màu xanh và không còn mùi hôi thối.

Nhưng đến chiều ngày 13/7, sau khi ngừng cấp nước từ hồ Tây, sông Tô lịch trở lại như thường ngày: mực nước chạm đáy, đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặng và xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt.

Cộng đồng mạng cho rằng việc nước sông Tô Lịch đen lại và hiện tượng cá chết hàng loạt là điều hết sức bình thường. 

Sau khi sự việc được phản ánh, trên mạng xã hội facebook không mấy ai ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột này, cộng đồng mạng cho rằng việc nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh trong mới là điều khiến họ ngạc nhiên, còn nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối thì quá là điều hiển nhiên, không có gì lạ.

Cư dân mạng cũng cho rằng việc không xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm chính là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên sông Tô Lịch sau khi ngừng cung cấp nước hồ Tây.

Việc xả nước từ hồ Tây vào không được giới chuyên môn đánh giá cao vì nó làm ảnh hưởng đến quá trình thí điểm làm sạch sông bằng công nghệ Nhật Bản Nano-Bioreactor. JVE đồng ý với việc xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, nhưng nếu việc xả nước kéo dài thì đơn vị sẽ có văn bản kiến nghị lùi thời gian lấy mẫu nước để phân tích khách quan.

“Việc xả nước là cứu hồ Tây chứ không phải cứu sông Tô Lịch”.

Vậy việc xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch có được các chuyên gia đồng tình? Và ý kiến của các chuyên gia về việc sông Tô Lịch hiện “nguyên hình” sau khi ngừng nhận nước từ hồ Tây này như thế nào, liệu việc làm này có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với ông PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường trực thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Ông Hạ cho biết: “Đây là việc xả thường kỳ theo quy định, hồ Tây ngoài chức năng sinh thái cảnh quan thì nó còn có chức năng điều tiết nước mưa, bây giờ đang mùa mưa nên mực nước quá quy định nên phải hạ xuống để đón nhận nước mưa, tránh ngập úng.

Nhiệm vụ của Công ty Thoát nước là quản lý tránh úng ngập khu vực nên là họ xả là thường kỳ, năm nào cũng thế. Tất nhiên hồ Tây vẫn có cá, toàn bộ là cá nuôi nên khi xả nước một số cá trôi theo dòng chảy ra sông Tô Lịch. Khi vào đây do sốc ôxy, liều lượng ô xy trong nước của sông Tô Lịch là hoàn toàn không có nên cá bị sốc, chết là chuyện thường tình, không có gì bất ngờ cả”.

Khi đề cập đến vấn đề nước hồ Tây sẽ giúp sông Tô Lịch “hồi sinh” thì PGS.TS Trần Đức Hạ khẳng định: “Đây là xả tình thế, xả hơn 1 triệu mét khối này chỉ để duy trì mực nước trong hồ Tây, không phải là giải pháp cứu sông Tô Lịch. Nói đúng ra, đây là cứu hồ Tây chứ không phải cứu sông Tô Lịch. Mọi người không hiểu được vấn đề nên cứ nói đây là cứu sông Tô Lịch, người ta xả nước thải chứ có phải xả nước để cứu sông Tô Lịch đâu. Năm nay do đặtcông nghệ làm sạch Nano – Bioreactor Nhật Bản nên người ta mới quan tâm nhiều nhiều đến việc này như thế”.

KTS Trần Huy Ánh thuộc đoàn Kiến trúc sư Hà Nội.

Khi hỏi đến giải pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch, KTS Trần Huy Ánh thuộc đoàn Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: “Việc xả nước từ hồ Tây vào là do nước Hồ Tây đầy, chứ còn tổng lưu lượng nước của sông Tô Lịch là 23 triệu mét khối và với dòng chảy này thì việc xả 1 triệu mét khối không có giá trị gì cả. Còn việc xử lý nước thải từ sông Tô Lịch, dù có dùng hóa chất hay biện phápBioreactorNhật Bản hay cách xả nước cục bộ thì cũng chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, cái quan trọng là thu gom, xử lý rác thải triệt để. Phải biến sông Tô Lịch thành nơi trữ nước sạch thì lúc đó câu chuyện ô nhiễm mới được giải quyết. Còn nếu coi nó là một cái cống lộ thiên thì không bao giờ giải quyết được ô nhiễm”.

Muốn xử lý nhanh và triệt để, cần phải bình tĩnh

Theo TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, nếu chỉ bơm nước vào đầu nguồn sông Tô Lịch với mục đích rửa trôi mà không xử lý vấn đề ô nhiễm thì không khác gì dồn nước bẩn từ đầu nguồn xuống hạ lưu.

Sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm rất nặng, hàng ngày con sông này tiếp nhận 150.000m3 nước thải sinh hoạt từ gần 300 cống xả trải khắp 2 bên đổ vào. Nếu dùng bơm công suất 156.000 m3/ngày đêm để bơm nước từ nơi khác vào thì chỉ là dịch chuyển nguồn nước ô nhiễm này từ đầu nguồn đến hạ lưu, việc này dòng sông càng ô nhiễm chứ không được cải thiện.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng muốn xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm, ta cần phải làm dòng sông Tô Lịch trước rồi mới cho nước hồ Tây vào.

Chuyên gia Nhật Bản cho rằng nếu muốn xử lý triệt để ô nhiễm, bước đầu cần làm sạch nước sông bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản. Sau đó mới thực hiện xả nước từ Hồ Tây vào để lợi dụng tác động của dòng chảy, nước nano và các vi sinh vật có lợi đã được kích hoạt bởi các tấm vật liệu Bioreactor được khuếch tán theo dòng chảy xuống các khu vực hạ lưu. Từ đó góp phần cải thiện chất lượng nước một phần nào đó của cả khu vực hạ lưu.

Việc tận dụng tốc độ dòng chảy sẽ điều chỉnh được khoảng cách giữa các máy nano giúp giảm và tiết kiệm được ngân sách nhà nước nếu đầu tư bằng công nghệ Nhật Bản.

Bạn đang đọc bài viết Xả hơn 1 triệu m3 cứu hồ Tây chứ không phải cứu sông Tô Lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đà Nẵng hưởng ứng ngày hội Clean day 2024
Hoạt động do Hội yêu rác Đà Nẵng tổ chức. Các thành viên tham gia chia thành từng nhóm nhỏ, vừa đi bộ vừa nhặt rác tại khu vực từ cầu Trần Thị Lý đến cầu sông Hàn

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.